Cơn sốt "toàn nhập" trong phòng triển lãm

XUÂN TÙNG 04/06/2023 08:51 GMT+7

TTCT - Công nghệ đã và đang đẩy trải nghiệm nghệ thuật "toàn nhập" - người thưởng lãm đắm chìm vào tác phẩm - lên một tầng nấc mới.

Triển lãm Alienarium 5 của nghệ sĩ Dominique Gonzalez-Foerster tại Serpentine Gallery (London). Ảnh: Shutterstock

Triển lãm Alienarium 5 của nghệ sĩ Dominique Gonzalez-Foerster tại Serpentine Gallery (London). Ảnh: Shutterstock

Tự cổ chí kim, các nghệ sĩ đã thử nghiệm với nhiều chất liệu để tạo cảm giác "nhập tâm quên thực tại" cho khán giả khi xem các tác phẩm của mình. Nhưng các tiến bộ công nghệ đã và đang đẩy trải nghiệm nghệ thuật "toàn nhập" - người thưởng lãm đắm chìm vào tác phẩm - lên một tầng nấc mới.

Ngước nhìn lên trần của Nhà nguyện Sistine, ta không khỏi bị rợn ngợp bởi kích thước cũng như tầm cỡ những câu chuyện được kể qua nét vẽ kỳ tài của Michelangelo. Bước vào các nhà hát cổ điển, ta cũng có được cảm giác tương tự: Dù ngồi ở xa tít tắp, ta vẫn thấy tiếng hát trên sân khấu vang dội như đang ngồi ngay trước mặt các nhạc công. Giờ thì người mê cái đẹp có thể tắm mình trong thế giới của Van Gogh hay Gustav Klimt.

Thế giới phi thực

Trong mấy năm gần đây, giới mộ điệu ở Hà Nội và Sài Gòn bắt đầu quen hơn với việc đi xem triển lãm trong những căn phòng rèm đen kín mít, thay vì những không gian tường trắng, ánh sáng vàng trắng như thông thường. 

Tháng 4 và tháng 5 vừa qua, "Walking Through A Songline", một "triển lãm ánh sáng" kể câu chuyện của những người dân bản địa châu Úc đã gây hiệu ứng mạnh ở cả 2 thành phố lớn, thu hút số lượng người xem nhiều hơn so với dự kiến - thậm chí không ít khán giả đã phải phàn nàn khi đứng đợi 1-2 tiếng vẫn chưa tới lượt vào cửa. 

Không gian tối với các màn trình diễn ánh sáng, video, âm thanh choán đầy tâm trí khán giả, khiến người ta nhớ tới triển lãm "Ấn tượng phản chiếu: Van Gogh và tác phẩm" tại Trung tâm nghệ thuật đương đại (VCCA, Hà Nội) 4 năm trước, hay Đủ (Fulfillment) nói về mưu cầu của con người trong thời đại số của 10 nghệ sĩ trẻ mới diễn ra tại The Lab Sài Gòn năm 2022.

Điểm chung của các triển lãm trên là đều được gắn nhãn Immersive Experience (IE, tạm dịch: trải nghiệm toàn nhập). Dù ở Việt Nam mới chỉ xuất hiện lẻ tẻ, IE hiện đang là xu hướng đang phát triển mạnh trong ngành công nghiệp nghệ thuật và tham quan quốc tế, với các đơn vị như Meow Wolf, Culturespaces and teamLab đang ứng dụng các công nghệ mới nhất như projector mapping (tạm dịch: trình chiếu tinh chỉnh), thực tại tăng cường (AR), thực tế ảo (VR) hay trí tuệ nhân tạo (AI) để mang lại những trải nghiệm nghệ thuật chưa từng có tới khán giả.

Nổi tiếng nhất có lẽ là "Van Gogh: The Immersive Experience", một triển lãm di động đã đi qua 20 thành phố lớn trên thế giới, thu hút hơn 3 triệu lượt xem. Tại đây, khán giả sẽ bước vào những căn phòng lớn được bao trọn các tác phẩm của danh họa Vincent Van Gogh - từ tường đến sàn nhà, tạo nên cảm giác như đang bước vào trong một tác phẩm sống.

Một góc triển lãm "Van Gogh:  The Immersive Experience".  Ảnh: Grande Experiences

Một góc triển lãm "Van Gogh: The Immersive Experience". Ảnh: Grande Experiences

Để có được hiệu ứng tranh - ánh sáng phủ 360 độ lên khoảng tường rộng hơn 1.000m2, Lighthouse Immersive - đơn vị thực hiện triển lãm "Van Gogh: The Immersive Experience" tại Toronto (Canada) - đã sử dụng một hệ thống gồm 53 máy chiếu độ phân giải cao, treo cao 7m trên trần nhà.

Lắp đặt hệ thống này không phải vấn đề quá lớn - thử thách nằm ở chỗ làm sao có thể căn chỉnh các máy chiếu sao cho hình chiếu trên tường của 53 máy khớp khít vào nhau đến từng pixel, giúp tạo nên hiệu ứng của một bức tranh khổng lồ. 

Điều này sẽ không thể thực hiện được nếu thiếu công nghệ projector mapping của Panasonic, giúp nhóm Lighthouse Immersive có thể xoay chỉnh góc máy chiếu qua laptop mà không cần leo lên cao, giúp tiết kiệm thời gian và công sức.

Không chỉ dừng lại ở máy chiếu, các trải nghiệm toàn nhập còn thành công với các ứng dụng công nghệ tham vọng hơn. Tại triển lãm Petting Zoo ở London, khán giả có thể tương tác với hàng loạt thú vật - chỉ có điều không cá thể nào trong số đó là thú vật thực. 

Các "thú cưng" AI sử dụng hệ thống camera tracking thời gian thực để xác nhận vị trí của khách đến tương tác, sau đó học theo các cử chỉ của họ để giao tiếp khôn ngoan hơn. Công nghệ này cho phép mỗi tạo vật AI có được cá tính riêng, từ tinh nghịch đến mong manh nhạy cảm. Theo trang web chính thức của triển lãm, Petting Zoo được ra đời nhằm khám phá mối quan hệ giữa con người và môi trường người - máy đang chung sống.

Tương tác với tạo vật điều khiển bằng AI tại triển lãm Petting Zoo (London). Ảnh: minimaforms.com

Tương tác với tạo vật điều khiển bằng AI tại triển lãm Petting Zoo (London). Ảnh: minimaforms.com

Nhu cầu thời đại

Như đã nói, các trải nghiệm toàn nhập không phải thứ gì đó quá mới trong lịch sử nghệ thuật. Theo Elise Luong, quản lý đơn vị chế tác nghệ thuật Undecided Productions (Bỉ), nguồn gốc của lối trải nghiệm này có liên quan ít nhiều đến truyền thống tín ngưỡng phương Tây, cụ thể là các nhà thờ Thiên Chúa. 

"Khi nghĩ tới các nhà thờ lớn, ta có thể thấy ngay nhiều yếu tố tương đồng: Các chi tiết thị giác gây ấn tượng mạnh, mùi hương từ nến, âm nhạc gây choáng ngợp, và cách thiết kế không gian tạo nên âm thanh vang dội - có thể thấy ý tưởng về trải nghiệm toàn nhập không sinh ra từ hư không" - cô nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

Cây viết Ben Luke của The Arts Newspaper cũng đồng tình rằng kiểu hình nghệ thuật này đã có một lịch sử lâu dài: "Một phần sức mạnh của mô hình này nằm ở khả năng gây rợn ngợp của nó". 

Luke đưa ra các ví dụ trải dài suốt chiều dài nghệ thuật đương đại: Từ các miền âm thanh (soundscape) miên man của Shilpa Gupta, show trình diễn thời tranh kết hợp trình chiếu hologram để đời của nhà thiết kế Alexander McQueen, đến Infinity Room của Yayoi Kusama - căn phòng gương làm nên tên tuổi của nghệ sĩ người Nhật này, nếu muốn trải nghiệm ở Tate Modern (London) bạn cũng phải đặt trước nhiều tháng.

Căn phòng gương Infinity Room của Yayoi Kusama.  Ảnh: Evan Mitsui/CBCNews

Căn phòng gương Infinity Room của Yayoi Kusama. Ảnh: Evan Mitsui/CBCNews

Tuy nhiên, theo Luke, Infinity Rooms cũng là ví dụ điển hình cho một mô hình "lai" giữa nghệ thuật sắp đặt và sons et lumières (biểu diễn ánh sáng và âm thanh, ở Việt Nam thường được nhớ tới với hình hài "nhạc nước"), nơi sự hoành tráng và khả năng chụp hình đăng Instagram được đặt lên trên giá trị nghệ thuật.

Cũng dễ hiểu: Khi thị trường nghệ thuật ngày càng cạnh tranh, các bảo tàng và đơn vị tổ chức cũng rơi vào cuộc đua xem ai có thể tạo ra được nhiều nội dung thu hút công chúng nhất. Các chương trình trải nghiệm toàn nhập được trở thành vũ khí mới trong cuộc chạy đua này: Do chủ yếu chỉ dùng các tác phẩm số, IE đỡ tốn kém hơn ít nhiều so với các triển lãm tác phẩm thực, giúp việc vận chuyển dễ dàng hơn, đồng thời có thể triển lãm ở nhiều nơi cùng một lúc - dẫn đến khả năng bán vé cao hơn nhiều.

Bên cạnh đó, IE cũng tạo ra sự khác biệt nhờ đặt người tham gia làm trọng tâm của buổi triển lãm, trở thành phông nền hoàn hảo cho các bức hình đăng mạng xã hội. Các triển lãm cũng dần định hình lại mô hình hoạt động của mình để phù hợp với nhu cầu Internet. "

Người trong ngành thường đùa với nhau rằng mỗi bảo tàng cần một "khoảnh khắc Instagram"; Một số giám tuyển cũng tính toán để tạo ra khoảnh khắc này - họ biết rằng khách tham quan sẽ đến và tìm kiếm nó bằng cách này hay cách khác" - một giám tuyển bảo tàng nới với tờ The Guardian.

Triển lãm "toàn nhập" với các tác phẩm của họa sĩ Áo Gustav Klimt. Ảnh: wien.info

Triển lãm "toàn nhập" với các tác phẩm của họa sĩ Áo Gustav Klimt. Ảnh: wien.info

Choáng ngợp vì công nghệ hay nghệ thuật?

Tuy nhiên, khi đặt sự chú ý của không gian nghệ thuật vào khán giả, không thể tránh khỏi rủi ro của việc "bỏ quên" tác phẩm nghệ thuật - theo ý kiến của không ít chuyên gia trong ngành. 

C. Shaw Smith, giáo sư nghệ thuật thuộc Đại học Davidson (Mỹ), nói việc trình chiếu theo lối toàn nhập không có quá nhiều ý nghĩa với bản thân tác phẩm nghệ thuật - cách làm này giúp cập nhật nghệ thuật đến công chúng, cũng như tạo ra các khoảnh khắc hoành tráng là nhiều.

"Trong bản trình chiếu rộng, bạn làm mất đi rất nhiều chi tiết của bức tranh. Khi đem học trò đi xem tranh gốc của Van Gogh, tôi đã nghe không biết bao nhiêu lời trầm trồ của chúng rằng "Mãi đến hôm nay em mới để ý thấy nét cọ trên bức tranh". 

Ấy là điều quan trọng nhất - bàn tay người nghệ sĩ. Ở các triển lãm toàn nhập, ta chỉ tập trung vào đôi mắt" - Smith trả lời phỏng vấn của Trường nghệ thuật Davidson College (North Carolina, Mỹ).

Cùng quan điểm, Elise Luong cho rằng "việc trình chiếu toàn nhập các tác phẩm nghệ thuật (cổ điển) vốn không được thiết kế dành cho IE giống như một cuộc khám nghiệm tử thi dành cho nghệ thuật - tôi không coi (bản thân việc trình chiếu) là nghệ thuật, chỉ là một cách để trưng bày tác phẩm".

Triển lãm "Geometric Properties" của Julius Horsthuis. Ảnh: ARTECHOUSE

Triển lãm "Geometric Properties" của Julius Horsthuis. Ảnh: ARTECHOUSE

Ở tầm vĩ mô hơn, nhiều chuyên gia lo ngại rằng IE sẽ thổi bùng một trào lưu "tha hóa" các không gian nghệ thuật thành nền tảng công nghệ. "Giới nghệ thuật thừa hiểu rằng các nền văn hóa tảng số như Netflix đang ăn nên làm ra hơn bao giờ hết" - Kay Watson, giám đốc chương trình Arts Technologies của Serpentine Galleries (Anh), nói với The Guardian. 

Một báo cáo năm 2020 của Serpentine Galleries cho thấy các trải nghiệm toàn nhập có bán vé đã và đang khiến các mô hình kinh doanh của ngành nghệ thuật lại gần hơn với công viên giải trí và rạp xiếc. "Với một số nhân vật trong ngành, việc này sẽ dấy lên quan ngại về việc các không gian này liệu có còn là "không gian nghệ thuật" nữa hay không" - Watson nói.

Tuy vậy, vẫn không thể phủ nhận rằng khi các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao vẫn nằm trong các kinh viện xa tít tắp, thì IE vẫn chứng tỏ hiệu quả trong việc truyền bá các trải nghiệm nghệ thuật, gây ấn tượng và lay động tình yêu mỹ thuật trong công chúng.

Trên trang web của mình, FeverUp, nền tảng đứng sau triển lãm "Van Gogh: The Immersive Experience" nhấn mạnh rằng các trải nghiệm IE mà công ty mang lại đang giúp "dân chủ hóa" các sản phẩm văn hóa và giúp nghệ thuật trở nên "dễ tiếp cận" hơn với khán giả. 

Nền tảng này vẫn đang để người xem bầu chọn chủ đề cho các triển lãm tiếp theo: Các buổi trình diễn âm thanh và ánh sáng xoay quanh các tác phẩm của Frida Kahlo và Gustav Klimt đã được đón nhận vang dội tại Anh, cùng với đó là các trải nghiệm toàn nhập xoay quanh danh họa Siêu thực Salvador Dalí và triển lãm tương tác với tàu Titanic cũng sắp được ra mắt trong năm tới.

Triển lãm "Story of the Forest"

Triển lãm "Story of the Forest"

Đang trên đà thu hút sự chú ý, với lượng cầu từ thị trường không nhỏ, các trải nghiệm toàn nhập đang bắt đầu xây dựng ngách thị trường riêng, thậm chí có các không gian nghệ thuật riêng dành cho loại hình này. Nổi bật trong số đó là Digital Art Museum của TeamLab tại Tokyo, với trưng bày hoành tráng nhất bao gồm với 520 máy tính và 470 máy chiếu tạo ra các màn trình diễn ánh sáng dựa trên cử động của khách tham quan.


Bảo tàng này thu hút 2,3 triệu khách tham quan trong năm 2022, đã cho ra mắt cơ sở 2 tại Thượng Hải vào năm 2019, và đang có dự định mở rộng sang Hamburg (Đức) trong năm tới. Tại Việt Nam, không gian nghệ thuật toàn nhập đầu tiên mang tên Sống Lab, với tầm nhìn trở thành "tiêu chuẩn mới cho không gian triển lãm nghệ thuật kỹ thuật số tại Việt Nam" dự kiến sẽ được khai trương tại Huế trong năm 2023.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận