20/10/2021 19:06 GMT+7

Chuyên gia: ‘Quy hoạch đô thị vẫn còn quá lãng mạn, thích là điều chỉnh’

QUANG THẾ
QUANG THẾ

TTO - Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về câu chuyện ‘điều chỉnh quy hoạch ở các khu đô thị còn tùy tiện, chuyên gia cho rằng dù phải đi trước một bước tuy nhiên ‘quy hoạch đô thị ở các thành phố lớn hiện nay vẫn còn quá lãng mạn’.

Chuyên gia: ‘Quy hoạch đô thị vẫn còn quá lãng mạn, thích là điều chỉnh’ - Ảnh 1.

Theo Thanh tra Chính phủ, khu "đất vàng" được quy hoạch làm bãi đỗ xe ở khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã xây chung cư bán - Ảnh: Q.THẾ

Trước đó ngày 12-10, Chính phủ có báo cáo số 398 gửi Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 134 về giám sát chuyên đề của Quốc hội khóa XIV. Trong phần báo cáo lĩnh vực xây dựng, Chính phủ cho biết hiện nay việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch tại các khu đô thị còn tùy tiện.

Quy hoạch 'quá lãng mạn" dẫn đến phải liên tục điều chỉnh cục bộ?

"Ở một số địa phương, việc điều chỉnh cục bộ không được nghiên cứu đồng bộ dẫn đến quy hoạch phân khu bị phá vỡ. Các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị không đảm bảo, đặc biệt là khu vực đô thị trung tâm", nội dung báo cáo số 398.

Ngày 20-10, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam - cho biết hiện nay ở các thành phố lớn, đặc biệt là khu đô thị đã đi vào hoạt động được vài năm đang có hiện tượng điều chỉnh cục bộ, làm tăng sức ép đô thị, lấn át cả diện tích hạ tầng kỹ thuật, cây xanh mà quy hoạch chung đã phê duyệt trước đó.

Ông Tùng cho biết nội dung báo cáo số 398 rất sát bởi Luật Quy hoạch năm 2017 cũng đã quy định rất chặt chẽ. Khi lập quy hoạch phải có tầm nhìn, dựa trên cơ sở dữ liệu khoa học, thực tế… để đánh giá, tuy nhiên ‘quy hoạch đô thị ở các thành phố lớn hiện nay vẫn còn quá lãng mạn’ chưa sát với thực tế phát triển đô thị nên cứ được vài năm thì phải điều chỉnh, bất ổn.

Chuyên gia: ‘Quy hoạch đô thị vẫn còn quá lãng mạn, thích là điều chỉnh’ - Ảnh 2.

Một lô "đất vàng" khác cũng ở khu đô thị Nam Trung Yên để hoang hơn 10 năm sau khi được điều chỉnh quy hoạch có thêm "đơn vị ở" - Ảnh: Q.THẾ

Theo ông Tùng, phần lớn điều chỉnh quy hoạch cục bộ tại các khu đô thị hiện nay đều lấy lý do là phát triển kinh tế. Các địa phương tự triển khai nhưng khi thực hiện lại không được giám sát vì không nằm trong quy hoạch chung trước đó.

"Đa phần điều chỉnh cục bộ đã cho xây thêm cao ốc, chung cư, tăng mật độ dân số, thu hẹp không gian công cộng, diện tích cây xanh. Việc này đã hút dân số vào nội đô, gây áp lực lên hạ tầng, vỡ kế hoạch giãn dân mà các thành phố như Hà Nội, TP.HCM đang hướng tới cả chục năm qua", ông Tùng nhấn mạnh.

Để bịt lỗ hổng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, theo ông Tùng cần phải tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm theo Luật Quy hoạch đô thị năm 2020. Đồng thời khi phê duyệt quy hoạch tại các địa phương cần sát hơn với thực tế, quá trình phát triển đô thị để tránh tình trạng "thích là điều chỉnh".

"Cần sớm thực hiện đồng bộ quy hoạch tích hợp"

Đồng quan điểm với ông Tùng, tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm - phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - cho biết hiện nay Luật Quy hoạch đô thị năm 2020 vẫn cho phép điều chỉnh quy hoạch định kỳ (5 năm kể từ ngày được phê duyệt) hoặc điều chỉnh chi tiết, cục bộ từng khu vực (3 năm kể từ ngày được phê duyệt).

"Điều chỉnh cục bộ thì phân cấp cho chính quyền cấp tỉnh với những yêu cầu rất rõ ràng, tuy nhiên khi thực hiện thì lại không ai giám sát, dẫn đến khung pháp lý rất chặt nhưng thực tiễn ở các địa phương thì lại thực hiện có phần không quyết liệt, thiếu giám sát khiến quy hoạch phân khu bị phá vỡ", ông Nghiêm nói.

Để tránh những việc đã rồi, khó khắc phục do điều chỉnh cục bộ, theo ông Nghiêm, các địa phương cần sớm đẩy nhanh thực hiện đồng bộ quy hoạch chung tích hợp nhiều lĩnh vực từ đô thị, xây dựng đến giao thông… Bởi nếu chỉ quy hoạch từng lĩnh vực như trước đây thì sẽ bị chồng chéo, không thể khớp nối, vừa quy hoạch xong cũng sẽ bộc lộ khuyết điểm.

Theo kết luận được Thanh tra Chính phủ công bố ngày 23-7 về chuyển đổi "đất vàng" thuộc quản lý của cơ quan nhà nước sang mục đích khác tại Hà Nội thì nhiều lô đất đắc địa nằm trong khu đô thị dù đã được quy hoạch chức năng bãi đỗ xe, chợ, phòng khám y tế… cũng đã bị "phù phép" để "nhồi" thêm chung cư, gây bức xúc cho cư dân.

Quy hoạch đô thị sông Hồng, hướng thành phố quay mặt vào sông Quy hoạch đô thị sông Hồng, hướng thành phố quay mặt vào sông

TTO - Đến nay, đồ án quy hoạch sông Hồng đã cơ bản hoàn thiện, đang xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, sau đó xin ý kiến Bộ Xây dựng trước khi trình UBND TP. Hà Nội.

QUANG THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên