12/10/2022 18:10 GMT+7

Cử tri TP.HCM lo ngại tình trạng 'làm đẹp' học bạ xét tuyển đại học

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - ‘Thực chất là chất lượng giáo dục phổ thông có tăng lên đến mức vậy hay không? Tôi nghĩ câu trả lời có ở tất cả trong từng gia đình, trong từng thầy cô giáo và học sinh’.

Cử tri TP.HCM lo ngại tình trạng làm đẹp học bạ xét tuyển đại học - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng chia sẻ ý kiến trong chiều 12-10 - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Chiều 12-10, Hội nghị tiếp xúc đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM với cử tri thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM đã diễn ra tại Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM. 

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM, thành viên Hội đồng Khoa học TP.HCM - cho rằng kỳ xét tuyển đại học, cao đẳng vừa qua ghi nhận quá nhiều học sinh có học bạ giỏi và xuất sắc.

Ông Hồng cho rằng phải chăng việc các trường đại học tăng cường tuyển sinh xét học bạ đã làm chất lượng học của học sinh "tăng lên", thể hiện qua điểm số tại trường phổ thông? 

Kết quả này rất đáng đặt dấu hỏi khi trong năm học 2021 - 2022 vừa qua, gần như học kỳ I, học sinh không được đến trường vì dịch. Vậy mà học bạ của các em ở những tổ hợp xét tuyển vẫn rất "đẹp".

"Thực chất là chất lượng giáo dục phổ thông có tăng lên đến mức vậy hay không? Tôi nghĩ câu trả lời có ở tất cả trong từng gia đình, trong từng thầy cô giáo và học sinh", ông Hồng nói và đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại thực trạng này. 

"Tôi không tin là chất lượng phổ thông của chúng ta tăng nhanh như thế", ông Hồng nói thêm. 

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng cũng cho rằng việc đánh giá ở bậc phổ thông phải đi vào "chất". Một số quốc gia hiện đang quy định tỉ lệ phần trăm số lượng học sinh giỏi và học sinh xuất sắc trong từng lớp.

Trong khi đó tại Việt Nam, theo ông Hồng, hiện gần như 100% học sinh tiểu học là học sinh giỏi, ở bậc THCS khoảng 60 - 70%, THPT khoảng 50%. "Cách đánh giá như thế cực kỳ nguy hiểm. Việc các trường phổ thông đều đạt tỉ lệ đến 50% học sinh đạt học lực giỏi không phải là điều đáng mừng, mà đáng lo", ông Hồng nói.

Cử tri TP.HCM lo ngại tình trạng làm đẹp học bạ xét tuyển đại học - Ảnh 2.

PGS.TS Đinh Phương Duy trình bày ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Trong khi đó, PGS.TS Đinh Phương Duy - chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục TP.HCM - kiến nghị Đoàn đại biểu TP.HCM cần có ý kiến với Quốc hội về việc nghiên cứu cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT.

PGS.TS Đinh Phương Duy giải thích bằng tốt nghiệp THPT hiện rất phổ biến nhưng thực tế không có nhiều ý nghĩa. Dẫu thế, mỗi năm cả nước vẫn phải tốn rất nhiều tiền để tổ chức kỳ thi này. Thay vì vậy, nên tạo điều kiện chuyển về cho các địa phương tổ chức kỳ thi.

Bên cạnh đó, PGS.TS Đinh Phương Duy cho rằng cần chấm dứt tình trạng lạm thu đầu năm học, đặc biệt với ban đại diện cha mẹ học sinh, khi năm nào cũng có những vụ việc được báo chí phản ánh khiến dư luận dậy sóng.

"Nếu tình trạng này vẫn liên tục xảy ra sẽ làm mất niềm tin lâu dài nơi cử tri", PGS.TS Đinh Phương Duy nói và cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm có ý kiến dứt khoát để ngăn chặn ngay lạm thu đầu năm học.

Xét giáo sư cần chú ý người có ứng dụng thực tiễn

Cử tri TP.HCM lo ngại tình trạng làm đẹp học bạ xét tuyển đại học  - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM - tiếp thu ý kiến của các cử tri - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Tại buổi tiếp xúc chiều 12-10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM - đồng tình với ý kiến của một số cử tri cho rằng việc công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư nên chú ý đến những ứng cử viên có những công trình ứng dụng vào thực tiễn được công nhận.

Theo ông Nhân, những yêu cầu hiện nay về việc các ứng viên có những bài đăng trên các tạp chí chuyên ngành là cần thiết nhưng cũng phải nhấn mạnh đến những người có các công trình thực sự góp phần phát triển đất nước.

"Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến của cử tri và trong dịp sắp tới gặp bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng là chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước, chúng tôi sẽ trình bày ý kiến này", ông Nhân nói.

Nếu các trường đua nhau Nếu các trường đua nhau 'làm đẹp' học bạ để xét đại học, công bằng ở đâu?

TTO - Theo nhiều giáo viên, việc nương nhẹ hoặc nâng điểm cho học sinh là có. Điều này gây bất bình đẳng cho học sinh khi xét tuyển đại học bằng học bạ.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên