21/08/2020 16:03 GMT+7

Có một Cách mạng tháng Tám rất khác trong ‘Quê nội’ của Võ Quảng

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Đó là một cuộc Cách mạng tháng Tám không ào ào thác lũ bẻ gẫy xiềng xích nô lệ, phá kho thóc như thường thấy, mà là một cuộc cách mạng lặng lẽ từ những biến chuyển ở một làng quê xứ Quảng.

Có một Cách mạng tháng Tám rất khác trong ‘Quê nội’ của Võ Quảng - Ảnh 1.

Trong Quê nội của Võ Quảng có một cuộc Cách mạng tháng Tám không cuồn cuộn triều dâng mà lặng lẽ hơn nhưng biến chuyển sâu sắc ở một làng quê - Ảnh: T.ĐIỂU

Một loạt sách gồm 5 quyển vừa ra mắt bạn đọc cả nước nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Quảng (1920-2020). Trong đó có cuốn Quê nội tập hợp hai tập sách in rời trước đây là Quê nội Tảng sáng.

Cách mạng tháng Tám qua những tiếng gà gáy

Quê nội dựng lại cảnh sắc, sinh hoạt một vùng quê có tên Hòa Phước, cũng chính là quê hương tác giả Võ Quảng. Theo giáo sư Phong Lê, đó là bộ sách viết về một thế hệ trẻ thơ có thêm một ngày khai sinh nữa là Cách mạng tháng Tám.

Giáo sư Phong Lê cho rằng trong vườn văn học viết cho thiếu nhi Việt Nam từ sau 1945, ông chưa thấy có ai, cuốn sách nào viết hay và sinh động, tha thiết đến thế về cuộc đổi đời vĩ đại diễn ra vào tháng Tám 1945 của dân tộc Việt Nam như trong bộ sách 2 tập Quê nộiTảng sáng của Võ Quảng.

Còn nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi Lê Phương Liên thì nhận định tác phẩm Quê nội là tác phẩm xuất sắc viết về Cách mạng tháng Tám dành cho thiếu nhi, một cuốn sách cho độc giả thấy một cuộc Cách mạng tháng Tám rất khác với những gì mọi người vẫn được nghe. Đó là những biến chuyển lặng lẽ hơn từ bên trong các làng quê nhưng không mấy người nói tới.

Có một Cách mạng tháng Tám rất khác trong ‘Quê nội’ của Võ Quảng - Ảnh 2.

Ông Châu Tấn - trưởng nam của nhà văn Võ Quảng - ký tặng sách Võ Quảng - một đời thơ văn do ông biên soạn, vừa được phát hành nhân 100 năm sinh Võ Quảng - Ảnh: T.ĐIỂU

Nói thêm về điểm đặc biệt này trong cách kể chuyện về Cách mạng tháng Tám của Võ Quảng với Tuổi Trẻ Online, trưởng nam của nhà văn - ông Võ Châu Tấn - chia sẻ, vì đây là câu chuyện dành cho trẻ em nên Võ Quảng không chọn cách kể thường thấy về cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc.

"Võ Quảng chọn cách nhìn thẳng vào sự thật là tất cả mọi người đều hết sức bỡ ngỡ khi Cách mạng tháng Tám nổ ra bởi từ thân phận nô lệ bất ngờ chuyển sang làm chủ, và ông kể về sự ngỡ ngàng ấy bằng việc mô tả những con gà gáy buổi sáng theo những cách khác nhau", ông Võ Châu Tấn nói.

Nhờ thế, các em được biết về cách mạng tháng Tám thông qua cảm nghĩ và sự thay đổi số phận của những người thuộc đủ thành phần xã hội trong làng như ông thầy bói, ông già để búi tó, ông bán thịt chó...

Có một Cách mạng tháng Tám rất khác trong ‘Quê nội’ của Võ Quảng - Ảnh 3.

Cuốn Quê nội của Võ Quảng từng được phát hành tại Liên Xô (cũ) năm 1978 - Ảnh: T.ĐIỂU

Đổi xuất du học Pháp lấy… 3 thùng sách

Trong câu chuyện miên man về người cha mà "trái tim dâng hiến cho trẻ em", ông Võ Châu Tấn đặc biệt tự hào khi kể về chuyện cha mình đã từng từ chối chuyến du học Pháp để đổi lấy 3 thùng sách từ Pháp, học hỏi văn hóa của người Pháp và ở lại giải phóng quê hương mình.

Chuyện rằng, khi còn là học sinh trường Quốc học Huế, ông đã hoạt động cách mạng năng nổ và bị mật thám Pháp đưa đi biệt giam. Sau xét xử, ông bị đưa về quản thúc tại quê nhà.

Cha ông lúc này mới hiểu rõ ý chí cách mạng muốn góp sức giải phóng dân tộc của con trai nên dành riêng một chái nhà cho con đọc sách trong thời gian bị quản thúc.

Lúc đó, Võ Quảng có vợ chồng chị gái là chủ xưởng cưa rất giàu có. Chị gái và anh rể thương em thông minh tài giỏi mà nay phải chịu cảnh quản thúc, không có tương lai, ông bà đã tìm cách đưa Võ Quảng sang Pháp du học.

Có một Cách mạng tháng Tám rất khác trong ‘Quê nội’ của Võ Quảng - Ảnh 4.

Một số đầu sách của Võ Quảng phát hành mấy chục năm trước mà gia đình còn giữ được - Ảnh: T.ĐIỂU

Vé tàu đã mua, không ngờ là người em trai bướng bỉnh lại từ chối một viễn cảnh xán lạn ở xứ sở văn minh mà anh chị sắp đặt sẵn cho mình.

"Nếu anh chị thực lòng thương em và muốn làm điều tốt đẹp cho em thì cho em đổi suất đi Pháp ấy là những cuốn sách", Võ Quảng khẩn khoản xin anh chị. Cuối cùng anh chị cũng đành bị khuất phục trước ý chí muốn ở lại quê nhà giúp dân giúp nước của em trai mình.

3 thùng sách lớn gồm những cuốn sách về văn học, triết học và luật học được mua từ Paris theo danh sách mà Võ Quảng đưa ra rồi gửi tàu biển về làng Hòa Phước cho Võ Quảng.

Năm 1944, thấy phong trào cách mạng lên cao, không thể tiếp tục chịu cảnh bị quản thúc, chàng thanh niên Võ Quảng đã liều lĩnh bỏ trốn ra Quảng Trị tham gia hoạt động Việt Minh, đến ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám thì ông tham gia lãnh đạo giành chính quyền ở Huế.

Người chiến sĩ cách mạng từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền cách mạng đã phải đợi tới sau khi đất nước hòa bình, tập kết ra Bắc (đầu năm 1955), thì ông mới bắt đầu niềm đam mê sáng tác văn học thiếu nhi của mình và từ đấy tận hiến hơn 40 năm còn lại của đời mình cho việc nuôi dưỡng tâm hồn các thế hệ thiếu niên, nhi đồng qua những trang viết đẹp.

Ra mắt 5 tập sách của nhà văn Võ Quảng: Người dành trọn tâm huyết cho thiếu nhi Ra mắt 5 tập sách của nhà văn Võ Quảng: Người dành trọn tâm huyết cho thiếu nhi

TTO - Một loạt sách gồm 5 quyển vừa ra mắt bạn đọc cả nước nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Quảng (1920-2020).

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên