17/05/2021 08:05 GMT+7

Chưa phải trận chiến cuối cùng

PHÚC AN (từ Nebraska)
PHÚC AN (từ Nebraska)

TTO - Dù đã hoàn thành mũi vắc xin thứ hai cách đây mươi ngày, tôi vẫn chưa dám bỏ thói quen phòng dịch từ hơn một năm nay, và không có được tự tin như láng giềng chiều chiều vẫn dắt cún cưng đi dạo mà không ai đeo khẩu trang.

Chưa phải trận chiến cuối cùng - Ảnh 1.

Một cửa hàng Walmart ở thủ đô Washington DC yêu cầu khách hàng phải đeo khẩu trang, trong ảnh chụp ngày 15-4. Hãng bán lẻ Walmart ngày 14-5 cho biết khách hàng được tiêm đủ vắc xin không cần phải mang khẩu trang nữa - Ảnh: AFP

Dù đã hoàn thành mũi vắc xin thứ hai cách đây mươi ngày, tôi vẫn chưa dám bỏ thói quen phòng dịch từ hơn một năm nay, và không có được tự tin như láng giềng chiều chiều vẫn dắt cún cưng đi dạo mà không ai đeo khẩu trang.

Quán cà phê, bưu điện, văn phòng hành chính bang... những chỗ tôi ghé lại mấy ngày qua vẫn còn duy trì những quy định chống dịch, khẩu trang là bắt buộc nhưng giãn cách là điều mọi người có thể dễ dàng xí xóa cho nhau.

Tôi nghe tiếng nhạc tưng bừng từ hàng xóm, mùi thịt nướng BBQ thơm phức đâu đây. Trẻ con theo bố mẹ đi chơi công viên, hàng quán trong trung tâm đã đông đúc trở lại dù thực khách vẫn phải ngồi cách xa. Những cuộc họp mặt đông người, những chuyến dã ngoại tập thể đã được lên kế hoạch cho ba tháng hè sắp tới. Siêu thị và cửa hàng sắp tiến tới bỏ khẩu trang.

Mọi người có lý do khi thoải mái như vậy, bởi hôm 13-5 CDC Mỹ đã cho phép những ai tiêm đủ các liều vắc xin COVID-19 quay lại cuộc sống bình thường mà không cần đeo khẩu trang hay thực hiện giãn cách. 

Chiến dịch tiêm phòng quy mô và thần tốc đã giúp Mỹ nhanh chóng xoay chuyển vị thế, từ ổ dịch lớn toàn cầu cho đến quốc gia đầu tiên tuyên bố chiến thắng cuộc chiến chống dịch với những con số thống kê tràn đầy hi vọng và niềm tin.

Theo số liệu thống kê của Our World in Data ngày 14-5, 120 triệu người Mỹ (36,6% tổng dân số) đã chích đủ liều vắc xin với tổng cộng 286 triệu liều đã được phân phối. 

Vắc xin Pfizer cũng đã được FDA chấp thuận sử dụng cho trẻ em từ 12 - 15 tuổi, nhóm đối tượng cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng.

Theo một báo cáo từ Văn phòng Trách nhiệm chính phủ (GAO) cho thấy Mỹ đã đặt mua 1,2 tỉ liều vắc xin COVID-19 và cho đến cuối tháng 5 năm nay sẽ có đủ liều để tiêm cho mọi người Mỹ trưởng thành. 

Đây chính là cơ sở vững chắc cho những quyết định táo bạo của CDC và phát biểu tự tin kiểm soát dịch của Tổng thống Joe Biden.

Thế nhưng theo tôi đây không phải là cuộc chiến mà Mỹ có thể đơn độc tuyên bố chiến thắng. Hằng ngày, tôi đều theo dõi tin tức từ Ấn Độ, từ quê nhà Việt Nam, từ những thành phố và quốc gia tôi từng đặt chân qua và yêu mến.

"Chiến trường" chống COVID-19 khắp toàn cầu vẫn còn chật vật ngổn ngang. Lửa vẫn đang cháy, nơi bùng lên, nơi âm ỉ. Dù Mỹ, với vị thế chính trị và nguồn lực kinh tế của mình, có thể nhanh chóng dập dịch nhưng với tình thế hiện nay tôi lo ngại đây chưa phải là "trận cuối". Lửa lại có thể cháy lan!

Định nghĩa như thế nào mới là "chiến thắng" cũng khiến tuyên bố này gây tranh cãi khi hiện tại số ca nhiễm và tử vong tại Mỹ cũng vẫn còn ở mức cao, với hơn 41.000 ca mới hôm 14-5. 

Mặt khác, một báo cáo khác từ Monmouth University hồi giữa tháng 4 nói cứ 5 người Mỹ thì có 1 người từ chối tiêm chủng. Tôi cầu mong nhiều người trong số này sẽ đổi ý khi trực tiếp nhìn thấy hiệu quả thực tế của vắc xin lên sức khỏe cá nhân và đời sống xã hội.

Trong năm qua, khẩu hiệu "We’re all in this together" (Tạm dịch: Tất cả chúng ta cùng nhau trải qua chuyện này) được phổ biến khắp nơi tại Mỹ để nêu cao tinh thần đoàn kết và động viên nhau cùng vượt qua bối cảnh khó khăn chung. 

Tôi mong tinh thần tương thân tương ái này không chỉ lan tỏa trong nước mà đến với phần còn lại của thế giới. 

Mỹ có thể nhanh chóng chia sẻ nguồn vắc xin dư thừa và hỗ trợ những tài nguyên khác cho những "điểm nóng" COVID trên toàn cầu, để không chỉ người dân Mỹ mà toàn thế giới có thể cùng nhau vượt qua thử thách vô tiền khoáng hậu này.

Không rõ những người Mỹ khác đã tìm lại được nhịp sống cũ họ trước tháng 3-2020 hay không, nhưng bình thường của tôi hôm nay chắc chắn là một bình thường mới với không ít cảnh giác và lo âu. Tôi nói vậy không chỉ với tư cách là nạn nhân tiềm tàng của COVID-19, mà còn là một phụ nữ gốc Á.

Singapore lại "cúp cầu dao điện" đột ngột

pxl_20210516_054525609 2(read-only)

Khu ăn uống Pek Kio ở Singapore vắng vẻ vào trưa 16-5 - Ảnh: LÊ NAM

Trưa 16-5, chỉ có 28 trong tổng số 50 cửa hàng ẩm thực ở khu ăn uống Pek Kio ở gần chỗ gia đình tôi sinh sống còn mở cửa. Các dãy bàn đã được bọc kín, chỉ vài bàn còn chừa lại duy nhất một ghế trống. Một số bàn được dán thông báo cho biết kể từ hôm nay không cho phép ngồi ăn uống mà chỉ được mua mang đi.

Ở những quầy bán cơm gà, bánh cuốn kiểu Hong Kong làm tại chỗ hay mì Hokkien nổi tiếng ở Pek Kio, bình thường có hàng dài người rồng rắn nhẫn nại xếp hàng chờ đến lượt... Giờ cả khu ăn uống chỉ lèo tèo vài người đứng xếp hàng mua về.

Sau một thời gian dài ổn định, số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng ở Singapore mấy tuần gần đây bỗng gia tăng đột biến (riêng ngày 16-5 ghi nhận 38 ca).

Biến chủng B1.617.2 từ Ấn Độ cũng bị phát hiện trong nhóm bệnh nhân mới khiến Singapore buộc phải siết chặt quản lý, tăng cường giãn cách xã hội.

Tuần này, 7 trường tiểu học ở Singapore buộc phải đóng cửa cho học sinh học qua mạng vì có đến 9 học sinh bị nhiễm virus corona.

Mới đầu tuần trước, thông báo của ông Lawrence Wong - Bộ trưởng Bộ tài chính đồng chủ tịch của lực lượng đặc nhiệm ứng phó dịch COVID-19, yêu cầu điều chỉnh việc tụ tập ở nơi công cộng từ 8 người xuống 5 người đã khiến người dân Singapore khó chịu, thì quy định nhóm tụ tập không được phép quá 2 người mới đây đã khiến nhiều người liên tưởng ngay đến thời kỳ "cúp cầu dao điện" (giãn cách xã hội) năm ngoái.

Ngay sau thông báo điều chỉnh việc tụ tập bên ngoài chỉ còn 2 người, người dân Singapore lại đổ xô đi vào các siêu thị gom thức ăn và giấy vệ sinh...

Đại diện hai hệ thống siêu thị lớn nhất ở Singapore - NTUC và Sheng Siong - ngay lập tức khẳng định "họ đã rút kinh nghiệm từ năm ngoái và trữ hàng đủ cho nhu cầu của dân Singapore".

Singapore đã phân phối hơn 3,1 triệu liều vắc xin, trong đó có hơn 1,2 triệu lượt người chích đầy đủ hai lượt, trong tổng số hơn 5,8 triệu người Singapore và nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở đây.

Chính phủ Singapore cho biết họ đang đẩy nhanh việc tiêm chủng vắc xin cho toàn bộ dân chúng ở Singapore vào cuối quý 3, trong đó sẽ triển khai việc tiêm vắc xin cho người dưới 16 tuổi ngay khi được cho phép.

Những người đã tiêm đủ hai mũi vắc xin như tôi giờ phải thích ứng với các quy định siết chặt mới có phần "ngột ngạt": hãy ở trong nhà nhiều nhất có thể mà chưa biết chuyện gì sẽ lại xảy ra sau ngày 13-6.

LÊ NAM (từ Singapore)

Siêu thị lớn ở Mỹ bỏ yêu cầu đeo khẩu trang với khách đã tiêm đủ vắc xin Siêu thị lớn ở Mỹ bỏ yêu cầu đeo khẩu trang với khách đã tiêm đủ vắc xin

TTO - Một ngày sau khi Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) thông báo người đã tiêm đủ vắc xin COVID-19 không cần đeo khẩu trang, các nhà bán lẻ lớn ở Mỹ đã bắt đầu điều chỉnh quy định về đeo khẩu trang.

PHÚC AN (từ Nebraska)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Mỹ Singapore COVID