19/07/2011 08:01 GMT+7

Cơ quan nhà nước cũng phải có trách nhiệm

Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG
Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG

TT - Tuổi Trẻ ngày 12-7-2011 có đăng bài “Di tích Nhà trăm cột hai lần mất đất” viết về chuyện di tích bị lấn đất và chủ của nó đang phải ngược xuôi khiếu nại một mình mà không nhận được hỗ trợ của các cơ quan nhà nước. Xin giới thiệu bài viết của luật sư Huỳnh Văn Nông về quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với di tích.

Một di sản văn hóa trước hết là một tài sản, do vậy tổ chức, cá nhân sở hữu di sản văn hóa sẽ có các quyền của người chủ sở hữu như đối với tài sản thông thường, bao gồm quyền chiếm đoạt, sử dụng và định đoạt tài sản.

Theo khoản 1 điều 14 Luật di sản văn hóa, Nhà nước công nhận sở hữu tư nhân đối với di sản văn hóa. Đối với di sản văn hóa là di tích thì phạm vi được bảo vệ bao gồm phần diện tích công trình và cả phần đất bao quanh, tiếp giáp với công trình. Do đó, việc hộ bà Sấm đào ao lấn sang phần đất bao quanh khu di tích là hành vi xâm phạm, lấn chiếm khu di tích và xâm hại đến quyền sở hữu của hộ bà Ngỏ.

Như vậy để bảo vệ di tích Nhà trăm cột, về phía bà Ngỏ, với tư cách là chủ sở hữu, bà có quyền tự mình yêu cầu buộc hộ bà Sấm chấm dứt hành vi xâm phạm sang đất của mình. Ngoài ra theo điều 136 Luật đất đai, bà Ngỏ có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện Cần Đước để được giải quyết nếu trước đó đã khiếu nại tại UBND cấp xã nhưng khiếu nại không được giải quyết hoặc không giải quyết được.

Theo điều 9 Luật di sản văn hóa, Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu di sản văn hóa. Trong vụ việc Nhà trăm cột, các cơ quan chức năng ở địa phương hoàn toàn có căn cứ và thẩm quyền để can thiệp và giải quyết. Trước hết, đây là một di tích văn hóa nên hành vi xâm phạm của hộ bà Sấm có thể bị áp dụng biện pháp hành chính. Theo khoản 4 và 5 nghị định 75/2010/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân có làm hư hại hoặc lấn chiếm di tích lịch sử - văn hóa thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt từ 10-30 triệu đồng và có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục trạng thái ban đầu của di sản hoặc bị thu hồi phần đất lấn chiếm.

Về phía UBND xã Long Hựu Đông, lẽ ra cơ quan này phải mời các hộ đến để hòa giải. Trường hợp không thể hòa giải được thì UBND cấp xã có thể hướng dẫn hộ bà Ngỏ khởi kiện tại tòa án theo pháp luật về đất đai. Việc này không chỉ nhằm bảo vệ quyền tài sản của hộ bà Ngỏ, mà quan trọng hơn là để bảo vệ quần thể di tích văn hóa đặc sắc của địa phương. Trong vụ việc này, mặc dù đã có văn bản của Sở VH-TT&DL tỉnh Long An về tình trạng di sản bị xâm hại, song các cơ quan chức năng vẫn bàng quan, cho thấy công tác bảo vệ di sản tại địa phương chưa được quan tâm đúng mức, dù đây là một di sản văn hóa cấp quốc gia và là một điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh.

Mong rằng các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để kịp thời ngăn chặn thiệt hại cho khu di tích, thực hiện đúng vai trò của Nhà nước trong việc bảo vệ các di sản văn hóa.

Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên