27/02/2014 11:18 GMT+7

Chờ bộ trưởng trả lời

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Chị Quyên ký hợp đồng mua căn hộ hơn 200m2 tại chung cư Keangnam (Từ Liêm, Hà Nội), đến khi nhận nhà chỉ có hơn 170m2 diện tích thực tế, còn lại hơn 30m2 là phần cột chịu lực và hộp kỹ thuật của tòa nhà.

Người mua chung cư lãnh đủ vì thông tư 16Gói 30.000 tỉ - chuyện thật như đùaKiến nghị giảm lãi suất gói 30.000 tỉ còn 3%/năm

Giá mỗi mét vuông tại chung cư này gần 3.000 USD, tức là chị Quyên và những người cùng cảnh ngộ phải bỏ ra khoảng 1,5 tỉ đồng để mua cả phần diện tích mà mình không thể sử dụng. Tuy đây là một loại hợp đồng dân sự, nhưng theo các đại biểu Quốc hội thì nguồn gốc gây ra rắc rối là thông tư 16 được Bộ Xây dựng ban hành từ năm 2010.

“Bộ trưởng dặn tôi đến đây thái độ phải mềm mỏng, nhã nhặn và trước khi đến tôi còn phải suy nghĩ là hôm nay nên chọn bộ complet nào...”. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam phân trần như vậy khi bị các đại biểu truy vấn về nội dung thông tư 16 tại phiên điều trần ở Ủy ban Pháp luật ngày 25-2. Ông Nam một mực khẳng định thông tư này không sai bởi mặc dù hướng dẫn hai cách tính diện tích sàn căn hộ chung cư (cách tính từ tim tường và cách tính thông thủy - diện tích sử dụng thực tế) nhưng Nhà nước không áp đặt giá bán nhà ở thương mại mà là do thỏa thuận của hai bên. Khi Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Nguyễn Sỹ Cương chìa ra các bản hợp đồng không thể hiện cách tính diện tích - một ví dụ cho thấy chủ đầu tư lợi dụng vào hướng dẫn của thông tư 16 - để nhập nhèm, thì ông Nam cho rằng những hợp đồng không rõ ràng là hợp đồng vô hiệu và khuyên người dân nên kiện ra tòa để buộc chủ đầu tư phải bồi hoàn.

Kiện ra tòa, đấy là cách mà một số người mua chung cư ở Keangnam và nhiều chung cư khác đang lựa chọn. Nhưng khi cầm tờ giấy đi khởi kiện thì người dân đã ở vào hoàn cảnh cầm dao đằng lưỡi. Phía cầm cán dao là chủ đầu tư bởi tiền bán nhà họ đã đút túi. Mà đâu chỉ thiệt khi bỏ tiền ra mua nhà, người sở hữu căn hộ chung cư còn có nguy cơ bị thiệt suốt đời khi phải trả tiền thuế, phí dịch vụ cho cả những phần diện tích mình có “quyền sở hữu” nhưng lại không có “quyền sử dụng”. Một thực tế hoàn toàn trái ngược với các quy định trong Bộ luật dân sự. “Các anh tính là sở hữu riêng thì cột chịu lực, hộp kỹ thuật tôi có quyền khoét, đục thoải mái, khi đó tính thế nào?” - ông Ngô Văn Minh hỏi nhưng không thấy Thứ trưởng Nam trả lời. Là người xuất thân từ doanh nghiệp, chắc ông Nam hiểu rõ lợi thế của chủ đầu tư khi ký kết hợp đồng với khách hàng.

“Tại sao Bộ Xây dựng không hướng dẫn một cách tính diện tích sàn nhà chung cư mà lại hướng dẫn hai cách tính? Tại sao thứ trưởng nói thông tư 16 không sai mà Bộ Xây dựng lại phải ban hành thông tư số 03 ngày 20-2-2014 để sửa đổi thông tư 16, quy định một cách tính thông thủy? Tại sao Luật nhà ở và nghị định 71 không giao cho Bộ Xây dựng hướng dẫn mà bộ lại tự ban hành các cách tính này?...” - ông Minh đặt ra hàng loạt câu hỏi. Thứ trưởng Nam vòng vo cho đến trước khi Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý kết luận: “Bộ Xây dựng ban hành thông tư 16 là không đúng thẩm quyền”.

Hàng vạn người đã mua nhà chung cư và lâm vào hoàn cảnh như chị Quyên. Họ có thể kiện các chủ đầu tư để đòi quyền lợi theo gợi ý của Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam. Còn trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc ban hành thông tư không đúng thẩm quyền thì sao? Có chuyện nhóm lợi ích trong việc “sáng tạo” ra thêm cách tính hay không? Những câu hỏi này xin gửi tới Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên