03/05/2011 09:41 GMT+7

Chưa có luật về "đứng tên giùm"

Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG - LÊ NGỌC THƯƠNG
Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG - LÊ NGỌC THƯƠNG

TT - Do luật chưa rõ ràng nên việc tranh chấp tài sản giữa Việt kiều và người trong nước xuất phát từ việc nhập nhằng giữa tặng cho và nhờ đứng tên giùm diễn ra khá phổ biến.

DYfulP5u.jpgPhóng to

Mới đây nhất là việc bà Chernicki Ngọc Anh (Việt kiều Mỹ) tố cáo ông Phan Anh Tâm (quận 8, TP.HCM) không trả lại chiếc xe hơi mà bà gửi tiền về nhờ ông Tâm mua và đứng tên giùm. Còn ông Tâm thì nói rằng xe này bà Ngọc Anh đã cho ông lúc quan hệ tình cảm giữa hai người còn tốt đẹp (Tuổi Trẻ ngày 22-4-2011).

Do pháp luật chưa có quy định về loại giao dịch gọi nôm na là “đứng tên giùm”, nên những tranh chấp dạng tương tự như trên đã dẫn đến hai hệ quả: tình trạng nhập nhằng trong việc cho hay đứng tên giùm và cách giải quyết của các tòa án đối với dạng tranh chấp này hiện nay chưa thống nhất.

Nhập nhằng

Gửi tiền về nước chỉ có thể là “cho”

Theo quy định của pháp luật về ngoại hối, khi Việt kiều chuyển ngoại tệ một chiều từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối (thường được gọi là kiều hối) thì đó là giao dịch tặng cho. Nếu là giao dịch vay mượn thì phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định và được thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép (theo khoản 1 điều 22 nghị định 160/2006/NĐ-CP hướng dẫn pháp lệnh ngoại hối). Do đó, trường hợp vay mượn mà không được thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép thì giao dịch sẽ bị vô hiệu theo điều 128 Bộ luật dân sự do vi phạm điều cấm của pháp luật. Bên vay có muốn trả nợ vay cũng không được (do không được thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép thì tổ chức tín dụng sẽ không thực hiện việc chuyển tiền). Nếu chuyển ngoại tệ ra nước ngoài không đúng quy định thì sẽ bị tịch thu toàn bộ số ngoại tệ.

Như vậy, trong các tranh chấp mà có cơ sở để nhận định là giao dịch vay mượn ngoại tệ thì số ngoại tệ đó có thể bị cơ quan quản lý ngoại hối tịch thu.

Chúng ta đã biết, Việt kiều muốn được sở hữu các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu như nhà, xe phải đáp ứng một số điều kiện luật định (như phải về nước đầu tư, hoặc phải có giấy xác nhận có nguồn gốc hoặc quốc tịch Việt Nam, có thẻ tạm trú...). Do đó chuyện Việt kiều nhờ người Việt Nam trong nước đứng tên tài sản giùm là chuyện khá phổ biến.

Ngoài việc tranh chấp về “cho” hay “đứng tên giùm” còn có dạng tranh chấp về “cho” hay “cho vay”: Việt kiều nói mình gửi tiền cho người trong nước vay (để mua tài sản) và nay đòi lại tiền đã cho vay, còn người trong nước nói rằng tiền này là tiền cho.

Và điều làm đau đầu các thẩm phán nhất là ngoài chứng từ chuyển tiền từ nước ngoài về, giữa các bên không hề có bất kỳ hợp đồng tặng cho, hợp đồng vay hoặc giấy tờ gì khác để chứng minh bản chất thực tế của số tiền tranh chấp là gì.

Xử khác nhau tùy theo... thẩm phán

Đối với tranh chấp liên quan đến việc đứng tên giùm, một số tòa án đã xử theo hướng công nhận giữa hai bên có giao dịch đứng tên giùm. Theo đó, nếu tại thời điểm xét xử, Việt kiều đã đủ điều kiện được sở hữu tài sản (ví dụ như đã tiến hành đầu tư tại Việt Nam) thì sẽ được tòa công nhận quyền sở hữu tài sản, còn trường hợp chưa đủ điều kiện sở hữu thì sẽ phát mãi tài sản đó để hoàn trả tiền cho Việt kiều.

Nếu giá trị tài sản đã tăng lên so với thời điểm mua thì phần tăng thêm đó có thể sẽ được chia đều cho các bên hoặc theo một tỉ lệ khác trên cơ sở có xem xét đến công sức đóng góp của bên đứng tên giùm.

Tuy nhiên, cũng có thẩm phán nhận định theo hướng không công nhận giao dịch đứng tên giùm vì trái pháp luật và cho rằng giao dịch vô hiệu ngay từ thời điểm giao kết, nên các bên có nghĩa vụ khôi phục tình trạng ban đầu. Theo đó, tài sản sẽ được phát mãi để hoàn trả số tiền ban đầu cho Việt kiều.

Theo điều 137 Bộ luật dân sự 1995, tài sản giao dịch và hoa lợi, lợi tức thu được từ giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật sẽ bị tịch thu, sung quỹ nhà nước. Còn Bộ luật dân sự 2005 không có quy định vấn đề này, nên đối với phần giá trị tài sản tăng lên so với thời điểm mua ban đầu, việc tịch thu hay không tịch thu sẽ do quyết định của thẩm phán. Trường hợp không tịch thu thì việc giải quyết phần tăng thêm ấy như thế nào cũng chưa thống nhất, có thẩm phán cho rằng toàn bộ số tiền ấy thuộc về Việt kiều, có thẩm phán nhận định nên chia đôi và cũng có thẩm phán quyết định chia theo công sức đóng góp của hai bên.

Cần có quy định rõ ràng

Có thể thấy, do pháp luật chưa có quy định điều chỉnh loại giao dịch đặc trưng này đã dẫn đến việc cùng một loại quan hệ pháp luật nhưng lại có thể có nhiều hậu quả pháp lý khác nhau. Từ đó, số vụ tranh chấp giữa “tặng cho và đứng tên giùm” hoặc giữa “tặng cho và cho vay mượn” lại càng nhiều hơn.

Từ thực tiễn kể trên, các cơ quan chức năng và Tòa án nhân dân tối cao nên sớm có hướng dẫn rằng việc đứng tên giùm có được xem là một quan hệ hợp pháp hay không. Nếu là một quan hệ hợp pháp cần phải đáp ứng các hình thức, điều kiện gì; hệ quả pháp lý hay hướng xử lý tài sản trong giao dịch đứng tên giùm; việc xem xét công nhận quyền sở hữu tài sản tranh chấp (phải đăng ký quyền sở hữu như nhà, xe...) đối với Việt kiều có thể thực hiện tại thời điểm xét xử không hay chỉ xem xét tại thời điểm các bên xác lập giao dịch... Việc có quy định rõ ràng sẽ hạn chế rủi ro và tranh chấp cho các bên, cũng như có sự thống nhất cho công tác xét xử và quản lý nhà nước.

Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG - LÊ NGỌC THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên