17/02/2022 10:22 GMT+7

Chuyện chưa kể những tên đường nước Việt - Kỳ 6: Đội Nhân - con đường mang tên anh hùng

QUỐC VIỆT - VŨ TUẤN
QUỐC VIỆT - VŨ TUẤN

TTO - Ngày ngày bao người Hà Nội ngược xuôi qua phố nhỏ Đội Nhân, nhưng mấy ai biết chuyện bi tráng chưa kể về con đường mang tên người anh hùng vị quốc vong thân Đặng Đình Nhân này.

Chuyện chưa kể những tên đường nước Việt - Kỳ 6:  Đội Nhân - con đường mang tên anh hùng - Ảnh 1.

Phố Đội Nhân đoạn giao với phố Đốc Ngữ (Ba Đình, Hà Nội) - Ảnh: VŨ TUẤN

Trải bao dâu bể lịch sử, thủ cấp của ông cũng phải chuyển dời mấy lần mới về được nơi an nghỉ cuối cùng ở nghĩa trang Thanh Tước.

Sử xanh ai nhuộm máu hồng tươi/ Đèn lạnh đêm khuya giọt lệ rơi/ Tay mạnh vung gươm vằm mặt đất/ Lòng trung trở giáo chuyển cơ trời.

Quyển Việt Nam nghĩa liệt sử đã có bài thơ bi hùng khóc những người yêu nước

Con đường tưởng nhớ

Sáng Hà Nội, mưa xuân giăng bụi lạnh. Từ phố Đốc Ngữ, chúng tôi chậm rãi rẽ phải một quãng là đến phố Đội Nhân. Con phố chỉ dài chừng ba trăm mét nhưng như chất chứa cả chương lịch sử đầy máu xương của những người Việt dũng cảm đứng lên kháng Pháp, để bảo vệ Tổ quốc mình. Đầu phố rộng, người xe qua lại tấp nập. Nhưng cuối phố, đường thắt lại như chiếc cổ chai, đến đây Đội Nhân không còn phố mà là những con ngõ vòng vèo trong các khu tập thể.

Một thời trước đây, cuối phố này là khu tập thể "nhà binh". Đến giờ, kẻ đi, người về, phố xưa không còn đông sắc lính nữa, nhưng nhiều người vẫn quen gọi khu tập thể quân đội. Và nếu nhìn toàn cảnh từ trên cao, Đội Nhân còn như con phố "sân sau" của Bệnh viện Lao, Bệnh viện Quân y 354. Đoạn này nhộn nhịp bởi các cô hàng hoa, và cả những người phụ bán mời chào khách mua hoa vào thăm bệnh nhân sắp lành bệnh hay phúng điếu người không may qua đời.

Chênh chếch đối diện Bệnh viện Quân y 354 là một quán cà phê nhỏ. Quán nằm ở một góc chung cư, thoáng đãng, nhiều cây xanh, đồ uống khá ngon. Đây cũng là quán cà phê duy nhất trên phố Đội Nhân. Bàn bên chúng tôi, một người khách trầm ngâm với phin cà phê đặc quánh. Ông chừng hơn sáu chục tuổi, tóc hoa râm, chiếc quần lính đã bạc màu cỏ úa.

Ông là Nguyễn Thanh Bình, quê Phú Thọ, lần thứ ba uống cà phê ở quán này, cũng là lần thứ ba ông đến phố Đội Nhân để tiễn đưa đồng đội cựu chiến binh một thời xông pha lửa đạn vệ quốc. Quán cà phê yên tĩnh, như không ai muốn nói lớn để dành không gian và thời gian cho người lính già tưởng nhớ đồng đội.

Chúng tôi cũng chưa rõ vì vô tình hay có mối liên hệ gì mà tên của người cai đội yêu nước năm xưa phải lên đoạn đầu đài cùng chín người bạn trong vụ kháng Pháp bi tráng "Hà thành đầu độc" lại được đặt tên cho con phố này. Nhưng bệnh viện quân y nằm trên phố này là một sự trùng hợp thật ý nghĩa, khi ngày ngày những sắc áo lính bạc màu sương gió ra vào đã nhắc nhớ đến người anh hùng vệ quốc năm nào.

Cũng giống TP.HCM, Hà Nội có nguyên tắc đặt tên phố theo cụm. Các phố Đội Nhân, Đội Cấn, Nguyễn Khắc Nhu, Nguyễn Thái Học... được đặt theo cụm. Và đó đều là những vị anh hùng sẵn sàng hy sinh để chống ách đô hộ của thực dân Pháp. Có lẽ, đây là chủ ý tích cực của những người đặt tên đường để hậu nhân truyền đời ghi nhớ công đức tổ tiên mình.

Chuyện chưa kể những tên đường nước Việt - Kỳ 6:  Đội Nhân - con đường mang tên anh hùng - Ảnh 3.

Đoạn phố Đội Nhân gần Bệnh viện Quân y 103 - Ảnh: VŨ TUẤN

Sử xanh lưu dấu anh hùng

Ngược dòng lịch sử bi tráng của nước Việt, Đội Nhân, tên thật là Đặng Đình Nhân (1880 - 1908), quê ở Bạch Mai (Hà Nội), là con một gia đình khá giả, được sang Pháp du học. Ông từng đi lính "khố đỏ" lên chức đội, được mọi người gọi là Đội Nhân, nhưng thực chất ông có chí hướng chống Pháp và đã bí mật kết giao, nằm trong hàng ngũ kháng Pháp.

Trong vụ "Hà thành đầu độc" ngày 27-6-1908, nhóm đầu bếp Hai Hiên (Nguyễn Văn Hiên) đã bí mật bỏ cà độc dược vào thức ăn làm 200 lính Pháp thuộc trung đoàn bảo vệ Hà Nội trúng độc. Nhóm binh sĩ yêu nước khi ấy đứng đầu là Nguyễn Trị Bình (Đội Bình), Đội Nhân, Dương Bê dự định phối hợp với nghĩa quân Hoàng Hoa Thám lật đổ sự cầm quyền của người Pháp ở miền Bắc. Riêng Đội Nhân được phân công cầm đầu toán quân đánh chiếm Phủ toàn quyền Đông Dương...

Tuy nhiên, kế "nội công ngoại kích" không thành, do trước đó mật thám Pháp đã đánh hơi âm mưu của những người yêu nước. Đặc biệt, ngay trong đêm 27-6-1908, một người lính tên Trương đã "hối hận" xưng tội với vị linh mục về kế hoạch khởi nghĩa. Thông tin được chuyển ngay đến quân đội Pháp để kịp thời đàn áp. Những cai đội và binh lính người Việt yêu nước đã bị bắt ngay trước khi họ kịp cướp súng, nổ pháo hiệu.

Cuộc khởi nghĩa giữa lòng Hà Nội hay còn gọi vụ "Hà thành đầu độc" bất thành. Ngày 6-7-1908, viên công sứ Hà Đông Jules Bosc, chủ tọa hội đồng đề hình Bắc kỳ, tuyên án xử chém đợt đầu ba người là Đặng Đình Nhân, Nguyễn Trị Bình và Dương Bê.

Ngày 8-7-1908, ba người anh hùng bị chém đầu ở bãi Gáo (gần cột cờ Hà Nội). Ngày hành hình, ký giả người Pháp Jean Ajalbert chứng kiến giây phút lâm chung của những người anh hùng đã viết lại: "... Nguyễn Trí Bình (Đội Bình) nói cảm ơn mấy người Tây đến đây xem tôi chết. Chết như thế này là cái chết nhẹ nhàng. Còn Đặng Đình Nhân dõng dạc ta không làm loạn mà chỉ trung với nước, rồi nhắn vợ ghi ba chữ "Phó đề đốc" trên linh bài của mình".

Sau đó, thủ cấp của ba vị anh hùng bị Pháp cho bỏ vào rọ tre, treo ở các cửa ô đông đúc của Hà Nội để thị uy dân chúng. Đến đêm, thủ cấp bêu ở ngã tư Trung Hiền - chợ Mơ, quê của Đội Nhân thì dân chúng bí mật cướp lại và đem đi an táng. Riêng phần đầu của anh hùng Đặng Đình Nhân sau ba lần chuyển dời, hiện đang yên nghỉ ở nghĩa trang Thanh Tước (Mê Linh, Hà Nội).

Nhắc nhớ sự kiện lịch sử bi tráng này, ông Đặng An Ninh (con của ông Đặng Đình Giao, người em út trong gia đình có ba anh em trai mà ông Đặng Đình Nhân là anh cả) đã truyền lời kể của cha mình rằng: ông bà có nghề bốc thuốc nên gia đình tương đối khá giả, đã cho ông Nhân qua Pháp du học. Ông đã lên chức đội trong cơ pháo thủ, nhưng ngày càng bất mãn với đội quân xâm lược đang đô hộ dân tộc mình. Trong vụ "Hà thành đầu độc", ông đã tham gia với nhóm "nội công" trong thành mà hầu hết đều đi lính cho Pháp, bỏ cà độc dược vào thức ăn để đầu độc quân Pháp. Tuy nhiên, chí lớn bất thành, chất độc của loại cà này chỉ làm quân Pháp bất tỉnh chứ không chết.

Trong nhiều người bị Pháp xử chém sau đó, Đặng Đình Nhân, Nguyễn Trí Bình, Dương Bê phải lên đoạn đầu đài ngay đợt đầu. Chủ ý của người Pháp muốn răn đe những người Việt đi lính cho mình nhưng lòng lại có chí hướng yêu nước. Hành vi man rợ cho bêu thủ cấp những vị anh hùng này là vì mục đích đó.

Ông Đặng An Ninh kể sau khi ông Nhân bị chém, hai người em trai cũng phải lưu lạc qua Campuchia, Lào, rồi sang tận Anh để lánh nạn. Riêng người vợ ông Nhân khi ấy đang mang thai con gái đầu lòng phải trốn về quê, rồi cũng sớm mất vì thương chồng. Bà để lại con gái Đặng Đình Đức là hậu duệ duy nhất của người anh hùng Đặng Đình Nhân. Sau này, bà Đức làm nghề bốc thuốc nổi tiếng ở ngõ 105 Bạch Mai, nhưng không lập gia đình cho đến khi qua đời...

Nhắc lại những tên phố bi tráng, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến tâm sự: "Người Pháp ngày ấy rất ít khi xử bắn mà họ xử chém rồi bêu đầu. Mục đích là để dọa, làm nhụt chí những người dám chống lại họ". Sau khi bêu đầu Đội Nhân, Đội Bình, Đội Cốc (Dương Bê), các hãng bưu ảnh thời bấy giờ đua nhau phát hành những tấm bưu ảnh man rợ. Đó là những bưu ảnh thủ cấp ba vị anh hùng. Thủ cấp đựng trong giỏ tre, tóc búi ngược. Người vẫn mím môi căm giận, người mở mắt bình thản, hiên ngang. Nét mặt ai cũng can trường, bất khuất.

Trong vụ "Hà thành đầu độc", sau Đội Nhân, Đội Bình, Đội Cốc, chín người nữa bị chém, thi thể bị vùi chung ngay ở vườn Bàng. Sau này, Pháp lấy đất vườn Bàng xây xưởng nhuộm, ngôi mộ tập thể được dời về một khu vườn gần đó. Hơn một thế kỷ trôi qua, nấm mồ vẫn được người dân hương khói tưởng nhớ.

******

Sài Gòn - Thủ Đức có những con đường mang tên khơi gợi tình yêu thương đã đi vào lòng người như Xuân Quỳnh, Thanh Nga...

>> Kỳ tới: Những con đường gợi yêu thương

Chuyện chưa kể những tên đường nước Việt - Kỳ 5: Xao xuyến lòng với ngõ Tạm Thương Chuyện chưa kể những tên đường nước Việt - Kỳ 5: Xao xuyến lòng với ngõ Tạm Thương

TTO - Hà Nội với những tên ngõ, tên phố đã đi vào thơ ca, một trong những con ngõ nổi tiếng của Hà Nội: Ngõ Tạm Thương, mà "thương một đời, đâu phải tạm thương".

QUỐC VIỆT - VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên