12/03/2024 22:07 GMT+7

Chàng khờ 18 năm lưu lạc về với gia đình nhờ ân huệ ‘người dưng’

“Ôi Chung, Chung ơi… ba đây! Ba, ba này… kêu ba đi. Trời ơi con tui”. Người cha gần 90 tuổi òa khóc ôm chầm lấy đứa con trai khờ dại sau 18 năm trời lạc nhau.

Ông Bót òa khóc giữa sân bay Đà Nẵng khi gặp lại con trai sau 18 năm thất lạc - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Ông Bót òa khóc giữa sân bay Đà Nẵng khi gặp lại con trai sau 18 năm thất lạc - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Chiều 12-3, anh Trần Công Chung (44 tuổi) quê ở Đà Nẵng đã được đoàn tụ với gia đình sau 18 năm thất lạc, sống nhờ vào sự cưu mang của bà con xóm chợ Phường 6, Trà Vinh.

Khoảnh khắc người cha gần 90 tuổi gặp lại con trai thất lạc 18 năm

Gặp lại con, ba chết cũng nhắm mắt được rồi

Thấy bóng con gái dìu Chung tiến ra cửa sân bay Đà Nẵng, ông Trần Công Bót (88 tuổi, ba Chung) òa khóc chạy ào tới ôm chầm lấy con trai.

"Ôi Chung, Chung ơi… ba đây. Ba, ba này… kêu ba đi. Trời ơi con tui", ôm chầm lấy người con trai khờ khạo lưu lạc 18 năm trời trở về, tiếng ông Bót khản đặc giữa sân bay Đà Nẵng.

Chung ú ớ gọi "Ba… ba" rồi khóc mếu máo như đứa trẻ. Đón con trong vòng tay, ông Bót giàn giụa nước mắt. "Ba gặp con được rồi Chung ơi. Ba chết cũng nhắm mắt rồi!".

Giây phút người đàn ông khờ Trần Công Chung trở về đoàn tụ trong vòng tay người cha già - Video: ĐOÀN NHẠN 

Chàng khờ Trần Công Chung tựa vào bờ vai người cha già - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Chàng khờ Trần Công Chung tựa vào bờ vai người cha già - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Chiều, lối vào căn nhà nhỏ của ông Trần Công Bót ở thôn Phú Sơn Tây, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) chật kín người. Bà con làng trên xóm dưới ai cũng muốn tận mắt thấy khi hay tin thằng Chung khờ đi lạc 18 năm trước đã trở về.

Chị Trinh, một người bà con trong xóm, kể từ ngày Chung đi lạc, sau nhiều năm chạy ngược xuôi không rõ tung tích, gia đình rồi cũng phải dần nguôi hy vọng. Riêng ông Bót, 18 năm sống một mình trong căn nhà vắng, ngày ngày vẫn thẫn thờ nhắc tên con trai.

Bà con lối xóm đến thăm khi hay tin Chung trở về - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Bà con lối xóm đến thăm khi hay tin Chung trở về - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Sức khỏe đã yếu, không còn nhớ được gì rõ rệt nhưng ông Bót vẫn nhớ ngày lạc mất con 18 năm trước. Chung khi ấy là chàng khờ 26 tuổi, lên chuyến xe buýt rồi đi mất biệt.

"Nhiều đêm tôi vẫn thắp nhang lên bàn thờ mẹ nó để cầu mong ngày đứa con trai duy nhất trở về. Nhà có mỗi hai chị em, nó lại khờ khạo từ bé, mẹ mất sớm đã thiệt thòi, giờ lại thất lạc không biết nơi đâu. Ơn trời sao mẹ nó hay nguyện vọng của tôi, lại đưa nó về khi tôi gần đất xa trời", ông Bót nghẹn ngào.

Chị Trần Thị Thảo, chị gái của Chung, dắt em trai đến trước bàn thờ gia tiên để thắp nén nhang trong ngày đoàn tụ - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Chị Trần Thị Thảo, chị gái của Chung, dắt em trai đến trước bàn thờ gia tiên để thắp nén nhang trong ngày đoàn tụ - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Nương nhờ xóm chợ

Mấy ai ngờ, những vòng xe vô tình năm ấy đưa Chung lưu lạc nhiều nơi, rồi vào tận Trà Vinh, cách xa cả ngàn cây số.

Bà con tiểu thương xóm chợ Phường 6, Trà Vinh không nhớ rõ ngày Chung đến. Chỉ thấy từ trên chiếc xe khách bước xuống một chàng khờ hiền lành, gầy gò và hôi hám. Chung khi ấy không nói được gì ngoài vài từ ú ớ, xưng mình tên Chung. 

Bà Mười ở xóm chợ cũ đưa Chung về tắm rửa, cho đồ ăn, chỉ chỗ nằm rồi thương và cưu mang Chung gần chục năm ròng rã.

Đến khi bà Mười qua đời, xóm chợ mới Phường 6, Trà Vinh được dựng lên. Bà con tiểu thương về buôn bán lại thấy Chung nằm co ro, nhặt đồ ăn nơi thùng rác. 

Ai nấy thương tình, người cho bộ quần áo mới, người cho bát cơm ăn, người cho ngủ nhờ ở sạp hàng, vậy là Chung thương, gọi bằng ngoại, bằng mẹ, bằng anh, chị… như người thân.

Anh Chung và chị ruột tặng quà cảm ơn các tiểu thương nơi xóm chợ Phường 6, Trà Vinh đã cưu mang anh, để trở về Đà Nẵng - Ảnh: Gia đình cung cấp

Anh Chung và chị ruột tặng quà cảm ơn các tiểu thương nơi xóm chợ Phường 6, Trà Vinh đã cưu mang anh, để trở về Đà Nẵng - Ảnh: Gia đình cung cấp

Bà Huỳnh Thị Nghiệp (thường gọi cô Hiền) bán tạp hóa ở chợ Phường 6 kể: "Chung tốt bụng lắm nên ai cũng thương. Sáng ra phụ bà con dọn hàng, treo bảng hiệu, giữ xe… không nề hà việc gì, giúp gì bà con lại cho tiền. Tối Chung ngủ có ngoại Hiền móc mùng, tóc dài có bố hớt tóc, cạo râu. Quần áo, giày dép có mẹ Thảo mua cho".

Cứ thế suốt hơn 8 năm qua, khu chợ Phường 6 tiếp tục cưu mang Chung. Nhưng rồi, những đêm nằm canh sạp hàng nhìn Chung nằm ở sạp kế bên, bà Hiền lại không đành lòng.

"Tôi nghĩ nếu nó chết trước, hằng đêm tôi ngủ đây một mình cũng buồn lắm. Nhưng tôi chết trước nó sẽ bơ vơ. Rồi tôi nhớ có kênh anh Tuấn Vỹ kết nối tìm thông tin người lưu lạc. Tôi quyết liên hệ để xem còn hy vọng nào tìm lại gia đình cho Chung không", bà Hiền nhớ lại.

Một ngày đầu tháng 3-2024, từ những thông tin mờ nhạt của bà Hiền kể và tấm hình của Chung được anh Tuấn Vỹ chia sẻ lên mạng xã hội, đã có người phát hiện ra Chung là chàng khờ ở Đà Nẵng thất lạc ngày nào.

Sau khi bà Mười qua đời, chị Thảo (trái) và bà Hiền (thứ 2 từ phải qua) là hai người đã giúp đỡ anh Chung nhiều nhất trong những ngày anh bơ vơ ở Trà Vinh - Ảnh: Gia đình cung cấp

Sau khi bà Mười qua đời, chị Thảo (trái) và bà Hiền (thứ 2 từ phải qua) là hai người đã giúp đỡ anh Chung nhiều nhất trong những ngày anh bơ vơ ở Trà Vinh - Ảnh: Gia đình cung cấp

Hôm chị gái và anh rể từ Đà Nẵng vào chợ Phường 6 đón Chung, bà con xóm chợ vây quanh. Ai cũng khóc, khóc vì mừng cho Chung, vừa bịn rịn vì sắp phải rời xa một phần quen thuộc của khu chợ này.

Chị Thảo, người chăm sóc Chung từng cái ăn, cái mặc nên được Chung gọi là mẹ, cứ thút thít khóc suốt buổi. Cặm cụi gấp từng tấm áo, chiếc quần vào chiếc vali rồi dặn dò kỹ người chị gái của Chung: "Chị lấy cái số của tôi, đặng mai mốt ra đó có gì gọi cho tôi hay".

"Sống với nó lâu cũng quen cũng lưu luyến rồi. Nhưng con người ta sống cũng cần có cội nguồn, ruột rà, máu mủ nên dẫu buồn nhưng mình cũng mừng cho nó. Chỉ lo Chung sống ở đây đã quen, khi về quê lạc lõng, lại khổ thân. Nếu một ngày con muốn trở lại đây, bà con khu chợ này vẫn rộng tay chào đón", chị Thảo nói.

Đồng hương như ruột thịt

Với gia đình anh Chung, không chỉ anh Tuấn Vỹ là chủ kênh Tuấn Vỹ kết nối yêu thương hay những tiểu thương chợ Trà Vinh, mà chính những người đồng hương nơi xứ người cũng trao cho họ ân huệ vô bờ bến.

Khi vừa được một người bạn gửi đường link về hoàn cảnh của anh Chung, anh Trần Hùng Phong, chủ tịch hội đồng hương Đà Nẵng tại TP.HCM, đã nhận ra Chung khờ ở quê nhà Đà Nẵng đi lạc nhiều năm trước.

Trong đêm tối, anh Phong và các thành viên trong ban chấp hành hội đồng hương tức tốc từ TP.HCM về Trà Vinh để tìm gặp Chung.

Biết gia đình hoàn cảnh khó khăn, hội đồng hương Đà Nẵng ở TP.HCM tặng sổ tiết kiệm cho anh Chung và lo các chi phí cho gia đình vào đón anh Chung trở về - Ảnh: Gia đình cung cấp

Biết gia đình hoàn cảnh khó khăn, hội đồng hương Đà Nẵng ở TP.HCM tặng sổ tiết kiệm cho anh Chung và lo các chi phí cho gia đình vào đón anh Chung trở về - Ảnh: Gia đình cung cấp

"Khi tôi cho xem ảnh của ba, Chung nhận ra ba ngay và kéo tay tôi đòi về nhà. Anh em ai cũng xúc động vỡ òa. Chứng kiến cảnh Chung được đoàn tụ với gia đình, ai cũng khóc", anh Phong xúc động nói.

Cũng chính anh Phong là người đã đứng ra làm thủ tục bảo lãnh cho Chung từ TP.HCM bay về Đà Nẵng đoàn tụ. Hội đồng hương đã làm sổ tiết kiệm 30 triệu đồng tặng Chung, anh em nhóm kết nối yêu thương Hòa Vang hỗ trợ tiền vé máy bay và chi phí cho gia đình trong những ngày vào đón Chung về nhà.

Những liệt sĩ Những liệt sĩ 'trở về' sau nửa thế kỷ lưu lạc

Ông Phan Đình Đều khóc khi nhận hồ sơ cuốn nhật ký của anh trai mình - liệt sĩ Phan Đình Điều. Bà Vũ Lưu Liên cũng rưng rưng khi gặp lại những nét chữ của chính mình và của người yêu trong cuốn nhật ký ghi chung của hai người sau 55 năm...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên