03/12/2019 19:52 GMT+7

Chủ tịch TP Hà Nội: Chưa nhận được bàn giao cơ sở ô nhiễm nào

DANH TRỌNG - XUÂN LONG
DANH TRỌNG - XUÂN LONG

TTO - Chiều 3-12, tại buổi thảo luận tổ trong kỳ họp thứ 11 - HĐND TP Hà Nội, trả lời ý kiến của đại biểu về việc chuyển các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra ngoại thành, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết đây là vấn đề "hết sức khó khăn".

Chủ tịch TP Hà Nội: Chưa nhận được bàn giao cơ sở ô nhiễm nào - Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Huy Được (tổ Ba Vì) nêu ý kiến trong buổi thảo luận tổ - Ảnh: DANH TRỌNG

Phát biểu ý kiến trong buổi thảo luận tổ tại tại kỳ họp thứ 11, đại biểu Hoàng Huy Được (tổ Ba Vì) cho biết theo thông báo, từ nay đến năm 2020, tỉ lệ các cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung từ 95 -100%. 

Tuy nhiên, hiện nay thủ đô vẫn còn tình trạng nước thải xả trực tiếp ra môi trường, trong khi Hà Nội đang nỗ lực cải tạo sông, ao, hồ, đảm bảo môi trường trong sạch. 

Bên cạnh đó, việc chưa di dời các cơ sở gây ô nhiễm trong nội đô cũng là một trong những nguyên nhân khiến môi trường của thành phố chưa được xanh - sạch - đẹp. 

Trả lời đại biểu tổ Ba Vì về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cho biết để hạn chế việc xả thải, vừa qua thành phố Hà Nội đã đề xuất tăng mức thu phí xử lý nước thải. 

"Hà Nội đã có phí thu gom rác thải và nước thải với mức phí 6.000 đồng, nhưng mức thu phí này chỉ đáp ứng được 15-18% so với kinh phí thành phố đang chi trả. 

Tham khảo một số quốc gia trên thế giới thấy rằng việc xử lý một tấn rác thải theo công nghệ đốt phát điện tốn 100 USD, thì tiền thu gom vận chuyển cũng mất 100 USD", Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói.

Theo chủ tịch TP Hà Nội, ở Việt Nam rất khó kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này vì khó thu hồi vốn. Cho nên thành phố đã đề xuất theo lộ trình sẽ tăng mức thu phí xử lý nước thải.

Về vấn đề cải tạo lòng sông, ao, hồ... ông Chung cho hay, thời gian qua có nhiều đơn vị đầu tư vào việc này, trong đó có Công ty Môi trường Nhật Bản đã thử nghiệm làm sạch nước ở Hồ Tây, sông Tô Lịch. 

Chủ tịch TP Hà Nội: Chưa nhận được bàn giao cơ sở ô nhiễm nào - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đức Chung - chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, trả lời ý kiến của đại biểu trong buổi thảo luận tổ - Ảnh: DANH TRỌNG

Hiện tại, Hà Nội cũng đã cho thử nghiệm công nghệ xử lý nước của Nhật Bản ở một hồ nước đọng. 

Về vấn đề chuyển dịch các cơ sở gây ô nhiễm ra ngoại thành Hà Nội, theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, "đây là vấn đề hết sức khó khăn, thành phố cũng chưa nhận được cơ sở bàn giao nào của các bộ, ngành".

Cũng trong buổi thảo luận tổ, Chủ tịch TP Hà Nội cũng cho biết Hà Nội đang kêu gọi công khai xã hội hóa các đơn vị tư nhân vào đầu tư hệ thống cung cấp nước, đến nay đã được 23 nhà đầu tư với 38 dự án. 

"Hiện nay, hệ thống nước ngầm của chúng ta đang bị nhiễm Asen và chất hữu cơ rất nặng. Nguyên nhân vì có trên 300.000 giếng khoan của người dân và của doanh nghiệp thẩm thấu xuống", ông Chung cho biết.

"Hà Nội đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh lại quy hoạch nước, đó là xây dựng theo hệ thống mạch vòng, trong trường hợp mất nước cục bộ vẫn có thể điều tiết được", Chủ tịch Chung nói.

Hà Nội hoãn điều chỉnh khung giá đất giai đoạn 2020 - 2024 Hà Nội hoãn điều chỉnh khung giá đất giai đoạn 2020 - 2024

TTO - Tại kỳ họp thứ 11, HĐND thành phố Hà Nội đã quyết định rút nội dung điều chỉnh giá các loại đất trên địa bàn TP (áp dụng từ ngày 1-1-2020 đến 31-12-2024) khỏi chương trình.

DANH TRỌNG - XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên