13/10/2022 16:02 GMT+7

Chủ tịch nước: 'Tôi đã hội ý với lãnh đạo cấp cao thống nhất tinh thần cho TP.HCM cơ chế thuận lợi'

THẢO LÊ
THẢO LÊ

TTO - Chiều 13-10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM làm việc với UBND TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội và kết quả thực hiện nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Chủ tịch nước: Tôi đã hội ý với lãnh đạo cấp cao thống nhất tinh thần cho TP.HCM cơ chế thuận lợi - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: HỮU HẠNH

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết vừa qua đoàn công tác của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và làm việc với Thành ủy TP.HCM. Sau chuyến đi này, đoàn cũng đã có văn bản gửi các cấp, ngành nghiên cứu những kiến nghị mà TP.HCM đề ra để xử lý.

Theo Chủ tịch nước, trước khi vào TP.HCM, ông đã có cuộc hội ý với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, thống nhất tinh thần cho TP.HCM cơ chế thuận lợi để phát triển năng động hơn.

"Trong đó TP.HCM được làm thí điểm trước một số chính sách ở một số lĩnh vực. Có thể thông qua nghị quyết 16 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP đến năm 2020 và nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM", ông Nguyễn Xuân Phúc nói và cho rằng trước hết TP.HCM nên chủ động đề xuất một số cơ chế sáng tạo, dám nghĩ dám làm.

Ông nhìn nhận cơ chế phát triển cho một siêu đô thị như TP.HCM đang quá chật hẹp. Trung ương đã thấy được vấn đề này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã giao các cơ quan nghiên cứu các chức năng của TP.HCM.

Theo Chủ tịch nước, cần tạo cơ chế để TP.HCM "tỏa sáng" dựa trên sức mạnh khoa học công nghệ và tri thức trẻ. Khoa học công nghệ phải là vấn đề then chốt, là động lực tăng trưởng, giúp TP tăng quy mô nền kinh tế.

"Các chính sách, thể chế trước đây chưa phù hợp với việc áp dụng khoa học công nghệ của TP.HCM", ông nhìn nhận.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng cho rằng TP.HCM đã đạt nhiều kết quả trong kiểm soát dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, TP.HCM không nên quá say sưa vào những thành công ban đầu, mà phải thấy những khó khăn lớn đang gặp phải.

Đó là sau dịch, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, công tác quy hoạch, dự án treo còn nhiều, tín dụng đen… gây ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân.

"Hôm qua, tôi cùng các đại biểu Quốc hội có các buổi tiếp xúc cử tri, nghe phản ánh nhiều vấn đề. Phải xem xét những ý kiến này, chứ không chỉ nhìn những thành quả", ông nói.

Chủ tịch nước cho rằng trước mắt TP phải đặt ra giải pháp để sạch hơn, đẹp hơn, an toàn hơn. Đồng thời, TP.HCM phải mạnh dạn đề xuất các giải pháp để tháo gỡ, các chính sách phát triển dài hơi cho TP.HCM.

Buổi làm việc này, Chủ tịch nước đã mời các thành viên Trung ương, Chính phủ - những người có trách nhiệm với TP - để cùng lắng nghe các đề xuất của TP. Ông cũng đề nghị các thành viên Trung ương, Chính phủ, các đại biểu Quốc hội có mặt đóng góp ý kiến cho TP.

Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết kết quả điều hành, phát triển kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2022 đi đúng hướng, theo kế hoạch đề ra.

Tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm ước đạt 9,9% so với cùng kỳ. Trong đó GRDP quý 3 ước tăng 30%. Bên cạnh đó, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 350.000 tỉ, đạt 90% dự toán năm và tăng 27% so với cùng kỳ.

Về kết quả thực hiện nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP, ông Mãi cho biết vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội cho phép TP tiếp tục thực hiện nghị quyết 54 đến hết 31-12-2023. Tuy nhiên, ông Mãi cho biết TP sẽ cố gắng trình sớm những cơ chế mới, có thể giữa năm 2023 để có thể thực hiện sớm.

5 đề xuất của UBND TP.HCM

Theo đó, ông Mãi đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP, đặc biệt là Chủ tịch nước quan tâm, ủng hộ, giúp sức cho để Bộ Chính trị xem xét, ban hành nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bên cạnh đó, trước mắt cho phép TP tiếp tục thực hiện nghị quyết số 54 đến hết năm 2023. Đồng thời Quốc hội bổ sung cho thực hiện thí điểm đồng bộ thêm một số nhóm nội dung có liên quan đến quản lý đầu tư, tài chính, ngân sách, quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, quản lý văn hóa xã hội và trật tự xã hội, tổ chức bộ máy, cơ chế xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế, chính sách và cơ chế phát triển TP Thủ Đức.

Về lâu dài, ông Mãi đề xuất Quốc hội giao Chính phủ xây dựng nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để đáp ứng yêu cầu phát triển của TP.

Quan tâm, ủng hộ để Bộ Chính trị sớm có chủ trương, định hướng cho Ban cán sự đảng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh thành, trong đó có TP.HCM.

Quan tâm, đóng góp tích cực và hiện thực hóa quan điểm mục tiêu nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, TP.HCM là thành phố hiện đại, thông minh, năng động, sáng tạo, là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là tri thức trẻ đến sinh sống và làm việc; trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng; nơi tập trung của các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới.

Thư của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc Thư của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc 'mong toàn xã hội hãy chung tay với giáo dục'

TTO - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vừa có thư gửi ngành giáo dục nhân khai giảng năm học mới 2022 - 2023.

THẢO LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên