24/04/2019 17:00 GMT+7

Công khai, minh bạch giá đất công nghiệp tại các địa phương

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Cần công khai minh bạch giá đất công nghiệp tại các địa phương, đảm bảo các nhà đầu tư trong, ngoài nước có thể ngồi tại chỗ biết được giá đất.

Công khai, minh bạch giá đất công nghiệp tại các địa phương - Ảnh 1.

KCN Đất Đỏ 1 (huyện Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu) đang hoàn thiện hạ tầng. Ảnh: TTXVN.

Hội thảo Bất động sản công nghiệp Việt Nam năm 2019 từ ngày 23 - 24/4 tại Hà Nội do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) tổ chức đã đặt vấn đề công khai, minh bạch giá đất công nghiệp tại các địa phương làm điều kiện để thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp Việt Nam, thay vì đầu tư sang nước khác.

Tại hội thảo này, các vấn đề chính sách, định hướng phát triển bất động sản công nghiệp Việt Nam cũng như chiến lược cơ cấu lại ngành Công nghiệp, khung pháp lý mới về quản lý khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT), cụm công nghiệp… đã được phân tích. Qua đó, mở ra các cơ hội phát triển KCN trên cả nước, thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, thị trường bất động sản công nghiệp bao gồm: Đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho và logistics ở Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển trước sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Cả nước hiện có 326 KCN, sử dụng diện tích đất tự nhiên gần 93.000 ha và 16 KKT có tổng diện tích mặt đất và mặt nước xấp xỉ 815.000 ha. Trong số này, có 220 KCN đã đi vào hoạt động và 104 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN đạt 31.800 ha, tỉ lệ lấp đầy các KCN đạt 51%, riêng các KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 73%.

'Tuy nhiên, cơ hội để phát triển bất động sản công nghiệp đang còn nhiều tiềm năng. Dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 500 KCN, trên diện tích khoảng 500.000 ha. Cơ hội sở hữu quỹ đất để thâm nhập và phát triển bất động sản công nghiệp đang mở ra nhiều đối với cả nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai. Vấn đề là làm thế nào để các nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư vào các KCN Việt Nam, mà không phải nước khác', ông Nguyễn Trần Nam cho hay.

Còn theo các chuyên gia, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ Quy định về quản lý KCN và KKT đã ban hành, bổ sung thêm một số loại hình KCN và KKT đặc thù như: KCN hỗ trợ, KCN sinh thái, KCN – Đô thị – Dịch vụ và KKT ven biển, KKT cửa khẩu. Bên cạnh đó, nhờ vào vị trí chiến lược, Việt Nam đang có nhiều thuận lợi và cơ hội nắm bắt làn sóng dịch chuyển đầu tư của các công ty từ Trung Quốc sang Việt Nam. Việt Nam đang chuyển dịch từ thị trường sử dụng nhiều lao động sang thị trường phát triển tập trung nhiều vốn. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh đi kèm với sự dịch chuyển trong chuỗi giá trị đã và đang mở ra tương lai tươi sáng cho thị trường bất động sản công nghiệp, nhất là khi dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn chuyển động theo chiều hướng tăng tích cực.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, để phát triển bất động sản công nghiệp, Việt Nam cần tập trung phát triển thị trường logistics (kho vận) và thị trường thương mại điện tử. Thị trường logistics sẽ phát triển "nổi bật" trong vòng 5 - 10 năm nữa và dự báo, đến năm 2025, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ tăng lên đến 8 tỉ USD... Đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.

Trả lời câu hỏi 'Làm thế nào để thu hút nhà đầu tư nước ngoài thay vì để họ đến nước khác?', theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam cần công khai minh bạch giá đất công nghiệp tại các địa phương, đảm bảo các nhà đầu tư trong, ngoài nước có thể ngồi tại chỗ biết được giá đất, địa phương có tiềm năng, tiềm lực nào có thể khai thác và có thể đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.

'Thêm vào đó, các địa phương cần sớm ban hành các chính sách ưu đãi về thuế như: Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân..., giảm các chi phí về thuê đất đai, nhà xưởng, vật chất kỹ thuật... để thu hút nhà đầu tư nước ngoài', ông Đặng Hùng Võ nhận định.

Với mục tiêu đồng hành, trợ giúp các địa phương, các doanh nghiệp và nhà đầu tư kiến thức, thông tin, theo sát diễn biến thị trường, tìm kiếm các giải pháp để kết nối và tận dụng tối đa cơ hội, hội thảo Bất động sản công nghiệp Việt Nam năm 2019 tập trung thảo luận để tháo gỡ những tác động của bối cảnh, chính sách đến bất động sản công nghiệp và làm thế nào để tận dụng những lợi thế sẵn có, làm tiền đề cho thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam phát triển. Qua đó, giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận thông tin quy hoạch quỹ đất công nghiệp và chính sách ưu đãi thu hút đầu tư tại từng địa phương.

Ngoài ra, hội thảo này cũng là cơ hội cho UBND các tỉnh tiếp thị hình ảnh, chính sách đặc thù của địa phương để thu hút các nhà đầu tư tiếp cận quỹ đất mới đã quy hoạch xây dựng hạ tầng từ các địa phương; đồng thời tiếp thị, quảng bá các KCN đã được xây dựng để nâng cao tỉ lệ lấp đầy 100%.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên