16/05/2019 13:55 GMT+7

Còn nước thải, ô nhiễm thì 'sông chết' còn gia tăng

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Các chuyên gia ví nhiều con sông ô nhiễm ở Việt Nam như "dòng sông chết" và cảnh báo sẽ còn có thêm những con sông chết, nếu nguồn nước thải chưa qua xử lý vẫn tiếp tục đổ xuống các dòng sông.

Còn nước thải, ô nhiễm thì sông chết còn gia tăng - Ảnh 1.

Sông Nhuệ - Đáy tiếp nhận nhiều nguồn nước thải ô nhiễm nên dòng sông có màu nước đen ngòm quanh năm-Ảnh: XUÂN LONG

Sáng 16-5, cuộc toạ đàm "Thực trạng ô nhiễm môi trường các dòng sông của Việt Nam và kiến nghị giải pháp" thêm một lần nữa báo động tình trạng ô nhiễm các dòng sông.

Ông Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới Sông ngòi VN, cảnh báo: trong khi tài nguyên nước không phong phú thì hiện trạng nguồn nước trên các lưu vực sông đều đang ô nhiễm rất kinh khủng.

"Nước sông không ngừng ô nhiễm, còn hành lang sông bị lấn chiếm ở nhiều nơi. Nếu cứ lấn sông làm biệt thự thì đâu còn sông ngòi nữa. Ngay chuyện lấn sông Hàn ở Đà Nẵng vừa qua cũng là điển hình của câu chuyện các con sông bị lấn chiếm thô thiển", ông Tứ nêu.

Cũng theo ông Tứ, trong số các nguyên nhân gây ô nhiễm sông, nguyên nhân ô nhiễm do nước thải chưa xử lý xả xuống các dòng sông được xem là lớn nhất.

Theo các chuyên gia, ở các đô thị lớn hiện nay, việc cải thiện môi trường nước vẫn trông đợi vào khả năng tự làm sạch. Vì thế, hầu hết các sông đô thị ở các thành phố lớn nhỏ của VN đã trở thành những "dòng sông chết", trong đó có tới 6 con sông lớn nhỏ ở Hà Nội như sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Nhuệ - Đáy.

"Pháp luật chúng ta có đủ rồi, nhưng các dòng sông vẫn ô nhiễm, đó là do thực thi pháp luật chưa nghiêm, chưa mạnh mẽ. Ví như ở sông Bưởi (Thanh Hoá), khi đã bị ô nhiễm rồi mới đi vào can thiệp, mới đặt các trạm quan trắc tự động"- ông Tứ nêu.

GS.TS Đào Xuân Học, nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng: ngay các tuyến sông phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp như sông Nhuệ - Đáy, sông Bắc Hưng Hải, ô nhiễm tới mức không hình dung nổi.

"Tôi cũng nói với các chuyên gia nước ngoài về thực tế có những con sông như Nhuệ - Đáy là trục tưới cho khoảng 80.000ha và cũng là trục tiêu chính cho Hà Nội, nhưng chưa có công trình xử lý nước thải nào. Còn nguồn nước thải đổ vào đây thì vô cùng nhiều", GS.Học phân tích.

"Để cải thiện môi trường nước, dứt khoát phải tách được các nguồn nước thải để xử lý trước khi đổ xuống sông. Sông Nhiêu Lộc-Thị Nghè là ví dụ rất tốt về cách làm đó, bây giờ nước tương đối trong, cá sống được", GS. Học dẫn chứng.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên