23/06/2022 14:51 GMT+7

Chủ tịch phường ở TP Thủ Đức: Một số cán bộ bị cự nự, thậm chí phải ly hôn vì làm quá nhiều

Tin, ảnh: TIẾN LONG
Tin, ảnh: TIẾN LONG

TTO - "Một số cán bộ, công chức phường bị chồng (hoặc vợ) cự nự, thậm chí ly hôn rất phổ biến vì thời gian dành cho gia đình rất ít. Thực tế có người 2-3 năm chưa nghỉ phép, chưa nghỉ thứ 7, chủ nhật" - chủ tịch phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức nêu

Sáng 23-6, đoàn công tác của Bộ Nội vụ do Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà làm trưởng đoàn đã làm việc với TP Thủ Đức.

Làm cả thứ bảy, chủ nhật, có người 2-3 năm chưa nghỉ phép

Trao đổi với đoàn công tác, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - chủ tịch phường Hiệp Bình Chánh - cho biết quy mô dân số của phường là 107.000 người, khối lượng công việc lớn, trong khi chỉ tiêu giao biên chế là 37 người (và hiện chỉ có 34 người) không đáp ứng được công việc.

Chủ tịch phường ở TP Thủ Đức: Một số cán bộ bị cự nự, thậm chí phải ly hôn vì làm quá nhiều - Ảnh 1.

Chủ tịch phường Hiệp Bình Chánh Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu

Ông Tuấn cho hay số lượng cán bộ, công chức của phường thời gian qua liên tục giảm. Trước năm 2019, phường có 62 người, đến năm 2019 còn 50 và hiện còn 34 người. Do áp lực cao, khối lượng công việc lớn nên liên tục có tình trạng cán bộ nộp đơn xin nghỉ việc. Cá biệt có một phó chủ tịch phường cũng xin nghỉ.

Cán bộ phường thường xuyên làm việc đến 20-21h và cả thứ bảy, chủ nhật. Khối lượng công việc nhiều nên cuộc sống và sức khỏe của cán bộ luôn bị ảnh hưởng. Nhiều người nghỉ việc vì không đảm bảo sức khỏe, nhiều người 7-8h phải đưa con lên phường khi làm việc, kèm theo đó hạnh phúc gia đình bị ảnh hưởng.

"Một số cán bộ công chức phường bị chồng (hoặc vợ) cự nự, thậm chí ly hôn rất phổ biến vì thời gian dành cho gia đình rất ít. Thực tế có người 2-3 năm chưa nghỉ phép, chưa nghỉ thứ bảy, chủ nhật", ông Tuấn nêu và kiến nghị lên bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng như TP Thủ Đức xem xét, điều chỉnh việc bố trí cán bộ, công chức cho quận, huyện và phường xã phù hợp với thực tế, không cào bằng.

Cũng tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết trong nghị quyết mới đang xây dựng nhằm thay thế nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho TP.HCM, TP dành một chương riêng về chính sách phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức.

Trong đó tập trung kiến nghị cho phép HĐND TP.HCM quyết định việc tổ chức bộ máy, số biên chế phù hợp với TP Thủ Đức. HĐND, UBND, và chủ tịch UBND TP Thủ Đức được phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ hơn, xứng đáng với quy mô đô thị loại 1. 

Ngoài ra UBND TP.HCM được phép phân công cho TP Thủ Đức một số chức năng, nhiệm vụ của sở ngành để hoạt động đúng nghĩa như TP.

TP Thủ Đức cần nâng cao nhận thức để thấy vai trò, vị trí địa chính trị đã khác hoàn toàn so với trước đây. Động gì cũng thấy khó khăn, vướng mắc thì không làm gì được. Cần biến nguy thành cơ, biến không thành có, biến khó thành dễ.

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ PHẠM THỊ THANH TRÀ

Chủ tịch phường ở TP Thủ Đức: Một số cán bộ bị cự nự, thậm chí phải ly hôn vì làm quá nhiều - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu

Nghiên cứu giao một khung biên chế chung cho TP.HCM

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết bộ trưởng Bộ Nội vụ cơ bản đồng tình, ủng hộ về chủ trương với các đề xuất liên quan đến TP Thủ Đức. 

Tuy nhiên bà Trà lưu ý việc tổ chức bộ máy phải hợp lý, tinh gọn, đáp ứng nhu cầu vận hành. Theo đó: "Về nhân lực đừng nghĩ nhiều mới là tốt, mà phải ít nhưng mà tinh và TP mới cần hướng tới bộ máy tinh gọn, hiệu quả".

Theo bà Trà, Thủ Đức phải có cái riêng, sự khác biệt của một chính quyền đô thị, nằm ngoài quy định hiện tại của luật. Ví dụ trong bộ máy ngoài cơ quan chuyên môn như luật định, TP cần thêm phòng khoa học công nghệ, hoặc nâng tầm phòng quản lý đô thị bằng cách bổ sung đơn vị trực thuộc như phòng quản lý trật tự đô thị, để phù hợp với đặc thù và có cơ sở tăng số lượng.

Bà cũng lưu ý trong một hệ thống hành chính dù phân cấp, phân quyền nhưng vẫn cần liên thông, liên kết, không thể tách bạch mà cần thống nhất. Cần phân cấp tùy theo lĩnh vực, song song với tạo cơ chế, chính sách. 

Định hướng của Bộ Nội vụ là nghiên cứu để đề xuất Chính phủ giao một khung biên chế chung cho TP.HCM, trên số lượng đó, TP quyết định việc tổ chức bộ máy cho từng địa phương, trong đó có TP Thủ Đức.

Bà Trà cho hay trung ương chỉ tháo gỡ những vấn đề mang tính nguyên tắc cho TP.HCM, còn việc thuộc trách nhiệm của TP.HCM và TP Thủ Đức thì cần thay đổi năng lượng, nội lực để thành công. "Mở mắt ra là thấy gian nan, vất vả, anh em chán nản, muốn bỏ việc là không thành công. Đầu tiên là không thành công trong nhận thức", bà nói.

TP Thủ Đức cơ bản "chưa có gì khác cấp huyện"

Chủ tịch TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết dù dân số 1,2 triệu người, công việc ngày càng nhiều lên nhưng số biên chế sau thành lập của TP Thủ Đức phải giảm 30% so với 3 quận trước kia là "chắc chắn không làm được".

Từ thực tế đó, ông Hoàng Tùng đề nghị Bộ Nội vụ cho giữ nguyên số biên chế như trước khi sáp nhập và được ký hợp đồng công chức để giảm sức ép cho phường đông dân.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - phó bí thư Thành ủy TP.HCM kiêm bí thư TP Thủ Đức - cho biết sau khi thành lập Thủ Đức chỉ có hai cơ chế mới là có HĐNĐ và có Phòng khoa học và công nghệ, còn lại thì "chưa có gì khác cấp huyện".

Ông cho rằng nếu TP Thủ Đức được bố trí thêm cán bộ thì hiệu quả kinh tế mang lại lớn hơn so với chi phí bỏ ra khi tăng một vài biên chế.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Sẽ phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho TP.HCM về biên chế Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Sẽ phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho TP.HCM về biên chế

TTO - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết tới đây Trung ương sẽ phân cấp, phân quyền cho TP.HCM về nhân sự, tùy TP bố trí, chẳng hạn có thể tăng cường nhân sự cho TP Thủ Đức.

Tin, ảnh: TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên