31/12/2018 06:40 GMT+7

Có nên còng tay du khách bỏ trốn?

B.AN - VĨNH LINH
B.AN - VĨNH LINH

TTO - Việc họ ra khỏi nơi dự kiến cư trú ban đầu, không theo lộ trình của tour có thể có lý do nào đó, không thể khẳng định họ bỏ trốn vì visa đang trong thời gian có hiệu lực. Tại sao còng tay họ?


Có nên còng tay du khách bỏ trốn? - Ảnh 1.

Một du khách Việt Nam bị còng tay đưa đi khi đang ở cùng bạn bè - Ảnh: Apple Daily

Liên quan đến vụ 152 khách Việt "mất tích" ở Đài Loan, theo nhận định ban đầu thì đây là hành vi lợi dụng chính sách visa cởi mở để đưa người ở lại lao động bất hợp pháp. Hành động này không những vi phạm chính sách pháp luật của các nước sở tại mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Theo thạc sĩ luật Phạm Văn Chung, việc nhà chức trách Đài Loan (Trung Quốc) còng tay, áp giải như tội phạm sau khi bắt giữ được một số người tình nghi bỏ trốn đã để lại hình ảnh không mấy tốt đẹp về cách hành xử của vùng lãnh thổ này. Cách hành xử như vậy là không cần thiết, không có tính nhân văn, nhân đạo đối với người nước ngoài phạm tội ít nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trên thế giới.

Thạc sĩ luật Phạm Văn Chung cho biết: "Những người là du khách người nước ngoài, đến Đài Loan theo visa hợp pháp. Việc họ ra khỏi nơi dự kiến cư trú ban đầu, không theo lộ trình của tour ban đầu có thể vì lý do nào đó không thể khẳng định họ bỏ trốn, vì visa đang trong thời gian có hiệu lực. Do đó, họ có thể tự do di chuyển trong vùng lãnh thổ Đài Loan chỉ trừ những khu vực có biển cấm. 

Ngoài ra, đối với người nước ngoài đang ở dạng tình nghi phạm những tội không nghiêm trọng theo pháp luật Việt Nam, nhất là chưa bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì đều được đối xử rất nhân đạo, nhân văn. Hầu như những người bị bắt ở dạng tình nghi chưa bị truy tố ít khi bị còng tay, áp giải, nhất là phụ nữ".

Trong khi đó, đầu tháng 11, báo chí Đài Loan cho biết cơ quan lập pháp của vùng lãnh thổ này đang xem xét dự thảo sửa đổi quy định liên quan tới việc sử dụng "giới cụ", tức các công cụ đề phòng để ngăn chặn hành vi tội phạm như còng tay, gông, cùm... 

Theo đó, dự thảo sửa chữa và bổ sung khoản 1 điều 89 của luật tố tụng hình sự Đài Loan nêu rõ nhân viên thực thi pháp luật "được sử dụng" các công cụ đề phòng như còng tay khi thực hiện nhiệm vụ bắt giữ hoặc áp giải bị cáo.

Tuy nhiên, "nếu bị cáo hoặc người nghi ngờ phạm tội cho thấy biểu hiện không bỏ trốn, tự sát, bạo hành" thì "không được sử dụng giới cụ", tờ Apple Daily dẫn lại nội dung được đề xuất. Sửa đổi này được cho sẽ giúp bảo vệ những quyền con người cơ bản của người bị bắt giữ. Điều 89 chưa sửa đổi vốn cũng đã quy định rằng trong trường hợp tiến hành tạm giam hoặc bắt giữ, các nhân viên thực thi pháp luật "nên chú ý thân thể và danh dự của bị cáo".

B.AN - VĨNH LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên