14/07/2011 10:20 GMT+7

Chính phủ bất đồng, Mỹ đối mặt nguy cơ vỡ nợ

H.MINH
H.MINH

TTO - Ngày thảo luận thứ tư liên tiếp nhằm tránh khả năng chính phủ rơi vào tình trạng vỡ nợ đã kết thúc trong căng thẳng tại Washington ngày 13-7.

Tổng thống Barack Obama đã cắt ngang cuộc đối thoại, nói với lãnh đạo phe đa số trong Hạ viện Eric Cantor: “tôi sẽ gặp ông ngày mai” và bỏ ra khỏi phòng họp.

FLoGtpP5.jpgPhóng to
Lãnh đạo phe đa số ở Hạ viện, nghị sĩ Cộng hòa Eric Cantor giơ một tờ giấy có in hai dòng chữ “... không tăng thuế trong suy thoái” (dẫn lời ông Obama) và “Tỉ lệ thất nghiệp hiện giờ: 9,2%” trong cuộc trao đổi với Tổng thống Barack Obama ngày 11-7 - Ảnh: Getty Images

Bất đồng sâu sắc

Hai giờ trao đổi đã không đạt được đột phá nào. Ngày thảo luận thứ năm sẽ diễn ra trong hôm nay, theo BBC. Các quan chức chính phủ cảnh báo nếu quốc hội không sớm thông qua khoản nợ quốc gia 14,3 nghìn tỉ USD trước ngày 2-8, nước Mỹ có thể lâm vào tình trạng phá sản.

Nếu Washington không trả nợ kịp, các khoản nợ quá hạn sẽ được tính lãi suất rất cao và giá trị đồng USD sẽ suy giảm, chưa kể các tác động khác. Tình hình thêm nghiêm trọng khi hãng xếp hạng tín dụng Moody’s Investor Services nói họ có thể phải xem xét lại mức độ tin cậy tín dụng của các tài sản tài chính chính phủ Mỹ.

Cantor, nghị sĩ Cộng hòa của bang Virginia, nói với các phóng viên sau buổi gặp ngày 13-7 rằng ông đã đề xuất một thỏa thuận ngắn hạn nâng mức trần nợ của chính phủ liên bang, nhưng ông Obama từ chối.

“Đó là lúc ông ấy nổi nóng và nói rằng ông ấy đã ngồi ở đây đủ lâu”, Cantor nói. Ông Obama đã kêu gọi phe Cộng hòa nhượng bộ hoặc là trong yêu cầu của họ về việc nâng trần nợ phải tương ứng từng USD với việc cắt giảm chi tiêu, hoặc trong việc họ phản đối gia tăng bất cứ loại thuế nào.

Hai phe Dân chủ và Cộng hòa hiện đang bất đồng sâu sắc về việc giải quyết các khoản nợ quốc gia. Ông Obama muốn một chương trình cả gói giúp tiết kiệm 4 nghìn tỉ USD trong thập kỷ tới bao gồm cắt giảm chi tiêu, tăng thuế đánh vào những người Mỹ giàu nhất và cải cách các chương trình phúc lợi tốn kém như Medicare và Medicaid. Trong khi đó các lãnh đạo Cộng hòa phản đối tăng bất kỳ loại thuế nào, lập luận rằng nó sẽ tạo ra gánh nặng cho “những người tạo ra việc làm” khi nền kinh tế còn đang loạng choạng.

Một tai họa cho kinh tế toàn cầu

Ngày 13-7, Obama nói ông không thể đảm bảo những người cao tuổi ở Mỹ sẽ nhận được tiền an sinh xã hội trong tháng tới nếu hai phía không đạt được một thỏa thuận. “Chỉ là không còn tiền để trả nữa”, ông nói với đài truyền hình CBS.

Cũng trong ngày 14-7, trong một cuộc điều trần trước quốc hội, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Ben Bernanke cảnh báo việc không tăng trần nợ kịp thời sẽ gây ra “một cuộc khủng hoảng lớn” và có khả năng “là một tai họa” cho kinh tế toàn cầu.

Phe Cộng hòa cáo buộc Nhà Trắng đã dùng biện pháp dọa nạt và không thương lượng với thành ý. “Những người Cộng hòa từ chối tham gia vào cái bẫy làm luật này”, lãnh đạo phe thiểu số ở Thượng viện, Mitch McConnell, nghị sĩ Cộng hòa của bang Kentucky, nói với CNN. Ông cũng cho rằng Nhà Trắng “không nghiêm túc trong việc cắt giảm chi tiêu hay nợ”.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jay Carney bác bỏ cáo buộc của McConnell và khẳng định tổng thống sẵn sàng cắt giảm mạnh chi tiêu công. Hiện phe Cộng hòa chỉ đưa ra một đề nghị nâng trần trong ngắn hạn với mức tổng cộng là 2,5 nghìn tỉ USD, có kèm theo các điều kiện, và ông Obama đã từ chối. Hiện giờ, CNN cho biết vẫn chưa rõ khi nào hai bên có thể đạt được một thỏa thuận.

Mỹ: Thâm hụt ngân sách có thể vượt 1 nghìn tỷ USD

Theo Bộ Tài chính Mỹ, trong 9 tháng đầu năm của năm ngân sách 2011, tổng thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ đã lên tới 971 tỷ USD. Trong khi đó, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) cho biết với ba tháng còn lại thì thâm hụt của cả năm hoàn toàn có thể tương ứng với mức 1,29 nghìn tỷ USD của năm 2010. Năm ngân sách hiện nay sẽ kết thúc vào ngày 30-9-2011.

Trong diễn biễn liên quan đến tình hình kinh tế Mỹ, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke nói rằng FED đang chuẩn bị thực hiện các chương trình kích thích bổ sung nếu như tình trạng phục hồi chậm chạp của nền kinh tế Mỹ vẫn tiếp diễn.

H.MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên