12/10/2019 12:58 GMT+7

'Cởi trói' cho doanh nghiệp xã hội

NGỌC AN - NGỌC HIỂN
NGỌC AN - NGỌC HIỂN

TTO - Nhiều doanh nghiệp xã hội đang âm thầm đóng góp không chỉ ở ngành dệt may, du lịch mà còn ở nhiều mảng sản xuất, dịch vụ. Họ mong bớt bị vướng bởi thủ tục để hoạt động hiệu quả hơn.

Cởi trói cho doanh nghiệp xã hội - Ảnh 1.

Các học viên của KOTO trong một buổi thực tập nấu ăn - Ảnh: K.T.

Doanh nghiệp xã hội (DNXH) hầu hết quy mô chưa lớn, nhưng thúc đẩy phát triển loại hình này, xã hội sẽ được lợi ích kép không chỉ tính toán được bằng tiền.

Thay đổi số phận nhiều người

Nằm giữa trung tâm quận 1 (TP.HCM), nhà hàng KOTO trở thành địa chỉ quen thuộc với những người muốn theo học các lớp đào tạo nghiệp vụ nhà hàng miễn phí. Cùng với nhà hàng tại Hà Nội, "lò" đào tạo này đã giúp gần 1.000 học viên có công ăn việc làm.

"Đây là những thanh niên xuất thân khó khăn, hoặc từng là nạn nhân của phân biệt giới tính, bạo lực giới, gia đình, buôn bán người, vi phạm pháp luật, nghèo khó và vô gia cư..." - đại diện KOTO cho biết.

Năm 2016, KOTO trở thành doanh nghiệp xã hội đầu tiên được công nhận tại Việt Nam. Với mảng hoạt động xã hội, doanh nghiệp này tập trung vào hoạt động đào tạo và hoạt động phi lợi nhuận.

Những khóa đào tạo về nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn theo tiêu chuẩn quốc tế của Học viện Box Hill kéo dài 2 năm. Trong đó, mỗi năm có gần 150 học viên là những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn được tuyển sinh, đào tạo và trang bị kiến thức để có công ăn việc làm.

Đến nay đã có hơn 40 học viên tốt nghiệp KOTO hiện đang điều hành các doanh nghiệp của riêng mình và nhiều người đã ra nước ngoài làm việc tại Úc, Đức, New Zealand, Singapore...

Mong thủ tục đỡ hơn

Dao’s Care (Hà Nội) là trung tâm trị liệu bằng các bài thuốc của người dân tộc Dao đỏ, thành lập năm 2016, gắn với tạo việc làm cho chính những người dân tộc thiểu số chịu thiệt thòi. Sáng lập của Dao’s Care có ba thành viên. Doanh nhân Lê Thùy Trang, nhà sáng lập và quản lý chiến lược của Dao’s Care, cho hay ban đầu chỉ đi từ thiện, qua thời gian nhóm đã nghĩ phải làm gì đó để vừa duy trì bản sắc văn hóa của người Dao vừa tạo việc làm cho những người yếu thế.

Như câu chuyện của Xiêm (tên thật là Vàng Thị Nam) - là người dân tộc Mông ở Sa Pa. Xiêm mồ côi cha từ khi hơn 1 tuổi, mẹ đi bước nữa và sinh em, nhưng sau đó mẹ cũng mất. Xiêm bị mù bẩm sinh từ bé, tay bị tật. Xiêm ở với bà nội nhưng năm 16 tuổi, bà cũng mất nên Xiêm ở với cậu và chỉ làm vài việc nhà, trông em...

Khi Dao’s Care mở ra, Xiêm được gửi về Hà Nội. Thời gian đầu rất khó khăn vì bạn chưa bao giờ ra khỏi bản, không biết tiếng Việt. Nhưng với sự quyết tâm của Xiêm, cô đã thành kỹ thuật viên chuyên nghiệp với thu nhập ổn định.

Lĩnh vực spa ngày càng cạnh tranh gay gắt. Từng bước đi vào quy trình, chuẩn hóa dịch vụ giúp cho Dao’s Care dần vượt qua khó khăn, thu đủ bù chi, dù tài chính vẫn là thách thức lớn song đã có thể trả lương cho các bạn khuyết tật bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.

Dao’s Care chỉ đăng ký mô hình hộ kinh doanh. "Chúng tôi có tìm hiểu mô hình doanh nghiệp xã hội nhưng có nhiều rào cản, thủ tục đăng ký khá phức tạp, rồi những yêu cầu như phần trăm đầu tư cho đào tạo, hay phải tái đầu tư. Yêu cầu đúng nhưng vấn đề là phải đủ công việc cho người lao động; khi nguồn lực còn yếu, doanh thu mới chỉ đủ để vận hành thì rất khó để thực hiện" - Thùy Trang nói.

Hiện Dao’s Care đang ấp ủ một dự án liên kết với các homestay, khu nghỉ dưỡng ở vùng đồng bào dân tộc để nhân rộng hơn mô hình của mình. Thùy Trang cho hay không mong sẽ được ưu tiên hơn so với doanh nghiệp bình thường, nhưng mong có hành lang pháp lý, cơ chế để mô hình như cô thực hiện hoạt động thuận tiện hơn, chia sẻ nhiều hơn với cộng đồng.

Sớm có chính sách hỗ trợ thích hợp

Mô hình doanh nghiệp xã hội đã được nhiều nước trên thế giới phát triển vì những lợi ích chung cho cộng đồng. Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phạm Kiều Oanh - đồng sáng lập mạng lưới doanh nghiệp xã hội ASEAN - cho rằng xã hội luôn tồn tại những vấn đề mà Nhà nước không giải quyết hiệu quả, và doanh nghiệp tư nhân thì không mặn mà. Do đó, đây chính là nơi mà doanh nghiệp xã hội đóng vai trò nổi bật.

Bà Oanh cho rằng nhiều vấn đề trong vận hành doanh nghiệp xã hội chưa được các văn bản pháp luật xem xét và tháo gỡ. Ví dụ, dù có quy định để doanh nghiệp xã hội được tiếp cận vốn và hưởng ưu đãi thuế nhưng thực tế doanh nghiệp xã hội không được ưu đãi gì đặc biệt so với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực. Đặc biệt, doanh nghiệp xã hội vẫn được áp "thước đo" như một doanh nghiệp bình thường - đó là doanh thu, lợi nhuận...

Ở một số quốc gia, bà Oanh cho hay khi nhà nước có chính sách khuyến khích doanh nghiệp xã hội để giải quyết một số vấn đề xã hội cụ thể, ví dụ Hàn Quốc tập trung tạo việc làm cho thanh niên và người cao tuổi... thì nhà nước coi doanh nghiệp xã hội là bên cung cấp dịch vụ công. Do đó, họ có các chính sách hỗ trợ như miễn thuế, chi phí thuê văn phòng... Ở Việt Nam, do chưa có chính sách cụ thể nên đã hạn chế quá trình đăng ký doanh nghiệp xã hội.

Ông Phan Đức Hiếu, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nhấn mạnh thúc đẩy doanh nghiệp xã hội sẽ mang lại lợi ích kép: ngoài tạo việc làm, thu nhập... còn giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường. Với đóng góp của doanh nghiệp xã hội hiện nay, ông Hiếu đồng tình cần sớm nghiên cứu và có chính sách hỗ trợ thích hợp để thúc đẩy mạnh mẽ doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam.

51% lợi nhuận tái đầu tư cho mục tiêu xã hội

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, doanh nghiệp xã hội thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 với mục đích vì cộng đồng - xã hội và trích 51% tổng lợi nhuận hằng năm để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.

Bà Phạm Kiều Oanh (đồng sáng lập mạng lưới Doanh nghiệp xã hội ASEAN):

Cần một tầm nhìn

pham kieu oanh

Bà Phạm Kiều Oanh

Nhiều doanh nhân cũng thấy cần có hướng đi mới bền vững nên đã hình thành các doanh nghiệp tạo tác động (impact enterprises) để giải quyết các thách thức xã hội, môi trường. Thực tế hiện có khoảng 20.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam đang đi theo xu hướng này.

Việc xây dựng một tầm nhìn, chiến lược phát triển cho doanh nghiệp xã hội trong 5-10 năm tới là điều kiện tiên quyết để xây dựng các cơ chế cụ thể, với một hệ sinh thái hỗ trợ và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp xã hội. Điều này sẽ có lợi rất lớn cho xã hội.

Doanh nghiệp thà tốn tiền triệu còn hơn mò mẫm giữa rừng thủ tục Doanh nghiệp thà tốn tiền triệu còn hơn mò mẫm giữa rừng thủ tục

TTO - Một doanh nghiệp ở Đà Nẵng nói rằng thà bỏ 2 triệu đồng thuê làm cho mỗi hồ sơ hơn là ngồi mày mò tìm hiểu và thực hiện thủ tục hành chính.

NGỌC AN - NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên