21/05/2019 16:32 GMT+7

Cứ 10 năm kiến trúc sư phải xin lại chứng chỉ hành nghề

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TTO - Nội dung trên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra khi trình dự án Luật Kiến trúc chiều 21-5 để đại biểu thảo luận lần cuối trước khi Quốc hội xem xét thông qua.

Cứ 10 năm kiến trúc sư phải xin lại chứng chỉ hành nghề - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) - Ảnh: Quochoi.vn

Quy định thời hạn để đảm bảo kiến trúc sư làm nghề liên tục

Giải trình nội dung này, chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết quy định thời hạn chứng chỉ hành nghề (CCHN) kiến trúc là cần thiết vì các kiến trúc sư làm nghề phải liên tục học tập, cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng, duy trì đạo đức nghề nghiệp. 

Qua tham khảo kinh nghiệm một số nước, dự thảo quy định CCHN có thời hạn 10 năm. 

Ba đối tượng được quy định bắt buộc có CCHN là kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân, cá nhân đảm nhận chức danh chủ trì thiết kế kiến trúc và cá nhân chịu trách nhiệm chuyên môn về kiến trúc trong tổ chức hành nghề kiến trúc.

Điều kiện để cấp CCHN kiến trúc của cá nhân là phải có kinh nghiệm tham gia thiết kế kiến trúc tối thiểu 3 năm tại tổ chức hành nghề kiến trúc, điểm này được giữ nguyên trong dự thảo sửa đổi, đồng thời bổ sung quy định một số trường hợp được xem xét miễn điều kiện trong cấp CCHN.

Kiến trúc sư không có CCHN vẫn được tham gia các dịch vụ kiến trúc trong các tổ chức hành nghề kiến trúc. Kiến trúc sư không có CCHN, đồng thời không tham gia các tổ chức hành nghề kiến trúc được tự do thực hiện các công việc trong lĩnh vực kiến trúc theo quy định của pháp luật.

Dự thảo cũng quy định giao UBND cấp tỉnh cấp CCHN. Về điểm này, Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất nên từng bước xã hội hóa giao việc cấp CCHN cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tuy nhiên hiện nay các tổ chức này chưa đáp ứng được nhu cầu.

Không cần phải quy định thời hạn

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng quy định CCHN kiến trúc có thời hạn 10 năm là không hợp lý, bởi CCNH được nhà nước công nhận. Thời gian hành nghề càng lâu, kiến trúc sư càng có nhiều kỹ năng và tích lũy nhiều được kinh nghiệm nên không có lý do gì để khống chế thời hạn. Ông Tiến đề nghị bỏ quy định này, cũng như bỏ cụm từ "thu hồi", "cấp lại" trong dự thảo luật.

Cùng quan điểm, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) không đồng tình với giải trình rằng quy định thời hạn CCHN kiến trúc 10 năm để đảm bảo phát triển nghề nghiệp liên tục và không vi phạm quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư, trong khi dự thảo luật quy định chỉ thu hồi CCHN khi kiến trúc sư vi phạm quy tắc ứng xử đạo đức nghề. 

"Như vậy chỉ cần quy định cụ thể các trường hợp bị thu hồi CCHN là đủ, để đảm bảo sự công bằng với các nghề nghiệp khác như luật sư, quản tài viên, đấu giá viên…, cũng như không để phát sinh các thủ tục hành chính không cần thiết", bà Dung nói.

Việc quy định UBND cấp tỉnh phải thành lập hội đồng để xét cấp và gia hạn CCHN kiến trúc, theo bà Dung, cũng là tạo thêm thủ tục hành chính, nhiêu khê, lãng phí. Đại biểu này đề nghị quy định rõ ràng các điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề để khi cá nhân nộp hồ sơ thì cơ quan cấp trả lời cấp hay không cấp chứ không lập thêm ban bệ.

Đà Lạt và lương tâm của một thế hệ kiến trúc Đà Lạt và lương tâm của một thế hệ kiến trúc

TTO - Đà Lạt mới chỉ 126 tuổi, là một đô thị quá trẻ, nhưng trong từng khúc quanh lịch sử luôn phóng chiếu ước mơ về một đô thị lý tưởng.

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên