04/12/2019 09:20 GMT+7

'Có vấn đề' sao tồn tại lâu vậy?

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TTO - Công cuộc phát hiện, xử lý 'quét sạch' vi phạm xây dựng, đất đai không thể chỉ dựa hay chạy theo thông tin phản ánh từ báo chí, người dân. Bởi lúc đó mọi thứ đã 'bung bét', có chấn chỉnh thì hậu quả đã rất lớn cho Nhà nước và người dân.

Không thể phủ nhận sự nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng của các cơ quan quản lý sau khi nhận thông tin phản ánh. Nhưng phải thấy rằng những vụ việc xử lý đều từ phản ánh của báo chí và người dân, ít vụ việc được phát hiện, xử lý xuất phát từ sự chủ động thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý địa phương.

Những vụ việc điển hình như các vụ phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức (TP.HCM) xây dựng không phép, vụ "hô biến" 454 giấy phép xây dựng thành hơn 2.200 căn nhà nhỏ ở xã Bình Mỹ (Củ Chi), hay vụ thi hành kỷ luật 30 trường hợp tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm về đất đai ở huyện Bình Chánh đều do báo chí "phanh phui", người dân tố cáo.

Sau hàng loạt vụ việc vi phạm, sai phạm về đất đai, xây dựng hoặc những vụ việc có dấu hiệu lừa đảo như Công ty địa ốc Alibaba, nhiều người đặt dấu hỏi lớn về trách nhiệm của các cơ quan quản lý; cơ quan thanh tra, kiểm tra địa phương.

Họ ở đâu trong việc để xảy ra những vụ việc vi phạm nghiêm trọng, kéo dài như vậy? Tại sao phải khi báo chí, người dân tố cáo thì các cơ quan thanh tra, kiểm tra mới vào cuộc xử lý mà không phải sớm hơn, đi trước báo chí và người dân?

Trong buổi tiếp xúc với cử tri TP Long Khánh (Đồng Nai), Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng nhận định: "Nơi nào xảy ra xây dựng trái phép, cán bộ nơi đó có vấn đề". Vậy tại sao tình trạng "có vấn đề" đó vẫn tồn tại lâu nay, sai phạm vẫn diễn ra tràn lan?

Rõ ràng thực trạng vi phạm xây dựng, quản lý đất đai xảy ra tại nhiều tỉnh thành cho thấy việc quản lý, thanh tra, kiểm tra lĩnh vực đất đai, xây dựng đang có nhiều "vấn đề". Không loại trừ trong đó có sự tiếp tay, bao che, móc nối của cán bộ, công chức cho việc vi phạm.

Những vụ việc được mạnh tay xử lý vừa qua tại TP.HCM và một số tỉnh thành cho thấy nếu làm quyết liệt, công tâm, đội ngũ quản lý, thanh tra, ủy ban kiểm tra của địa phương đủ năng lực phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời những vi phạm, sai phạm về quy hoạch, xây dựng, đất đai.

Vấn đề là cơ quan quản lý địa phương có chủ động vào cuộc hay không, chứ không phải là năng lực quản lý, chuyên môn không đủ để làm.

Nhiều vụ việc vi phạm không được các cơ quan quản lý chủ động vào cuộc xử lý, hoặc vào cuộc nhưng xử lý không quyết liệt đã để lại hậu quả nghiêm trọng. Khi các cơ quan trung ương vào cuộc thanh tra, điều tra, nhiều cán bộ, công chức bị khởi tố. Nhà nước gánh khoản lớn tiền thất thoát, lãng phí, mà nhiều địa phương còn "ôm" tâm trạng nặng nề vì mất cán bộ.

Bởi vậy, công cuộc phát hiện, xử lý "quét sạch" vi phạm xây dựng, đất đai không thể chỉ dựa vào hay chạy theo thông tin phản ánh từ báo chí, người dân.

Chính các cơ quan quản lý địa phương phải chủ động phát hiện, vào cuộc xử lý. Hàng loạt vấn đề "nóng" từ cấp phép xây dựng, chuyển mục đích sử dụng đất đến quản lý đất sau cổ phần hóa, điều chỉnh quy hoạch cục bộ, phân lô bán nền... vẫn đang cần sự chủ động vào cuộc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan này.

Đừng để khi dân hay báo chí phản ánh thì tình trạng đã "bung bét" hết rồi, lúc đó có chấn chỉnh thì hậu quả đã rất lớn cho Nhà nước và người dân.

Ông Võ Văn Thưởng: Ông Võ Văn Thưởng: 'Nơi nào xảy ra xây dựng trái phép, cán bộ nơi đó có vấn đề'

TTO - Đó là nhận định của ông Võ Văn Thưởng - ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai - tại buổi tiếp xúc với cử tri TP Long Khánh (Đồng Nai) ngày 29-11.

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên