06/07/2006 17:11 GMT+7

Chuyện về cặp song sinh Việt - Đức: Tình yêu xoa dịu nỗi đau

Theo Người Lao Động
Theo Người Lao Động

Cho đến bây giờ, khi đã sắp về sống chung với Đức dưới một mái nhà, Tuyền vẫn còn nhớ rõ cái cảm giác bất ngờ và thú vị khi lần đầu tiên gặp anh.

Ob9d1EoU.jpgPhóng to
Bà Lâm Thị Quế (mẹ ruột của Đức- bìa phải) và bác sĩ Nguyễn Thị Phương Tần, Giám đốc Làng Hòa Bình, chọn nhẫn cho Đức và Tuyền

Đó là một ngày giữa tháng 4-2004, tại đám cưới của một người bạn chung của Đức và Tuyền. Cô đã không giấu được sự ngạc nhiên vì đã nghe về Việt - Đức từ lâu nhưng không bao giờ nghĩ rằng mình có thể gặp được một người trong số họ giữa cuộc sống đời thường.

Ấn tượng về chàng cầu thủ chơi bóng bằng nạng

Nhìn Đức đến dự đám cưới bạn trên đôi nạng với những cử chỉ nhanh nhẹn và tự tin, Tuyền bắt đầu ngưỡng mộ người bạn mới này. Và sự mến phục càng tăng thêm khi nói chuyện với Đức. Tuyền không nhận thấy có sự mặc cảm hay thái độ oán hận cuộc đời ở Đức. Đến khi tiệc tan, cô càng ngạc nhiên hơn khi thấy Đức có thể tự lái chiếc xe Charly. Tuyền cũng không ngờ rằng sau đó không lâu cô được Đức chở đi chơi bằng chiếc xe này. Và nhân duyên của họ đã được ươm mầm một cách tự nhiên như thế.

Rồi dần dần, Tuyền có mặt nhiều hơn trong đời sống của Đức. Đó là những chuyến tham gia công tác từ thiện do Hội Chữ thập đỏ tổ chức. Được đi với Đức đến những vùng sâu, vùng xa trong những đợt khám chữa bệnh cho người nghèo, thăm những trại trẻ mồ côi, những trường dạy trẻ khuyết tật... Tuyền càng hiểu hơn về đời sống của những người có hoàn cảnh như Đức.

Cũng nhiều lần Tuyền tự hỏi: “Có điều gì mà một người bình thường làm được nhưng Đức không làm được?”. Rồi đến lúc thấy Đức chơi bóng đá bằng đôi nạng với những người bạn bình thường, thậm chí Đức cũng bị chơi xấu, bị té ngã nhưng lại đứng lên và chơi tiếp, cô đã tự trả lời câu hỏi của mình rằng bất kỳ điều gì Đức cũng có thể làm được như một người lành lặn.

Sau trận đấu, Tuyền còn được biết chính Đức đã dặn các bạn mình hãy cứ chơi và tranh chấp bóng một cách thật lòng chứ đừng nhường Đức. Chính những suy nghĩ, cách sống và quan niệm về cuộc đời của Đức đã khiến cô quyết định đi bên cạnh người đàn ông này cho đến hết cuộc đời.

Vượt qua rào cản gia đình

Muốn mở trung tâm tin học cho người khuyết tật

Sau khi tốt nghiệp cấp 3 ở Trường THPT Marie Curie TP.HCM, Đức chọn cho mình một lớp tin học tại Trung tâm Dạy nghề quận 10, theo đúng sở thích.

Sau khi tốt nghiệp ở Trung tâm Dạy nghề quận 10, Đức được Hội “Vì sự phát triển của Việt - Đức” đưa sang Nhật bổ túc thêm kiến thức về lĩnh vực công nghệ thông tin.

Qua một thời gian tiếp xúc với tin học, Đức nhận ra rằng đây là ngành có thể đem lại việc làm phù hợp cho người khuyết tật vì họ không có đầy đủ sức khỏe để làm những công việc nặng nhọc khác.

Và từ đó, ước mơ về một trung tâm tin học cho người khuyết tật hình thành. Đức mong muốn có thể giúp các em có hoàn cảnh giống mình có thể kiếm được việc làm để tự lập.

Tuy nhiên, về dự định cho một trung tâm tin học dành cho người khuyết tật, Đức cho biết đây chỉ là ước mơ vì chi phí về máy móc và trang thiết bị quá lớn.

Hiện nay, Đức cũng bắt đầu hướng dẫn các em tại Làng Hòa Bình làm quen và sử dụng máy vi tính.

Khi giới thiệu Đức với mẹ và mọi người trong gia đình, Tuyền đã gặp sự phản đối. Gia đình Tuyền sống ở quận 11 - TP.HCM. Ba Tuyền mất từ khi cô còn rất nhỏ và mẹ Tuyền ở vậy một mình nuôi 5 anh chị em cô bằng công việc buôn bán ở chợ Lãnh Binh Thăng. Mặc dù mọi người trong nhà rất quý Đức nhưng ai cũng sợ Tuyền khổ nên đã khuyên nhủ Tuyền không nên tiếp tục. Cũng có lúc cô muốn buông xuôi.

Tuyền không muốn mẹ và các anh em vì mình mà phiền lòng. Cô cũng có những phút đắn đo “liệu Đức có là chỗ dựa vững vàng cho cuộc đời mình”, “liệu mình có thể chia sẻ hết với anh Đức những khó khăn của một người khuyết tật?”. Nhưng rồi nghĩ đến tình cảm chân thành và sự quan tâm của Đức, cô lại đấu tranh với gia đình, có cả năn nỉ, khóc lóc, tâm sự và cả hứa với gia đình sẽ có cuộc sống tốt bên cạnh Đức.

Qua những lần phụ mẹ bán rau, Tuyền kể cho mẹ cô nghe về Đức, về những việc Đức làm, về những điều Đức nghĩ. Bên cạnh đó, cách cư xử hòa đồng, nhiệt tình và sự nỗ lực vượt khó của Đức đã thuyết phục mẹ Tuyền.

Đức cũng được gia đình Tuyền quý mến vì luôn biết lo lắng và quan tâm đến người khác. Khi thì Đức giúp anh Tuyền sửa bóng đèn, khi thì Đức phụ cô em gái Tuyền làm bếp, cũng có lúc đi mua giúp mẹ Tuyền vài món đồ dùng. Dần dần, Đức trở nên quen thuộc và gần gũi với gia đình Tuyền như một thành viên không thể thiếu.

Và đến lúc này, sau 2 năm quen nhau, họ quyết định chuyện cưới xin. Hiện nay, Tuyền đang theo học khóa làm móng tay ở Nhà Văn hóa Phụ nữ với mong muốn sau khi lập gia đình sẽ có việc làm góp thêm thu nhập với Đức.

Niềm vui của người phụ nữ bất hạnh

Vui với niềm vui của Đức trong những ngày này còn có mẹ ruột và chị của Đức. Từ năm 1988, sau ca mổ, Việt - Đức được đưa vào chăm sóc ở Làng Hòa Bình thì mẹ và chị Đức cũng vào đây để gia đình sum họp. Họ được sắp xếp làm công việc lao công và đưa đón các em bé khuyết tật đến trường.

Bà Lâm Thị Quế, mẹ của Đức, có 3 người con, trong đó chỉ duy có chị Đức là lành lặn bình thường. Còn ba Đức đã có cuộc sống riêng từ khi anh em Việt - Đức chào đời. Nhìn Đức lớn lên, khỏe mạnh, rồi có lúc đưa bạn gái về giới thiệu ở Làng Hòa Bình, mẹ của Đức bắt đầu mơ ước về một mái ấm cho con trai mình. Tất cả hy vọng bà đều đặt vào Đức, bà cũng mong muốn được có cháu nội vì Việt đã không thể có cuộc sống của một người bình thường.

Tuy nhiên, cũng như mẹ của Tuyền, mẹ Đức cũng rất lo lắng sợ con dâu quá cực do chăm sóc Đức, rồi bất đồng sẽ nảy sinh. Bà cho biết: “Có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ đến ngày mình sẽ có con dâu”. Có lẽ hạnh phúc của Đức cũng góp phần làm dịu đi nỗi đau trong lòng người phụ nữ bất hạnh này.

Cuộc đời người anh song sinh

ySaiay1X.jpgPhóng to
Nguyễn Việt, anh của Nguyễn Đức
Mỗi ngày, Đức, mẹ và chị đều đến phòng chăm sóc đặc biệt để thăm anh Việt. Tất cả những phần dính chung như đại trực tràng, hậu môn, chân... Việt đã nhường cho Đức hết. Vì trên người Việt có nhiều mảnh ghép nhân tạo nên rất dễ bị nhiễm trùng.

Chị Trương Thị Ten, nữ hộ sinh chăm sóc Việt, cho biết Việt sống đời sống thực vật và rất dễ bị cảm sốt, viêm hô hấp. Thỉnh thoảng, Việt có cười hoặc u ơ vài tiếng nhưng có lẽ anh không biết rằng người em song sinh của mình đang chuẩn bị cho ngày vui nhất của cuộc đời.

Theo Người Lao Động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên