Chim sẻ ngày mưa...

TTCT - Tây nguyên những ngày đầu tháng bảy mưa nhiều. Bầu trời xám đen cả ngày, từng trận mưa nhỏ nối nhau qua, có khi rả rích lê thê suốt buổi. Mưa tháng bảy không ầm ào dữ dội, chỉ bay bay từng giọt nhỏ. Đường làng thưa vắng.

Thi thoảng có bóng người lom khom bước vội trong màu trăng trắng lờ nhờ của mưa. Không gian mưa phùn yên ắng gợi thèm tiếng cười thơ trẻ ngày nào cũng vào những ngày mưa tháng bảy.

Phóng to
Minh họa: Vũ Đình giang

Tháng bảy, quê tôi bước vào thu hoạch lúa vụ hai. Ngày còn nhỏ bọn trẻ chúng tôi ở nhà phụ hong những bao lúa ướt đẫm nước. Ngày ấy ở quê mỗi đội sản xuất có một ngôi nhà chung gọi là nhà hội. Đây cũng là nơi trẻ con tập trung vui chơi. Mùa lúa về nên chim sẻ nhiều, chúng tôi thường chơi trò bẫy chim sẻ. Những chú sẻ xù lông để chống cái lạnh ngày mưa trông to lớn hơn.

Chúng tôi tìm cái nong phơi lúa cũ chống chiếc que có buộc dây rồi rình chờ sẻ vào là giật dây bắt chim, chọn con đẹp cho vào lồng nuôi. Đứa nào cũng có lồng chim nên nhà hội vang tiếng cười thơ trẻ hòa tiếng chim gọi bầy thật vui. Ngoài cái thú bẫy chim sẻ còn niềm vui ngồi nhìn chim sẻ bay ra bay vào nơi mái hiên, góc nhà, khi thì tha cỏ làm tổ, lúc mớm mồi cho chim con. Bấy nhiêu thôi cũng đủ đọng lại thành kỷ niệm đẹp của tuổi thơ đồng quê.

Từ ngày các quán nhậu mọc lên và trên bàn nhậu xuất hiện các món chim sẻ thì việc bẫy chim chuyển về người lớn. Ban đầu người ta dùng lưới để bắt được nhiều. Sau họ dùng bất kỳ cách nào để làm chim sẻ chết và nhặt về bán cho các quán nhậu. Còn nhớ lần đầu nhìn thấy người lớn vác cây súng hơi đi bắn chim, mỗi tiếng “phụt” của cây súng phát ra làm chúng tôi giật mình, nhìn cánh chim chao đảo rơi xuống trong mưa. Càng ngày người ta bẫy nhiều hơn và tàn nhẫn hơn nên làng quê mất cánh chim sẻ vào mùa gặt lúa. Mà bọn trẻ giờ cũng không có thời gian chơi đùa do mùa hè đã lấp kín bởi hai chữ “học hè”.

Mưa tháng bảy năm nay làng quê tôi lại vào mùa gặt, hong lúa nhưng không còn cánh chim sẻ chao nghiêng trong làn mưa mỏng. Chim sẻ đã không còn và ngày hè của tuổi thơ cũng mất đâu rồi...

Tiếng máy may

Phòng trọ tôi thuê ở phía trên được lót ván ép ngăn cách ở phía dưới là phòng trọ của vợ chồng chị mới dọn đến vài tháng. Mỗi phòng chỉ vỏn vẹn chưa đến 16 mét vuông. Nhiều hôm trời nóng ran khiến tôi cảm thấy rất mệt mỏi, huống hồ phòng chị có tới ba người sinh sống (hai vợ chồng chị và con gái học lớp 3).

Là những người cùng ở thuê nên chúng tôi dễ dàng đồng cảm với nhau. Lân la hỏi chuyện mới biết chồng chị trước đây lái xe tải cho một công ty tư nhân, nhưng từ ngày công ty gặp khó khăn anh thất nghiệp và đang chạy tìm việc. Chị ở nhà nhận hàng gia công về may trang trải cuộc sống, lo cho con đang tuổi ăn học và mang căn bệnh hiểm nghèo trong người (hội chứng teo thận).

Những đêm khuya, đến hơn 11 giờ tôi vẫn nghe thấy tiếng máy may chạy đều. Sáng sớm mở mắt ra đã nghe thấy tiếng máy, đến độ có cảm giác chị không hề ngủ. Nhiều lúc tôi thầm nghĩ không biết chị lấy đâu ra sức khỏe nhiều thế, làm việc quần quật suốt cả ngày đêm. Cứ thế, hết ngày này qua ngày nọ, tôi đã quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ nhỏ thó, gầy còm ngồi trước nhà may đống hàng gia công cao ngất từ sáng sớm đến tối mịt. Tiếng máy may chạy đều của chị đã đi vào cuộc sống của tôi từ lúc nào...

Nhưng cả tuần qua tôi không còn nghe thấy tiếng máy. Mỗi chiều tối đi làm về cũng không còn thấy hình dáng gầy còm, quen thuộc của chị ngồi may đống hàng gia công cao ngất... Hỏi thăm mới biết nơi chị lấy hàng gia công đang gặp khó khăn, chị không thể nhận hàng về nhà làm nữa. Chị đang tạm giúp việc cho một nhà hàng để đắp đổi cuộc sống qua ngày.

Chị nói chỉ mong sao thời buổi khó khăn qua mau để tiếp tục may hàng gia công. Vô tình tôi thấy mình cũng cầu mong với chị. Bởi giờ tôi mới hiểu tiếng máy may chạy đều mà tôi từng lơ đãng nghe thấy hằng đêm, hằng ngày lại là những chỉ dấu tuy nhọc nhằn nhưng le lói hi vọng của một cuộc mưu sinh.

TTCT cảm ơn các bạn: Ngân An, Như Tình, Nguyễn Thị Thư, Đặng Trung Thành, Nguyễn Hương Thi, Song Nguyễn... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận