Khuya 22-8, hàng chục ngàn chiến sĩ tại TP.HCM đồng loạt ra quân cho đợt tăng cường chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với quyết tâm 15 ngày kiểm soát được dịch COVID-19. Trong cơn mưa lâm râm những ngày cuối tháng 8, gương mặt ai cũng lộ rõ quyết tâm cho "trận đánh lớn này".

Để chuẩn bị cho đợt này, trước đó nhiều cán bộ y bác sĩ, tình nguyện viên, quân nhân, công an từ nhiều đơn vị, địa phương trên cả nước cũng được tăng cường về cho TP.HCM.

Có những cuộc điều động chớp nhoáng, chỉ trong vài giờ chuẩn bị họ đã lên đường, hướng về thành phố thân yêu. Và bắt đầu từ ngày hôm nay, họ cùng chính quyền, nhân dân TP.HCM chiến đấu với đại dịch.

Chúng tôi cùng thành phố chống dịch - Ảnh 1.

Tính tới hiện tại, Bộ Y tế cho biết đã có hơn 14.000 cán bộ, nhân viên y tế được huy động hỗ trợ chống dịch tại miền Nam từ ngày 1-7 đến 21-8. Trong đó có hàng ngàn người đã đến TP.HCM, ngày đêm túc trực tại các bệnh viện dã chiến, hỗ trợ thành phố điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 từ nhẹ đến nặng.

Ngoài hỗ trợ về nhân lực, nhiều bệnh viện còn mang theo cả trang thiết bị vượt hàng ngàn kilômet đến với TP.HCM. Những trang thiết bị này được ví như "vũ khí" của ngành y, giúp các y bác sĩ chiến đấu, giành giật lại sự sống cho bệnh nhân.

Để điều hành guồng máy y tế tăng cường và đưa ra các quyết sách cùng hệ thống y tế tại chỗ của TP.HCM, Bộ Y tế đã cử 195 người, bao gồm lãnh đạo bộ và lãnh đạo, chuyên viên các cục/vụ/viện, bộ phận thường trực Bộ Y tế tại TP.HCM.

Trong đó lực lượng trực tiếp có mặt TP Thủ Đức và 21 quận, huyện của TP.HCM là 48 người, số nhân lực còn lại hỗ trợ cho các tỉnh thành lân cận.

Chúng tôi cùng thành phố chống dịch - Ảnh 2.

Khối các bệnh viện trung ương có 27 bệnh viện huy động 2.731 y bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế tới TP.HCM và các tỉnh lân cận. Các bệnh viện trung ương thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực gồm 10 bệnh viện tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Vĩnh Long. Khối các viện trực thuộc Bộ Y tế gồm 8 viện huy động 815 người hỗ trợ.

Ngoài lực lượng y bác sĩ tại các bệnh viện, không thể không kể đến hàng ngàn sinh viên thuộc khối các trường y dược. Tại TP.HCM và các tỉnh lân cận đã có sinh viên của 12 trường với 7.573 người tham gia.

Mới đây nhất, Trường cao đẳng Y tế Bạch Mai tổ chức lễ xuất quân 1.500 giảng viên, sinh viên, học sinh của trường lên đường chi viện TP.HCM phòng chống dịch COVID-19 cho cao điểm từ ngày 23-8 đến 5-9. Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Bạch Mai, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, cho biết đoàn sẽ nhận nhiệm vụ hỗ trợ TP.HCM bảo vệ những "vùng xanh".

Chúng tôi cùng thành phố chống dịch - Ảnh 3.

Đây là cuộc điều động chớp nhoáng nhất mà các sinh viên trải qua khi 1h sáng 21-8, các thầy cô đã gửi đơn đăng ký, điều động sinh viên vào TP.HCM chống dịch.

Và đến khuya cùng ngày, những "bác sĩ tương lai" đã có mặt trên chuyến bay lên đường vào TP.HCM. Lo sợ, hồi hộp khi lần đầu tiên thực hiện một nhiệm vụ lớn cùng đất nước nhưng tất cả đều cùng một quyết tâm hỗ trợ TP.HCM vượt qua khó khăn dịch bệnh.

"Khi vào TP.HCM trong bối cảnh trên, bản thân em cũng có đôi chút lo sợ, đến bây giờ em vẫn thấy rất hồi hộp. Gia đình thì cũng lo lắng, ba mẹ không muốn cho em đi, tuy nhiên mang trong mình trọng trách của một sinh viên ngành y nên em đã gạt bỏ những điều đó để lên đường", Phương Anh - sinh viên lớp điều dưỡng K6B - nói.

Chúng tôi cùng thành phố chống dịch - Ảnh 4.
Chúng tôi cùng thành phố chống dịch - Ảnh 5.
Chúng tôi cùng thành phố chống dịch - Ảnh 6.

Cục CSGT đã điều 37 cán bộ, chiến sĩ CSGT vào TP.HCM hỗ trợ nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phòng chống dịch. Những cán bộ chiến sĩ đều đảm bảo về sức khỏe, được tiêm phòng đủ 2 mũi vắc xin, xét nghiệm âm tính.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, cục trưởng Cục CSGT, nhận định trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, số ca nhiễm tăng cao tại các tỉnh phía Nam, mỗi cán bộ, chiến sĩ CSGT cần xác định tinh thần tiên phong trên tuyến đầu phòng, chống dịch. Mỗi nhân lực đến với TP.HCM trong đợt này đều đáng quý, góp phần cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh.

Cũng trong đợt tăng cường này, 60 tổ quân y lưu động thuộc Học viên Quân y với 295 thành viên trong đó có 113 bác sĩ, 2 cán bộ và 180 học viên năm thứ tư cũng gấp rút lên đường hỗ trợ cho TP.HCM. Giám đốc Học viện Quân y yêu cầu các bác sĩ, học viên thực hiện đúng và tốt chức năng của mình, đến tận cơ sở, từng nhà, phát hiện, chăm sóc, điều trị, phòng chống dịch COVID-19 và cả những bệnh nền khác.

Các bác sĩ, học viên chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, học viên cao học cần phát huy kiến thức đã học được và tiếp tục cập nhật thêm những hướng dẫn của Bộ Y tế, Cục Quân y và Học viện Quân y đã tập huấn trong những ngày qua. Sau khi đến TP.HCM, các tổ công tác đã được điều phối về các phường, xã để hỗ trợ cho y tế địa phương.

Chúng tôi cùng thành phố chống dịch - Ảnh 7.

Trung tướng Đỗ Quyết, giám đốc Học viện Quân y, nhấn mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh, có thể các bệnh nhân mắc COVID-19 phải chịu nhiều tác động về tâm lý, vì thế đòi hỏi đội ngũ y bác sĩ phải có tinh thần trách nhiệm và cả tình thương yêu khi tiếp xúc với họ.

Sứ mệnh lớn nhất của các "bác sĩ quân hàm" không phải ngay lập tức chữa được bệnh, mà là an ủi và chia sẻ với những đau thương, mất mát, bệnh tật, khổ đau của người bệnh, đó là tình thương "lương y như từ mẫu".

Sau 60 tổ quân y lên đường lần này, trong tuần tới sẽ tiếp tục có thêm hơn 100 tổ quân y khác chi viện cho TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam.

Chúng tôi cùng thành phố chống dịch - Ảnh 8.
Chúng tôi cùng thành phố chống dịch - Ảnh 9.

Trong đợt tăng cường này, lực lượng bộ đội tại các quân khu ở phía Nam cũng được tăng cường về với TP.HCM. Có hàng ngàn quân chủ lực từ Quân khu 7, Quân khu 9 tham gia. Đặc biệt, sẽ có thêm hơn 2.000 bác sĩ và nhân viên y tế cùng 30 xe cứu thương của quân đội được điều động từ phía Bắc vào TP.HCM hỗ trợ.

Quân đội sát cánh với nhiệm vụ chống dịch để phục vụ mục tiêu an sinh, an dân. Lực lượng tham gia chống dịch ở TP.HCM là đội quân công tác, không phải đội quân chiến đấu.

Chúng tôi cùng thành phố chống dịch - Ảnh 10.

Trong chiều 22-8, các quận huyện tại TP.HCM cũng đã tiếp nhận lực lượng quân đội hỗ trợ về địa phương. Tại quận Bình Thạnh, thượng tá Lê Xuân Hưng - chính trị viên Ban chỉ huy quân sự quận - cho biết đã tiếp nhận lực lượng bổ sung từ quân đội về tăng cường cho địa phương.

Sau khi tiếp nhận, UBND quận Bình Thạnh triển khai lực lượng về cho các phường để phối hợp với y tế, tham gia tăng cường các chốt kiểm soát, chuyển các gói an sinh cho người dân gặp khó khăn và tuyên truyền phòng dịch.

Chúng tôi cùng thành phố chống dịch - Ảnh 11.

Tại quận 5, ông Nguyễn Mạnh Cường, bí thư quận ủy, cho biết đã tiếp nhận 5 nhóm quân y để triển khai 5 trạm quân y cơ động. Mỗi trạm có 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng để hỗ trợ y tế địa phương trong công tác y tế. Ngoài ra, quận cũng tiếp nhận thêm lực lượng quân đội tăng cường cho các chốt kiểm soát, đi chợ giúp dân.

Ở quận 11, ông Trần Phi Long, chủ tịch UBND quận, cho biết quận đã tiếp nhận 106 chiến sĩ về hỗ trợ quận trong công tác kiểm tra tại các chốt, vận chuyển hàng hóa lương thực, đi chợ giúp dân. Quận đã tiếp nhận và triển khai về cho các phường để chuẩn bị cho đợt tăng cường chỉ thị 16 từ 0h ngày 23-8.

Chúng tôi cùng thành phố chống dịch - Ảnh 12.


Ngày trong đêm 22-8, Bộ Tư lệnh TP.HCM cũng đã triển khai 310 tổ công tác gồm các lực lượng Quân khu 7 tăng cường để hỗ trợ vận chuyển các gói an sinh xã hội, cung cấp lương thực thực phẩm đến từng nhà và đi chợ thay dân trong thời gian tới.

Lực lượng sẽ bố trí tại 12 chốt chính trên địa bàn TP.HCM và 251 chốt trọng điểm của TP Thủ Đức và 21 quận, huyện. Theo Bộ Tư lệnh TP, đơn vị có hơn 30.000 cán bộ chiến sĩ trực tiếp tham gia chống dịch trên mọi mặt trận, thời gian qua có nhiều cán bộ chiến sĩ mắc COVID-19 nhưng ngay khi khỏi bệnh đã quay trở lại tuyến đầu làm nhiệm vụ.

Trung tướng Nguyễn Văn Nam, tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.HCM, bày tỏ niềm quyết tâm dập dịch. Ông Nam đánh giá đây là trận chiến mang tính chiến lược. Quân đội, công an, lực lượng chức năng địa phương đều quyết tâm đồng tâm hiệp lực để dập dịch.

Ông Nam đề nghị lãnh đạo các phường, xã dán số điện thoại của dân quân tự vệ, đơn vị phụ trách tại mỗi tổ dân phố. Khi nào dân cần, quân đội sẽ có mặt ngay lập tức. Đồng thời, lực lượng chỉ huy quân sự quận, địa phương phải nắm bắt rõ tình hình thực tế trên địa bàn để hỗ trợ thiết thực, kịp thời cho người dân.

Chúng tôi cùng thành phố chống dịch - Ảnh 13.
Chúng tôi cùng thành phố chống dịch - Ảnh 14.

Ngoài những lực lượng tăng cường cho đợt cao điểm chống dịch này, tại TP.HCM mỗi ngày còn có hàng ngàn chiến sĩ khác trên nhiều mặt trận.

Đó là các y bác sĩ trong khối y tế từ các bệnh viện của thành phố đến đội y tế phường xã đang ngày đêm căng mình chống dịch. Đó là chiến sĩ công an, an ninh túc trực, dầm mưa dãi nắng tại các chốt kiểm soát để đảm bảo an ninh trật tự.

Đó là các sinh viên y khoa hỗ trợ công tác xét nghiệm, lấy mẫu. Đó là những tình nguyện viên hỗ trợ các lực lượng cùng chống dịch. Và còn hàng trăm người dân tình nguyện lao ra đường, bỏ tiền túi cung cấp nhu yếu phẩm, thuốc men tiếp sức cho những khu phong tỏa, cách ly.

Tất cả đã có mặt tại TP.HCM với quyết tâm "cùng thành phố chống dịch".

Chúng tôi cùng thành phố chống dịch - Ảnh 15.

LÊ PHAN
LÊ PHAN - DUYÊN PHAN - THỤY DU - THU HIẾN - PHẠM TUẤN
HẢI PHI
BẢO SUZU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0