25/07/2023 15:42 GMT+7

Chính phủ yêu cầu nghiên cứu kỹ đề xuất nước giải khát có đường vào diện chịu thuế

Bộ Tài chính được giao nghiên cứu thêm cơ sở khoa học, thực tiễn của đề xuất bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế để tăng tính thuyết phục.

Đề xuất bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt được đánh giá là chưa phù hợp và tác động tiêu cực đến nền kinh tế - Ảnh: Q.ĐỊNH

Đề xuất bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt được đánh giá là chưa phù hợp và tác động tiêu cực đến nền kinh tế - Ảnh: Q.ĐỊNH

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về các dự án luật, đề nghị xây dựng luật. Cuộc họp được diễn ra trước đó ngày 19 và 21-7, do Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì. 

Về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Thường trực Chính phủ đồng ý trước mắt chưa đưa kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng (game online) vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. 

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt một số mặt hàng cần nghiên cứu kỹ

Các bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành cần phối hợp chặt chẽ, sử dụng hiệu quả các công cụ pháp lý, như cấp phép, sử dụng mã định danh cá nhân người dùng… nhằm khắc phục, kiểm soát mặt hạn chế của game online.

Với đề xuất thu thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá mới và thiết bị điện tử của sản phẩm thuốc lá mới, cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nhằm đảm bảo thống nhất với luật chuyên ngành, cam kết quốc tế của Việt Nam.

Đồng thời, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu, bổ sung thêm cơ sở khoa học, thực tiễn của đề xuất bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế để tăng tính thuyết phục.

Thường trực Chính phủ lưu ý chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt cần thể chế hóa quan điểm về điều tiết tiêu dùng phù hợp với dịch chuyển xu hướng tiêu dùng trong xã hội, bảo vệ sức khỏe người dân, môi trường. 

Liên quan tới thuế giá trị gia tăng (VAT), Bộ Tài chính được giao rà soát quy định về đối tượng không chịu thuế để thu hẹp phạm vi áp dụng, đảm bảo tính liên hoàn của sắc thuế này, tránh tạo ra kẽ hở để người nộp thuế lợi dụng gian lận, trốn thuế. 

Việc sửa đổi quy định về giá tính thuế, khấu trừ thuế, hoàn thuế VAT, cần nghiên cứu hoàn thiện theo hướng đơn giản hóa, khả thi, quản lý hiệu quả hoạt động. Mục tiêu là bảo đảm thống nhất về nguyên tắc xử lý hoàn thuế, khấu trừ thuế, đồng bộ với các luật liên quan. 

Về thuế suất, Thường trực Chính phủ nhất trí giữ mức như hiện nay, là 10% với các hàng hóa, dịch vụ. Với nhóm hàng hóa, dịch vụ áp mức thuế suất 5% sẽ được thu hẹp, nhằm đảm bảo bình đẳng giữa các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoàn thiện quy định liên quan. 

Ngân sách hỗ trợ để thêm chính sách, thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội

Đối với Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đây là dự án luật có nhiều nội dung phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến hệ thống an sinh xã hội và người lao động.

Do vậy, Thường trực Chính phủ yêu cầu thực hiện phân cấp, phân quyền cần đi liền với hoạt động kiểm tra, giám sát; đa dạng hóa nguồn lực để huy động tổ chức thực hiện luật, hợp tác công - tư…

Về rút bảo hiểm xã hội một lần được đánh giá là vấn đề “khá phức tạp, có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế, xã hội”. Do đó, Thường trực Chính phủ cho rằng có thể đưa ra nhiều phương án để xin ý kiến, song cần thể hiện quan điểm, căn cứ để lựa chọn. 

Nghiên cứu bổ sung các biện pháp thiết thực hỗ trợ người lao động, khuyến khích người lao động tự nguyện hạn chế rút hoặc bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lợi hưu trí. 

Về giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng hưu từ 20 năm xuống 15 năm và mức đóng bảo hiểm xã hội, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội “cần tính toán, đánh giá một cách khoa học để bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động, doanh nghiệp và xã hội”. Đồng thời, cần hoàn thiện quy định liên quan đến việc xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. 

Đồng thời, Thường trực Chính phủ thống nhất đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc cần có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để bổ sung thêm chính sách, gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội. 

Cần nghiên cứu toàn diện hơn trước khi đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đườngCần nghiên cứu toàn diện hơn trước khi đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

Mới đây, Bộ Tài chính đưa ra phương án đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, với mục đích kiểm soát gia tăng tỉ lệ thừa cân béo phì, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, dự thảo này hiện còn nhiều tranh luận từ phía các nhà sản xuất.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên