13/08/2019 19:57 GMT+7

Chính phủ chưa cân đối được tiền mua lại trạm BOT

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Để xử lý triệt để, dứt điểm các bất cập của trạm thu phí BOT, Nhà nước cần bố trí vốn để mua lại các dự án, nhưng trong giai đoạn hiện nay rất khó cân đối đủ vốn để thực hiện.

Chính phủ chưa cân đối được tiền mua lại trạm BOT - Ảnh 1.

Nhiều trạm BOT không thể tăng phí đúng lộ trình theo cam kết hợp đồng đã ký - Ảnh: TT

Đánh giá trên được Chính phủ đưa ra trong báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018 mới đây.

Hiện nay, Thủ tướng đang giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tiếp tục rà soát báo cáo Chính phủ xem xét giải quyết từng trạm BOT, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.

Báo cáo của Chính phủ chỉ ra hàng loạt tồn tại cần giải quyết tại các công trình giao thông đầu tư theo hình thức BOT đã và đang triển khai.

Một số nhà đầu tư BOT không đồng ý giảm trừ lãi vay trong thời gian xây dựng chưa tính trong tổng mức đầu tư dự án BOT và mức chi phí bảo toàn vốn trên phần vốn chủ sở hữu, nên đến nay chưa thể đàm phán điều chỉnh hợp đồng một số dự án BOT.

Nếu Nhà nước đơn phương điều chỉnh hợp đồng BOT thì có thể sẽ dẫn đến các tranh chấp pháp lý, sẽ tác động tiêu cực đến việc thu hút các nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án PPP trong thời gian tới. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ làm việc với Kiểm toán Nhà nước để tháo gỡ vướng mắc.

Chính phủ chưa cân đối được tiền mua lại trạm BOT - Ảnh 2.

Theo Bộ GTVT, nếu không tăng phí đúng lộ trình, nhiều doanh nghiệp BOT có nguy cơ phá sản - Ảnh: TT

Theo Bộ GTVT, đến nay một số dự án BOT sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu do lưu lượng xe qua trạm thấp hơn so với dự báo, do xuất hiện các tuyến đường song hành, đường ngang qua khu vực trạm thu phí dẫn đến xe tránh trạm.

Bên cạnh đó, việc giảm phí, chưa tăng phí BOT theo đúng lộ trình cam kết trong hợp đồng BOT theo nghị quyết 35 của Chính phủ cùng sự thay đổi về số lượng trạm thu phí và giảm hỗ trợ từ ngân sách nhà nước so với phương án ban đầu đang làm khó các nhà đầu tư BOT và ngân hàng tài trợ dự án.

Chính phủ nhấn mạnh để xử lý triệt để, dứt điểm các bất cập của các trạm thu phí, Nhà nước cần bố trí nguồn vốn để mua lại các dự án. Nhưng hiện nay rất khó khăn để cân đối đủ nguồn vốn mua lại các trạm BOT.

Hơn nữa, toàn bộ các dự án BOT do Bộ GTVT quản lý đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhà đầu tư phối hợp với địa phương rà soát đề xuất phương án miễn, giảm phí BOT, trong đó đã thực hiện giảm phí BOT của 39 dự án.

Dừng triển khai 14 dự án BOT trên các đường cũ

Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết đến nay, Bộ GTVT đã dừng triển khai 14 dự án BOT trên các đường cũ. Đồng thời, bộ cũng điều chỉnh, xử lý bổ sung một số hạng mục địa phương kiến nghị đối với các dự án BOT do UBND các tỉnh, thành phố đang triển khai.

Tuy nhiên, các địa phương có tuyến đi qua liên tục kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí vốn từ ngân sách để đầu tư các dự án theo hình thức đầu tư công do các tuyến này đã xuống cấp, ảnh hưởng việc lưu thông của người dân.

Kêu lỗ, nhà đầu tư đòi trả trạm BOT Kêu lỗ, nhà đầu tư đòi trả trạm BOT

TTO - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang cho biết hợp đồng BOT doanh nghiệp ký với Chính phủ là hợp đồng mở, tức chủ đầu tư được định mức lãi 12%/năm dựa trên tổng vốn chủ sở hữu bỏ ra, chứ không phải "lời ăn lỗ chịu".

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên