06/02/2018 07:40 GMT+7

Chàng sinh viên miệt mài đạp xe đạp tí hon đến giảng đường

HỒNG LY
HỒNG LY

TTO - Con đường đến trường chỉ hơn 1km, nhưng vẫn là quá sức với Dương Văn Thành. Anh thường dựa vào tường, thở hổn hển mỗi khi đến nơi.

Chàng sinh viên miệt mài đạp xe đạp tí hon đến giảng đường - Ảnh 1.

Dương Văn Thành đang là sinh viên năm 4, khoa Hệ thống thông tin, trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia TP.HCM - Ảnh: HỒNG LY

Bằng sự nỗ lực, quyết tâm Dương Văn Thành (thôn Hà Tây, xã Triệu An, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) đã vượt qua khó khăn để thực hiện ước mơ của chính mình.

Chàng trai chân đất

Từ lúc bé tới giờ, chưa lần nào Thành mang dép bởi kích thước bàn chân không đều nhau, không có đôi dép nào phù hợp. "Có lần bác sĩ làm cho đôi dép mang để chỉnh hình xương nhưng không quen nên thôi" - Thành nói.

Năm nay Thành 21 tuổi, nhưng cao chưa đầy 80 cm và nặng 30 kg. Đôi chân vẫn còn hằn những vết sẹo dài sau 3 lần phẫu thuật. Anh bị vẹo cột sống bẩm sinh, hai chân dị tật không di chuyển được. 

Khi anh chín tháng tuổi, gia đình chạy vạy đưa Thành vào bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị phẫu thuật. Bác sĩ phát hiện Thành bị tim bẩm sinh, vừa phẫu thuật vừa dùng thuốc khi chưa tròn một tuổi. 

Chỉ tay vào bàn chân, Thành nói: "Đây là lỗ để gắn đinh vào, nên nó mới lõm xuống vậy đó. Còn đây là đinh lồi ra nè" - vừa nói, Thành di chuyển nhẹ bàn tay đến mắt cá chân.

"Mấy lần quên để chân va vào cái gì là đau điếng, tê chân ngồi luôn tại chỗ, lát sau mới đứng dậy được. Lẽ ra đã đến lúc phẫu thuật lấy đinh ra rồi, mà không có tiền nên để vậy" – Thành kể.

Chàng sinh viên miệt mài đạp xe đạp tí hon đến giảng đường - Ảnh 2.

Đôi bàn chân Thành hằn những vết sẹo dài sau 3 ba lần phẫu thuật - Ảnh: HỒNG LY

12 năm đèn sách

Dù khó khăn, Thành vẫn nuôi ước mơ vào đại học. Nhớ lại chặng đường 12 năm đến trường, Thành thấy tự hào dù lắm. "Cấp một, tôi được mẹ cõng đi học. Lúc đó đường chưa xây, còn nhiều khe nước. Mẹ phải cõng lội qua khe mới đến trường, rồi lại cõng lên phòng học trên tầng hai" - Thành kể.

"Những lần được bạn bè chở đi học, mùa mưa đường trơn. Hai đứa té xuống đường đất đỏ, bẩn hết quần áo nhưng vẫn đến lớp, rửa sạch quần áo là người ướt sạch, lạnh teo" - vừa kể, Thành lại tủm tỉm cười khi nhớ lại kĩ niệm cũ.

Vào đại học, mọi việc đỡ vất vả hơn vì được bạn bè giúp đỡ. Thành đi học trên chiếc xe đạp  dành cho trẻ em. Tuy hơi chật vật nhưng "có nó mình tự di chuyển được, mẹ không phải cõng" - Thành chia sẻ.

Từ ngày Thành đậu đại học, gia đình theo Thành vào Nam. Bố Thành về Vũng Tàu phụ người quen đi biển nhưng thấy không khả quan nên đã về lại quê. Mẹ Thành xin vào ở kí túc xá để tiện bề chăm sóc. Còn em trai đi làm thuê ở Thủ Đức.

Một năm trước, bố Thành trong lúc nhảy xuống biển để cắm neo thuyền, chân đập vào đá, dập hết mắt cá chân. Mẹ Thành bỏ việc để về quê chăm nom rồi ở nhà luôn vì bố không di chuyển được. 

Thành một mình làm mọi chuyện. Thành nhớ da diết những ngày còn mẹ. Cậu bộc bạch: "Ngày xưa có mẹ ở đây, tôi sướng, ốm được mẹ nấu cháo cho ăn, mua thuốc uống, còn giờ tự mình đi mua thuốc, ăn cháo gói. Nói gì thì nói, còn mẹ vẫn là sướng nhất".

Những lần nghỉ tết, nghỉ hè, dù khó khăn nhưng Thành vẫn về quê. "Xe đạp thì bỏ dưới gầm, máy tính đem đi theo, bác tài cho mình ngồi kế bên để tiện di chuyển nên cũng may mắn", nói xong Thành cười.

Duy chỉ có một điều Thành vẫn ao ước là được đi xe buýt. Thành kể: những lần lớp đi ngoại khoá trên công viên Hoàng Văn Thụ (Q. Phú Nhuận) hay đi sinh hoạt chủ điểm xa phải đi xe buýt, Thành không đi được vì người ta không cho mang xe đạp lên. "Mình hy vọng người ta cho đi vì chiếc xe cũng không lớn, cả lớp đứng xin hai ba chuyến không được nên thôi, đành về vậy!".

Chạm tay đến ước mơ

Ước mơ trở thành kĩ sư máy tính, cái ước mơ ấy thôi thúc Thành "đội nắng dầm mưa" để đi học đều đặn. Suốt 12 năm luôn là học sinh khá giỏi, Thành được tuyển thẳng vào trường Đại học Công nghệ thông tin, khoa Kĩ thuật máy tính. 

Tuy nhiên, vì điều kiện sức khoẻ và đi lại không cho phép, Thành chuyển sang học Hệ thống thông tin theo gợi ý của nhà trường. Quyết tâm không để ước mơ trở thành kĩ sư máy tính bị dang dở, Thành vẫn ngày ngày miệt mài học tập và tìm hiểu thêm về lĩnh vực kĩ thuật máy tính.

"Công ty FPT đã hứa sẽ nhận mình vào làm rồi, mình dự định xin thực tập ở đó luôn. Mình cảm thấy may mắn, vì nhiều bạn trẻ bây giờ ra trường tìm việc rất khó, nhưng mình đã có nơi hứa sẽ nhận làm, nên việc quan trọng bây giờ mình cần làm là học tập và trau dồi kỹ năng thật tốt" - Thành hí hửng chia sẻ.

Thành ở tại KTX Khu A - ĐHQG TP.HCM, cùng những người bạn có hoàn cảnh tương tự. Trong căn phòng rộng chừng 30 m2, Thành ngồi học bài giữa nền, chiếc xe đạp dựng sát ngoài cửa. Mẹ mua cho Thành bộ bàn ghế con để ngồi cho vừa tầm. Có những đêm thức đến 3-4h sáng làm đồ án, Thành lại lóc cóc trên chiếc xe đạp đi mua cà phê để chống lại cơn buồn ngủ.

Chàng sinh viên miệt mài đạp xe đạp tí hon đến giảng đường - Ảnh 3.

Thành và chiếc xe đạp con, "bạn đồng hành" thân thiết - Ảnh: HỒNG LY

Nhờ sự giúp đỡ của An, một người bạn chung phòng, Thành đến lớp đều đặn hơn. Thành ngồi trên xe đạp, bám vào tay An để An kéo đi cho đỡ mệt. Chặng đường đến trường hơn 1 km nhưng dường như quá sức với chàng sinh viên này. Đến trường, Thành dựa vào bức tường thở hổn hển, mồ hôi nhễ nhại.

Thành ngồi trong phòng học, chiếc xe dựng ngoài cửa. Những lúc chuyển phòng học, phải nhờ bạn bè cõng đi và cầm sách vở giúp.

"Nó là người tốt bụng, lại chịu khó, cũng là người có tình nghĩa nên mình cố gắng giúp đỡ một số công việc trong sinh hoạt cá nhân, hay đưa đi học" - Minh An, bạn Thành chia sẻ.

Thầy Phan Thành Chương nói về học trò: "Nhìn thấy Thành, tôi thương, và cũng phải bật ra suy nghĩ rằng em phải có ý chí, nghị lực lắm thì mới vào được giảng đường này. Qua nhiều lần tiếp xúc, tôi được biết về hoàn cảnh khó khăn của em, nhưng Thành đã khắc phục và vượt lên tất cả. Với tôi, em là tấm gương tốt về tinh thần vượt khó học tập." Thầy Chương vẫn thường dành thời gian dạy thêm ngoài giờ để Thành có thể theo kịp được bạn bè.

Với Thành, điều may mắn nhất là gia đình. "Nhiều người sinh ra không lành lặn, ốm yếu, bị bố mẹ bỏ rơi, đưa vào cô nhi viện. Nhưng mình thì khác, được bố mẹ chăm sóc và cho ăn học đến nơi, với mình như vậy là quá may mắn" - Thành nói.

Thành linh hoạt leo lên yên rồi lại ngồi xuống baga thoăn thoắt. Dáng người nhỏ nhắn trên chiếc xe đạp con của Thành trở nên quen thuộc trên những con đường trong kí túc xá. Chiếc xe đạp con đã đồng hành cùng Thành suốt chặng đường dài đi tìm con chữ. Từ con đường làng nhỏ hẹp, đến giảng đường đại học, và xa hơn nữa là tương lai tốt đẹp, vững chắc hơn với Thành ở tương lai.

HỒNG LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên