27/10/2021 17:50 GMT+7

COP26 là hội nghị gì mà lãnh đạo hàng trăm quốc gia tham dự?

HỒNG  VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Các nhà lãnh đạo thế giới đang chuẩn bị tụ họp tại Glasgow, Anh cuối tháng này để tham dự Hội nghị COP26, trong bối cảnh các thành phố trên toàn cầu đang phải đối mặt với xác suất xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan cao nhiều hơn.

COP26 là hội nghị gì mà lãnh đạo hàng trăm quốc gia tham dự? - Ảnh 1.

Lũ lụt ở Fairfield, California, Mỹ ngày 24-10-2021 - Ảnh: REUTERS

Ai dự, ai vắng? 

COP26 là viết tắt của Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu. 

Hội nghị COP26 có thể là cơ hội cho những hành động cứu Trái đất có ý nghĩa. Hơn 100 lãnh đạo thế giới được kỳ vọng sẽ có mặt để đưa ra những cam kết của mình.

Cho đến nay, một số nhân vật chủ chốt đã xác nhận chắc chắn có mặt tại COP26 là Thủ tướng nước chủ nhà COP26 Boris Johnson của Anh, vợ chồng Thái tử Charles và vợ chồng Hoàng tử William của Hoàng gia Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng là một trong nhiều lãnh đạo quốc gia được mời dự COP26 và đã xác nhận tham dự.

Các lãnh đạo nước ngoài khác xác nhận tham dự là Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Úc Scott Morrison,Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Ý Mario Draghi, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Thủ tướng Israel Naftali Bennett…

Ngoài ra, cũng đã có một số lãnh đạo đã thông báo vắng mặt. Ngày 27-10, Đài BBC cho biết Điện Buckingham đại diện cho Nữ hoàng Anh cho biết bà rất tiếc là phải quyết định không dự lễ khai mạc Hội nghị COP26. 

Tuy không đến dự trực tiếp, bà sẽ có phát biểu thu hình trước. Trước đó, Điện Kremlin của Nga xác nhận Tổng thống Vladimir Putin không dự COP26. Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ không dự hội nghị này.

Cơ hội xây lại thế giới tốt đẹp hơn 

Sau hai năm diễn ra đại dịch COVID-19, thế giới đang đứng trước cơ hội "xây dựng trở lại tốt hơn". Theo báo cáo công bố ngày 26-10 của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, nếu các quốc gia không tăng cường các cam kết về khí hậu của mình, cơ hội xây dựng lại tốt hơn này sẽ bị phung phí và nhiệt độ Trái đất sẽ có thể tăng ít nhất là 2,7 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850 - 1900).

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 khai mạc tại Glasgow (Anh) vào ngày 31-10, báo cáo trên chỉ ra các nước cần cắt giảm phát thải CO2 ở mức 45% để đảm bảo mục tiêu kiềm chế sự tăng nhiệt độ Trái đất là 1,5 độ C, cũng là mục tiêu của COP26.

Các thành phố lớn trên thế giới đang bị đe dọa bởi các sự kiện thời tiết cực đoan. Năm 1950, chỉ có 30% dân số thế giới sống ở các vùng đô thị. Đến năm 2050, tỉ lệ này được dự đoán là 68%. Nếu các vùng đô thị không thích ứng với biến đổi khí hậu, hàng triệu cư dân sinh sống ở đó sẽ gặp nguy hiểm.

Như báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về khí hậu tháng 8-2021 chỉ ra, biến đổi khí hậu toàn cầu là phổ biến, ngày càng gia tăng và mạnh mẽ. Với các thành phố lớn ở vĩ độ ôn đới, điều này có nghĩa là họ sẽ có nhiều đợt nóng hơn và mùa lạnh ngắn hơn. Ở vĩ độ cận nhiệt đới và nhiệt đới, mùa mưa sẽ mưa nhiều hơn và mùa khô nóng hơn. Hầu hết các thành phố ven biển sẽ bị đe dọa bởi nước biển dâng.

Các thành phố trên toàn cầu phải đối mặt với xác suất xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan cao nhiều hơn. Tùy vào vị trí địa lý, các hiện tượng này bao gồm tuyết dày hơn, hạn hán nghiêm trọng hơn, thiếu nước, các đợt nắng nóng bất thường nghiêm trọng, lũ - bão lớn hơn, cháy rừng nhiều hơn và mùa bão dài hơn.

Những người dễ bị tổn thương nhất như người già, người nghèo và những người thiếu các mối quan hệ có thể bảo vệ mình sẽ phải gánh chịu những chi phí nặng nề nhất.

Nhưng thời tiết cực đoan không phải là quan ngại duy nhất. Một nghiên cứu năm 2019 với 520 thành phố trên khắp thế giới dự đoán ngay cả khi các quốc gia giới hạn nhiệt độ toàn cầu chỉ tăng ở mức 2 độ C so với thời tiền công nghiệp (1850 - 1900), khí hậu quanh năm của 77% các thành phố trong nghiên cứu sẽ có thay đổi lớn.

Chẳng hạn, khí hậu của London sẽ giống với khí hậu của Barcelona ngày nay, của Seattle sẽ giống  San Francisco. Tóm lại, trong chưa đầy 30 năm, cứ 4 thành phố lớn trên thế giới thì có 3 thành phố có khí hậu hoàn toàn khác với khí hậu mà đô thị và cơ sở hạ tầng của nó đã được thiết kế.

Đã có hơn 100 quốc gia cam kết sẽ đạt mức trung hòa lượng phát thải CO2 bằng 0 vào năm 2050 nhưng điều này là chưa đủ để ngăn chặn thảm họa khí hậu. Nhiều cam kết đã đưa ra còn mơ hồ.

Mỹ lên tiếng về việc ông Tập Cận Bình không đến dự trực tiếp hội nghị G20 và COP26 Mỹ lên tiếng về việc ông Tập Cận Bình không đến dự trực tiếp hội nghị G20 và COP26

TTO - Ngày 26-10, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã nhắc tên Chủ tịch Tập Cận Bình sau thông tin ông Tập sẽ không đến dự trực tiếp hai hội nghị toàn cầu sắp diễn ra ở châu Âu.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên