25/09/2021 12:09 GMT+7

Cho vay mới bị tắc vì không thể đăng ký giao dịch đảm bảo

A.HỒNG
A.HỒNG

TTO - Doanh nghiệp thế chấp tài sản tại ngân hàng để vay vốn. Hợp đồng đã được công chứng, nhưng vướng thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm tại văn phòng đăng ký đất đai cấp quận nên ngân hàng không thể giải ngân.

Không vay được vốn

Cho vay mới bị tắc vì không thể đăng ký giao dịch đảm bảo - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng không thể hoàn tất các thủ tục pháp lý để được ngân hàng giải ngân - Ảnh minh họa: T.L

Anh T.Việt (Q.4, TP.HCM) cho biết anh có xưởng sản xuất gỗ ở TP Thủ Đức, vừa qua có nhu cầu vay vốn ngân hàng nên anh thế chấp mảnh đất tại Q.12 để vay. Hợp đồng đã công chứng xong từ đầu tháng 9.

Mới đây có công văn về thay đổi phương thức làm việc của cơ quan, đơn vị nhà nước để phù hợp với công tác phòng, chống dịch COVID-19 được TP.HCM ban hành ngày 16-9, trong đó nêu cơ quan đơn vị nhà nước được tiếp nhận hồ sơ bằng hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và các thủ tục hành chính đặc biệt, cấp bách phục vụ công tác phòng chống dịch, nhưng công văn không nêu danh mục dịch vụ. 

"Tôi nghĩ rằng TP.HCM vẫn áp dụng danh mục thủ tục hành chính đặc biệt, cấp bách ban hành ngày 3-6, nên tôi đã liên hệ UBND Q.12. Nơi này cho biết không nhận hồ sơ trực tiếp, chỉ nhận qua đường bưu điện. Nhưng khi tôi liên hệ bưu điện thì được trả lời là bưu điện không nhận hồ sơ với lý do không có nhân viên đi phát, phải xin giấy phép đi đường. 

Hiện nay do dịch kéo dài, chúng tôi không có đầu ra, trong khi theo hợp đồng hàng nhập vẫn về. Chúng tôi cần thế chấp để vay vốn nhằm có tiền thanh toán tiền hàng. Tuy nhiên do không đăng ký giao dịch đảm bảo được, mọi giao dịch khác của doanh nghiệp bị ách tắc tại đây", anh T.Việt nói. 

Cho vay thế chấp bằng bất động sản... đứng bánh

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, TP.HCM đang thực hiện giãn cách gắt gao để phòng chống dịch COVID-19, khiến việc vay vốn của khách hàng bị ảnh hưởng, nhất là những khoản vay thế chấp bằng bất động sản.

Giám đốc khối khách hàng cá nhân một ngân hàng lớn tại TP.HCM cho biết, việc cho vay thế chấp nhà đất có sổ mấy tháng qua không thể triển khai được. 

Ngân hàng muốn cho vay thì phải thẩm định, nhưng từ mấy tháng trước, khi việc đi lại còn dễ dàng, việc thẩm định cũng rất khó khăn do nhiều nhà đất nằm trong khu phong tỏa, nhân viên ngân hàng không thể thẩm định được. Việc xin thông tin quy hoạch cũng như xem xét pháp lý cũng khó khăn hơn vì nhiều nơi chỉ nhận hồ sơ qua đường bưu điện.

"Trường hợp khách hàng có mua nhà cũng không đăng ký giao dịch đảm bảo được, vì theo quy định mới, các phòng công chứng cũng phải tạm đóng cửa để phòng chống dịch.

Chưa kể những hồ sơ mà nhân viên tín dụng kịp hoàn thành trước dịch có khách hàng chần chừ không muốn nhận nợ, vì thời điểm dự định vay công việc còn đang thuận lợi, kiếm tiền dễ dàng, nhưng với tình hình dịch bệnh như hiện nay công việc đình trệ, nhận nợ lúc này lo không trả nổi nếu dịch còn kéo dài", vị giám đốc khối khách hàng cá nhân này nói.

Tín dụng tăng chậm, ngân hàng giảm lãi suất huy động

Giám đốc vùng một ngân hàng cổ phần lớn tại TP.HCM cũng thừa nhận có những rào cản pháp lý như vậy nên dù mới đây hàng loạt ngân hàng được cấp thêm "room" (hạn mức) tín dụng, cho vay bất động sản hiện nay vẫn "đứng chựng". Các ngân hàng cũng tập trung vào việc thu nợ, cơ cấu lại nợ thay vì cho vay mới. Hiện nay những khoản giải ngân chủ yếu rơi vào những doanh nghiệp đã được ngân hàng cấp sẵn hạn mức. 

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, do tín dụng tăng chậm, gần đây hàng loạt ngân hàng đã giảm lãi suất huy động. Chẳng hạn Ngân hàng Agribank và BIDV giảm 0,1% lãi suất huy động tại các kỳ hạn dài từ 12-36 tháng, từ 5,6%/năm xuống còn 5,5%/năm. 

Sacombank giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 36 tháng từ 6,1%/năm xuống còn 5,8%/năm. Tiền gửi kỳ hạn 9 tháng giảm 0,4%/năm, còn kỳ hạn 3 tháng giảm 0,2%/năm, kỳ hạn 1 tháng giảm 0,3%/năm. Ngân hàng ACB giảm lãi suất tiền gửi tại quầy tại hầu hết kỳ hạn với mức giảm 0,1%/năm so với tháng 8. TPBank, Techcombank, MBBank, Eximbank cũng giảm lãi suất tiền gửi hàng loạt kỳ hạn.

Theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh giãn cách kéo dài tại TP.HCM khiến đầu ra dòng vốn khó khăn, khả năng trong thời gian tới lãi suất huy động sẽ còn giảm thêm. 

SSI dự báo khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Các biện pháp hỗ trợ có thể bao gồm: giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động 6 tháng; tiếp tục lùi thời gian có hiệu lực của thông tư quy định tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Giảm lãi suất kiểu Giảm lãi suất kiểu 'tượng trưng', đến hẹn lại… tăng lãi vay

TTO - Sau khi phản ánh việc nhiều ngân hàng chỉ giảm lãi suất cho vay theo kiểu "tượng trưng" từ 0,1 - 0,5%/năm, Tuổi Trẻ nhận thêm nhiều phản ảnh của khách vay mua nhà bức xúc cho rằng không những không được hỗ trợ mà còn bị ngân hàng tăng lãi vay.

A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên