14/11/2021 09:07 GMT+7

Con muốn ăn tết quê chồng, mẹ ơi!

KIM CƯƠNG (TP.HCM)
KIM CƯƠNG (TP.HCM)

TTO - Hai năm COVID-19 con không thể về, thành thử mong ước đoàn viên xuân Nhâm Dần 2022 của con là được lên chuyến xe hồi hương để sum vầy trong bữa cơm tất niên, làm tròn trách nhiệm của một người con dâu.

Con muốn ăn tết quê chồng, mẹ ơi! - Ảnh 1.

Sum họp gia đình Tết 2018 - Ảnh: tác giả bài viết cung cấp

Con sanh ra, lớn lên ở Sài Gòn nên khái niệm "tết quê hương" đôi khi gói gọn trong những ký ức giản đơn.

Đó là đường vắng thay cho hình ảnh kẹt xe vào giờ cao điểm, là những buổi chợ xuân mua đồ tết ở chợ hoa Hồ Thị Kỷ hay đi săn mai, săn quất, săn vạn thọ ở Bến Bình Đông. Là lên đồ đẹp đi chơi đường hoa Nguyễn Huệ hay những ván bài xì dách cười sảng khoái.

Chỉ đến khi lấy chồng ngoại tỉnh, có một nơi mới để đi về, con mới cảm nhận được hết cái trân quý của hai chữ "quê hương".

Ngày xưa, lần đầu tiên dẫn chồng về nhà ăn cơm, anh đã kết ngay món mì quảng mẹ con nấu vì thật đậm vị. Còn lần đầu tiên con về chơi ở quê chồng, ấn tượng mạnh nhất là mảnh vườn có cây xanh, có rau sạch, ăn cơm cá rô kho tộ, canh rau đay nấu với cua đồng.

Ngày con dâu bụng mang dạ chửa, mẹ hết lòng chăm sóc, đỡ đần con. Đón con gái đầu lòng, chính mẹ là người đầu tiên chờ đón và lo lắng từ phòng hậu phẫu.

Con nhớ lắm hình ảnh người mẹ chồng từ quê nghèo lặn lội đường sá xa xôi lên chăm dâu, chăm cháu. Người ta thường nói con dâu và mẹ chồng hiếm khi gần gũi với nhau được. Riêng con cảm nhận hoàn toàn khác, mẹ là mẹ chồng nhưng đối đãi tử tế với con như mẹ ruột.

Thời gian chăm con ở cữ, mẹ thật vất vả vì để dung hòa những khác biệt. Con nhớ những bữa cơm ngon mẹ nấu, nhớ mẹ ướt đẫm mồ hôi khi xếp hàng, bồng cháu đi tiêm vắc xin, nhớ những đêm chăm con cháu trở bệnh mà quên ăn quên ngủ, nhớ mái tóc đen chuyển màu hoa râm để đỡ đần vất vả cho con dâu mình.

Dịch bệnh, đại gia đình chúng ta ăn tết, họp mặt và lì xì bao đỏ cho nhau online qua những cuộc gọi, tin nhắn, video call. Cả năm trời bon chen với cơm áo gạo tiền khiến chúng con mong chờ nhất ngày tết để sum vầy, vậy mà... tết lại vẫn phải xa nhau.

Cuộc sống đang dần hồi sinh, nhịp điệu tươi trẻ của một Sài Gòn khỏe mạnh đang trở lại. Hai vợ chồng ráng "cày cuốc", tiết kiệm để về quê ăn tết.

Con muốn về quê chồng ăn cái tết đoàn tụ, để trao ba mẹ cái ôm ấm áp một cách trực tiếp sau bao ngày xa cách. Để đứa cháu bé bỏng hát trực tiếp "Bà ơi bà, cháu yêu bà lắm…" trong vòng tay của nội.

Để phụ mẹ một tay làm bữa cơm tất niên cúng trời đất, gia tiên. Không còn xa nhau nữa, cả nhà mình sẽ cùng nhau sửa soạn nào lá dong, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn rồi dưa hành, bánh mứt để mang đến cho gia đình một cái tết đủ đầy, ấm cúng.

Bên nồi bánh chưng, cạnh bếp lửa hồng, ông bà cha mẹ kể cho con cháu nghe về lịch sử gia đình, về những chuyện buồn vui trong cuộc sống. Một vài củ khoai, bắp ngô nướng vùi vào bếp than hồng làm quà cho những câu chuyện "ngày xửa, ngày xưa" thêm phần rôm rả hơn xưa.

Con muốn ăn tết quê chồng, mẹ ơi! - Ảnh 2.
Đoàn viên sau đại dịch: Tết sum vầy đầu tiên của hòa bình Đoàn viên sau đại dịch: Tết sum vầy đầu tiên của hòa bình

TTO - Dù đã trải qua 60 - 70 cái tết đủ cảm xúc đời người, họa sĩ Lê Thiết Cương hay nhạc sĩ Thụy Kha vẫn cứ da diết nhớ và tha thiết thương những cái tết gia đình đoàn viên đầu tiên của hòa bình.

KIM CƯƠNG (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên