25/06/2022 14:30 GMT+7

Công an TP.HCM: Cấp căn cước công dân còn thiếu sót, sẽ nỗ lực khắc phục

MINH HÒA - ĐAN THUẦN
MINH HÒA - ĐAN THUẦN

TTO - Sau phản ánh của Tuổi Trẻ Online về thông tin chậm trả hoặc để người dân chờ lâu mới làm được căn cước công dân gắn chip, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TP.HCM - thừa nhận có thiếu sót trong quá trình nhập liệu.

Công an TP.HCM: Cấp căn cước công dân còn thiếu sót, sẽ nỗ lực khắc phục - Ảnh 1.

Thượng tá Trần Trung Hiếu trao đổi với phóng viên về những bất cập trong việc cấp CCCD - Ảnh: ĐAN THUẦN

Ngày 24-6, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại tá Lê Công Vân - trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM - cho biết phòng đã ghi nhận và báo cáo ban giám đốc Công an TP.HCM kịp thời giải đáp những thắc mắc của người dân, đồng thời có hướng khắc phục những khó khăn, vướng mắc.

Đại tá Vân thừa nhận quá trình cấp, trả căn cước công dân chưa đạt được 100% về thời gian. Cấp, trả số lượng lớn thẻ căn cước công dân không tránh khỏi những bất cập, khúc mắc mà người dân gặp phải với nhiều lý do chủ quan và khách quan.

Hiện nay, lực lượng chức năng đang thực hiện nhiệm vụ song song vừa làm sạch dữ liệu, vừa cấp căn cước công dân. Thực tế những địa phương có đông dân cư còn áp lực rất nhiều về số lượng căn cước công dân phải cấp.

Bên cạnh đó, thời điểm dịch bệnh căng thẳng, cán bộ, chiến sĩ tại cơ sở vừa phòng dịch, vừa cấp căn cước công dân nên áp lực "nhân đôi", xảy ra những thiếu sót nhất định. Trong quá trình nhập dữ liệu, cán bộ, chiến sĩ tại cơ sở "chưa thực hiện đầy đủ, thiếu sót một số bước".

Thượng tá Trần Trung Hiếu - phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM - cho biết thêm: cấp căn cước công dân là dự án công nghệ lớn nhất từ trước đến nay mà Chính phủ thực hiện. Trong quá trình thực hiện có những vướng mắc, khó khăn phòng sẽ tiếp thu và quán triệt cán bộ, chiến sĩ vừa làm vừa đúc kết kinh nghiệm và đưa ra những giải pháp để phục vụ người dân tốt nhất.

Nếu dữ liệu quốc gia về dân cư chưa đồng bộ với dữ liệu căn cước công dân, nhập thông tin vào hệ thống không trùng khớp thì chưa thể cấp thẻ căn cước công dân, bắt buộc dữ liệu phải đồng bộ, phải sạch.

Vì thế, trong quá trình thao tác của người dân trong khai báo và trong quá trình thao tác trên máy của cán bộ, chiến sĩ chỉ cần sai một lỗi nhỏ như dấu chấm, dấu phẩy thì không thể làm căn cước công dân và bắt buộc làm lại.

Thời gian tới, PC06 sẽ chỉ đạo công an các quận, huyện, TP Thủ Đức tiến hành rà soát, điều tra cơ bản, thống kê số lượng người dân sai thông tin và chưa cấp được căn cước công dân, mời người dân lên có hướng khắc phục.

"Sẽ mời người dân lên xem sai thông tin ở đâu, sai như thế nào để giải đáp, khắc phục cho người dân, cấp lại căn cước công dân", thượng tá Hiếu nói.

Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an cũng tăng cường cán bộ, chiến sĩ và máy móc cho TP.HCM để thực hiện việc cấp căn cước công dân, hướng dẫn từng bước khắc phục, làm lại căn cước công dân cho người dân.

Theo thượng tá Hiếu, hiện có khoảng 1.600 cán bộ, chiến sĩ công an tham gia làm căn cước công dân cho người dân trên địa bàn TP.HCM.

Đến nay, Công an TP.HCM đã cấp hơn 5,7 triệu thẻ căn cước công dân cho người dân thường trú. Dự kiến đến cuối năm sẽ cấp thêm 1,7 triệu thẻ cho người dân thường trú.

Công an TP.HCM: Cấp căn cước công dân còn thiếu sót, sẽ nỗ lực khắc phục - Ảnh 2.

Người dân tập trung đông tại Đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP Thủ Đức để nộp hồ sơ chỉ để lấy số thứ tự, 9 ngày sau quay lại làm căn cước công dân - Ảnh: MINH HÒA

Làm lại lần 2, lần 3

Ngồi chờ làm căn cước công dân với hàng chục người dân khác tại Công an phường 17, quận Gò Vấp, ông T.B.D. (53 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cho hay phải đi từ sáng sớm mới lấy được số thứ tự. Cán bộ yêu cầu ông ra về rồi hẹn lại đầu giờ chiều mới lên thực hiện các thủ tục và đóng tiền.

Trước đó ông T.B.D. đã làm căn cước công dân hồi tháng 10-2021 ở Công an phường 17. Đầu tháng 6-2022, ông cầm giấy hẹn đến công an phường hỏi và nhận được câu trả lời thông tin của ông bị sai, phải làm lại.

"Thời điểm đó tôi đóng phí 30.000 đồng làm căn cước công dân gắn chip. Bây giờ làm lại cũng đóng tiền. Vậy số tiền đóng trước đó đã đi đâu?", ông D. thắc mắc.

Trường hợp bà Võ Thị Diệu (40 tuổi, phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức) khá đặc biệt khi làm đến 2 lần vẫn chưa có. Lần đầu vào tháng 4-2021, bà Diệu làm căn cước công dân tại Công an phường Bình Chiểu và nhận được giấy hẹn 3 tháng sau quay lại lấy.

Hết 3 tháng bà nhận được câu trả lời là phải làm lại do sai thông tin. Làm xong thủ tục lần 2 vào tháng 12-2021, bà cũng được hẹn 3 tháng. Chờ mãi đến tháng 6-2022 bà nhận được câu trả lời chưa có dữ liệu và yêu cầu bà làm lại lần 3.

Hay chị Trần Ngọc Thiên Ân (28 tuổi, TP Thủ Đức) đi làm căn cước công dân vào tháng 10-2021 tại Công an phường Linh Đông lúc 1h sáng theo vận động của cảnh sát khu vực. Sau nhiều lần hỏi cảnh sát khu vực và công an phường thì chị được trả lời: "Sót rồi, đi làm lại đi". "Công an yêu cầu phải có mã số định danh cá nhân mới làm lại được. Hỏi công an khu vực, anh ấy kêu ra phường lấy, lên phường thì nói về lại hỏi công an khu vực", chị Ân bức xúc.

Ngoài ra, những ngày qua Tuổi Trẻ ghi nhận phản ảnh của người dân về việc làm thủ tục cấp căn cước công dân tại TP Thủ Đức, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh phải đi lại nhiều lần, bốc số thứ tự và chờ đợi nhiều ngày mới đến lượt.

Thậm chí tại TP Thủ Đức, Tuổi Trẻ ghi nhận có trường hợp bốc số thứ tự từ 5h sáng, trên phiếu số thứ tự hẹn 9 ngày sau đến làm thủ tục.

'Đoạn trường' chờ lấy căn cước công dân

TTO - Kể lại câu chuyện bản thân, bạn đọc Thẳng Thắn mong muốn: "Mong sao các cấp liên quan cùng bắt tay giải quyết ngay những vấn đề dân sinh nóng bỏng đang gây phiền hà cho dân, nếu để kéo dài sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu cao đẹp ban đầu".

MINH HÒA - ĐAN THUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên