26/07/2006 07:09 GMT+7

Chiến tranh không phải là một đề tài quá cũ

KU SU JEONG thực hiện
KU SU JEONG thực hiện

TT - Tập sách vừa được phát hành. Quan tâm đến cuộc chiến tranh ở VN ngày ấy, cô gái Hàn Quốc đã hỏi chuyện nhà văn cựu chiến binh Văn Lê.

UlGiKfyA.jpgPhóng to
TT - Tập sách vừa được phát hành. Quan tâm đến cuộc chiến tranh ở VN ngày ấy, cô gái Hàn Quốc đã hỏi chuyện nhà văn cựu chiến binh Văn Lê.

* Tại sao ông lại chọn thể loại trường ca để kể một câu chuyện về chiến tranh với tầm vóc của một cuốn tiểu thuyết?

- Xưa nay, trong văn chương, khi viết về một đề tài có tầm vóc, người ta vẫn thường sử dụng thể loại trường ca. Đây vốn là một thể loại thơ dài, có thể giúp người ta thể hiện được cảm xúc một cách sâu lắng.

Ở một khoảng cách thời gian cho phép như hiện nay, tôi có điều kiện nhìn được thấu suốt hơn về cuộc chiến tranh mà cả dân tộc mình đã đi qua; mà để nói ra được những điều bản thân mình “cảm”, mình “nghĩ”.

Ngoài thể loại trường ca, tôi cho rằng khó có thể loại nào chuyển tải được nội dung này. Tôi cũng chỉ là người đi tiếp con đường mà bao người đi trước đã đi qua mà thôi. Về một mặt nào đó, khi chọn thể loại trường ca cho một đề tài về chiến tranh, tôi còn liên tưởng đến khả năng của người lính sử dụng được nhiều loại súng.

Điều này có thể chăng, giúp tôi tìm được một thế mạnh nào đó của mình? Tôi theo trường phái “cảm xúc” nên thể loại trường ca có thể đem đến cho tôi một mảnh đất để dễ bề thâm canh.

Tôi có thể phóng túng trồng đủ mọi loại cây trên mảnh đất mà mình yêu thích, lựa chọn. Tôi muốn mảnh đất của mình có hoa, có lúa và có cả cỏ. Nhiều bạn bè của tôi cũng đã viết về chiến tranh qua thể loại này.

* Chiến tranh đã đi qua rất lâu rồi mà tại sao ông luôn trở lại đề tài về người lính và sự mất mát của họ?

- Ở Việt Nam chiến tranh đã thật sự lụi tàn nhưng bóng dáng của nó vẫn còn hiện hữu ở nhiều nơi trên thế giới. Cường độ của chiến tranh cũng khác hơn trước rất nhiều, nhưng sự tàn bạo, chết chóc thì vẫn không có gì thay đổi.

Hằng ngày, dưới bóng những ngọn cờ, tôn giáo, những người đàn ông đủ mọi quốc tịch, màu da vẫn xông vào giết nhau sau những trận bom rải thảm và những loạt pháo tự hành. Máu người vẫn tiếp tục đổ.

Và, chiến tranh không phải là một đề tài quá cũ. Ở đất nước tôi, di hại của chiến tranh vẫn còn tồn tại không chỉ ở trong ký ức của người lính mà còn tồn tại ở ngay trong từng tế bào con trẻ thuộc thế hệ thứ ba.

Chất độc da cam là một ví dụ. Chưa hết. Số đạn bom chưa nổ vẫn còn hiện hữu trong lòng đất và thi thoảng vẫn còn cướp đi mạng sống của nhiều người. Hằng ngày, trên làn sóng điện vẫn liên tục phát đi bản tin kiếm tìm thân nhân và hài cốt của những người đã ngã xuống.

Những người đàn bà già cả vẫn gìn giữ, nuôi nấng niềm hi vọng mong manh là chồng, con của họ sẽ trở về. Nhiều bà mẹ khi chết mà mắt vẫn mở như thể đang chờ ngóng con mình... và những lễ gọi hồn người chết vẫn còn văng vẳng ở cõi người.

* Như thế, ông vẫn tiếp tục viết về cuộc chiến đã qua?

- Tôi cho rằng đối với nhiều thế hệ người Việt Nam, chưa biết đến bao giờ chiến tranh mới có thể nguôi ngoai được. Viết về chiến tranh, đơn giản là tôi muốn tự giải tỏa những phiền muộn trong lòng mình, muốn được sống lại những giây phút trong sáng, vô tư với bạn bè thời chiến.

Tôi muốn gửi một chút hi vọng vào trong gió và muốn khôi phục đạo đức, thể thống của chính bản thân mình. Tôi thuộc loại người công ít, tội nhiều mà.

tm74YMsg.jpgPhóng to

Tập trường ca mang một tên gọi giản dị: Câu chuyện của người lính binh nhì. Giản dị, chất phác và nồng ấm như chính tâm hồn của người nông dân mặc áo lính.

Không bi tráng, không hào hùng, những câu thơ ở đây cũng nhỏ nhẹ như bùn đất đồng sâu, và dịu dàng da diết như tiếng ru của mẹ. Trong giây phút chia lìa trần thế/ Hình như anh không kịp nói câu gì/ Anh ân hận vì đã không gọi mẹ/ Không giã từ đồng đội lúc ra đi.

Câu chuyện mở đầu bằng cái chết, linh hồn người lính vấn vương cảnh cũ người xưa. Anh nhớ xóm làng chiêm trũng “lụt lội chưa qua lũ lại ngó sau hè”, nhớ mẹ “bóng liêu xiêu, sấp ngửa trên đồng”, nhớ người yêu chân trần tóc búi.

Và anh hát ru cô gái của riêng mình: Anh giờ đang ở cội nguồn/ Phần xác gởi đất phần hồn gởi em/Ngủ ngoan cho lắng ưu phiền/ cho mưa mau tạnh cho đêm mau tàn.

Kẻ ở người đi, kẻ sống người không còn được sống đã níu kéo nhau qua những câu thơ mộc mạc và u buồn như thế, để lại kết thúc bằng hình bóng người mẹ: Ở phía bên kia bầu trời/ Mẹ anh héo cả cuộc đời ngóng anh.

KU SU JEONG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên