20/04/2022 18:38 GMT+7

Chỉ số giá nhà ở Việt Nam cao hơn 20 lần so với thu nhập trung bình

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Giá nhà đất tăng liên tục 5 năm qua, chỉ số giá nhà ở của nước ta cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội khiến nhiều người Việt khó sở hữu được nhà ở.

Chỉ số giá nhà ở Việt Nam cao hơn 20 lần so với thu nhập trung bình - Ảnh 1.

Trong 2 năm gần đây, nhà ở giá bình dân chỉ chiếm 1% trong nguồn cung nhà ở mới năm 2020 và biến mất trong năm 2021 (0%), trong lúc nhà ở cao cấp chiếm đến 74% - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nội dung trên được nêu trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), về đề xuất giải pháp cấp bách giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở, kéo giảm giá nhà để bình ổn thị trường bất động sản.

Thiếu nhà ở vừa túi tiền 

Cụ thể, HoREA cho rằng thị trường bất động sản đang rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là loại nhà ở thương mại bình dân (nhà ở giá vừa túi tiền) và nhà ở xã hội.

Tình trạng thị trường vừa bị mất cân bằng cung - cầu, vừa bị mất cân đối "lệch pha" về phân khúc nhà ở cao cấp thể hiện rất rõ trong 2 năm gần đây, khi loại nhà ở giá bình dân chỉ chiếm 1% trong nguồn cung nhà ở mới năm 2020 và biến mất trong năm 2021 (0%), trong lúc nhà ở cao cấp chiếm đến 74%.

Điều này dẫn đến nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai và thị trường bất động sản chưa tương xứng với tiềm năng, thể hiện rất rõ qua nguồn thu tiền sử dụng đất tại TP.HCM trong giai đoạn 2016 - 2021 là 82.932 tỉ đồng, chỉ chiếm 5,9% tổng thu ngân sách, mà về tiềm năng thì nguồn thu này có thể đạt trên dưới 10% mới phù hợp.

Theo HoREA, các "bất cập" này bắt nguồn từ các nguyên nhân do vướng mắc từ quy định pháp luật, hạn chế trong khâu thực thi pháp luật, việc chấp hành pháp luật chưa nghiêm túc, thậm chí có trường hợp vi phạm pháp luật của một số doanh nghiệp và lực lượng "phi chính thức" (đầu nậu, cò đất cò nhà…) trên thị trường.

Giải pháp nào? 

Do đó, ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - cho biết hiệp hội này đã đề xuất hàng loạt giải pháp cấp bách nhằm làm tăng nguồn cung nhà ở thương mại, nhà ở xã hội để kéo giảm giá nhà và bình ổn thị trường bất động sản.

Trong đó, HoREA đề xuất gỡ vướng cho các dự án bất động sản, nhà ở thương mại thuộc diện phải rà soát về pháp lý, thanh tra, kiểm tra, điều tra theo hướng yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước.

Sau đó cho phép chủ đầu tư tiếp tục triển khai thực hiện dự án, hoặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho khách hàng.

HoREA đề xuất giải pháp cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được hoán đổi nhà ở xã hội tương đương quỹ đất 20% của dự án nhà ở thương mại để đảm bảo nguồn cung nhà ở xã hội và phù hợp với tình hình thực tiễn. Bên cạnh đó, HoREA cũng đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị sửa đổi các quy định pháp luật chưa phù hợp để thúc đẩy nguồn cung căn hộ.

Đáng chú ý, HoREA đề xuất giải pháp "lành mạnh hóa" thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo HoREA, hiện có tâm trạng "bất an, lo lắng" trong một số lãnh đạo doanh nghiệp bởi với một "rừng" thủ tục hành chính và nhiều quy định pháp luật "chồng chéo, rối rắm", doanh nghiệp rất "sợ vướng rủi ro pháp lý" trong hoạt động đầu tư kinh doanh.

HoREA đề xuất sửa các quy định pháp luật, bổ sung các quy định chặt chẽ về đánh giá xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Quy định cụ thể việc sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp đúng mục đích…

TP.HCM ‘tuyệt chủng’ căn hộ giá bình dân TP.HCM ‘tuyệt chủng’ căn hộ giá bình dân

TTO - Không có một căn hộ giá bình dân (dưới 25 triệu đồng/m²) nào được cung ứng ra thị trường trong năm 2021 tại TP.HCM, trong khi đa số căn hộ đều có giá trên 40 triệu đồng/m², thậm chí giá căn hộ hạng C cũng đã lên đến 60 triệu đồng/m².

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên