27/07/2023 11:25 GMT+7

Cuộc trùng phùng đẫm nước mắt sau 50 năm ở nghĩa trang liệt sĩ

Những ngày tháng 7, có một cuộc trùng phùng vô cùng đặc biệt giữa liệt sĩ với thân nhân được kết nối qua những người lính quê Quảng Nam.

Ông Lữ Văn Năm (người đội mũ) bưng mặt khóc nức nở khi thấy mộ anh trai mình sau 50 năm - Ảnh: THANH HÙNG

Ông Lữ Văn Năm (người đội mũ) bưng mặt khóc nức nở khi thấy mộ anh trai mình sau 50 năm - Ảnh: THANH HÙNG

Liệt sĩ Lữ Văn Thái - quê Thanh Hóa - hy sinh và được nhân dân, đồng đội chăm lo nghỉ ngơi tại nghĩa trang liệt sĩ xã Hiệp Thuận (huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam). Thế nhưng suốt 50 năm qua, phần mộ liệt sĩ Thái vẫn chưa kết nối được với thân nhân.

Cuộc trùng phùng đẫm nước mắt

Chiều 25-7, ông Lữ Văn Năm (trú tại xã Tam Lư, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cùng người em họ là Hà Văng Ẳng đón xe gần 1.000km từ quê nhà vào vùng Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam.

Ông Lữ Văn Năm là em trai của liệt sĩ Lữ Văn Thái - yên nghỉ tại nghĩa trang xã Hiệp Thuận. Lúc xuống xe và đón trong vòng tay của những người cựu chiến binh Quảng Nam, cả ông Năm và ông Ẳng vẫn chưa dám tin rằng mình tìm được mộ người anh trai đã hy sinh tròn 50 năm.

Giây phút trùng phùng nghẹn ngào tại nghĩa trang liệt sĩ Hiệp Thuận - Clip: THANH HÙNG

Tuy nhiên khi thấy tấm bia đá màu trắng khắc dòng chữ "Lê Văn Thái (Thác)" thì ông Năm bước vội rồi đổ sụp, nước mắt cứ thế rơi. Ông biết chắc chắn rằng dưới mộ chính là anh trai mình.

"50 năm rồi anh ơi! Mỗi năm đến ngày mất thì gia đình đều làm giỗ tưởng nhớ anh. Em lúc nào cũng nhớ về anh và mong được tìm gặp anh. Hôm nay ước nguyện của em và các con đã thành hiện thực rồi" - ông Năm bưng mặt khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm tấm khăn.

Đứng cạnh đó, ông Đặng Ngọc Nga và Lê Thanh Hùng - hai cựu chiến binh Quảng Nam đã trực tiếp tìm kiếm, kết nối để đưa gia đình ông Năm tìm được phần mộ anh trai mình - cũng không giấu được dòng nước mắt.

50 năm miệt mài tìm anh là liệt sĩ

Câu chuyện trùng phùng của gia đình liệt sĩ Lữ Văn Thái được kết nối từ nhóm cựu binh Quảng Nam, trong đó người góp phần quan trọng là ông Đặng Ngọc Nga.

Ông Nga cho biết nhiều năm trước, khi đi thắp hương ở nghĩa trang liệt sĩ xã Hiệp Thuận ông tình cờ thấy hai tấm bia của hai liệt sĩ nằm cạnh nhau quê ở Thanh Hóa. Trên bia liệt sĩ ghi thông tin rất ít.

Bữa cơm cúng liệt sĩ Thái được ông Năm cùng đồng đội tổ chức ấm cúng ngay trước ngày 27-7 - Ảnh: THANH HÙNG

Bữa cơm cúng liệt sĩ Thái được ông Năm cùng đồng đội tổ chức ấm cúng ngay trước ngày 27-7 - Ảnh: THANH HÙNG

Tấm bia liệt sĩ Thái chỉ có họ tên, quê ở tỉnh Thanh Hóa. Các thông tin như ngày hy sinh, đơn vị chiến đấu, mặt trận hy sinh cũng bị bỏ trống. Tin chắc rằng gia đình đang mòn mỏi tìm kiếm, ông bắt đầu đi lần dò.

"Tôi tìm thấy được tên liệt sĩ Thái trong kho lưu trữ một đơn vị tại Quảng Nam. Ngay lập tức tôi viết thư về huyện, về xã. Thư đi mải miết nhưng chẳng thấy hồi âm. Tôi lại viết thư tiếp, liên hệ với ngành thương binh - xã hội ở Thanh Hóa" - ông Nga nhớ lại.

Qua nhiều kết nối, ông gặp được bí thư Đoàn thanh niên huyện. Người này thông tin rằng địa chỉ ghi trong hồ sơ liệt sĩ Thái nay đã đổi tên, tách xã. Ông Nga lại tiếp tục liên hệ với cả hai xã mới. Tới năm 2020 xác định được ở bản Hậu, xã Tam Lư, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa có một gia đình có thân nhân như trong hồ sơ liệt sĩ Thái.

"Họ đây rồi! Tôi reo lên khi nhận được thư. Tôi hỏi thì cán bộ ngoài đó nói vùng bản Hậu phải đi qua sông Mã, không có sóng điện thoại, không có Internet. Bà con muốn nghe gọi thì phải ra chợ. Tôi đành viết thư tay. Thư gửi đi thì tầm 2 tuần sau nhận được thư hồi đáp. Chính là gia đình liệt sĩ Thái" - ông Nga kể.

Ông Đặng Ngọc Nga (đứng giữa) cùng ông Năm, thân nhân viếng nghĩa trang liệt sĩ xã Hiệp Thuận - Ảnh: THANH HÙNG

Ông Đặng Ngọc Nga (đứng giữa) cùng ông Năm, thân nhân viếng nghĩa trang liệt sĩ xã Hiệp Thuận - Ảnh: THANH HÙNG

Suốt từ năm 2020 đến ngày đoàn tụ vào sáng 25-7, cả ông Nga và phía gia đình liệt sĩ Thái cẩn trọng xác minh thông tin về liệt sĩ qua nhiều kênh khác nhau với sự hỗ trợ của cả hai tỉnh đội Quảng Nam và Thanh Hóa.

Khuya 23-7, chuyến xe đò ngược lên Tam Lư đón hai người đàn ông bộ dạng lam lũ, trên tay cầm chiếc túi vải là ông Năm và ông Ẳng để vào Quảng Nam. Chuyến đi đó dài gần 1.000km, gần một ngày đêm trên đường nhưng cả hai người không ngủ. Họ đã phải chờ đợi suốt 50 năm rồi.

Gặp anh dưới mộ phần

Ngồi bên mộ anh trai với ánh mắt đỏ hoe, dáng vẻ mệt mỏi vì di chuyển đường dài, ông Lữ Văn Năm nói rằng mẹ ông sinh được 3 anh em, liệt sĩ Thái là con đầu, ông là con thứ hai và sau còn một người em gái.

"Anh Thái mất khi tôi 16 tuổi. Lúc đó tôi chỉ biết là anh đi bộ đội rồi hy sinh. Tôi và em gái còn sống. Mẹ tôi mất năm 1978 và tới năm 1999 thì bố cũng mất.

Những giọt nước mắt xúc động, đau thương của thân nhân liệt sĩ Thái trong ngày trùng phùng sau 50 năm - Ảnh: THANH HÙNG

Những giọt nước mắt xúc động, đau thương của thân nhân liệt sĩ Thái trong ngày trùng phùng sau 50 năm - Ảnh: THANH HÙNG

Gia đình thờ anh mấy chục năm qua nhưng không có ảnh, mẹ và bố tôi khóc khô nước mắt, trước lúc qua đời đều nắm tay dặn dò anh em tôi phải tìm bằng được anh Thái. Chúng tôi hỏi quanh suốt 50 năm rồi nhưng chẳng có thông tin gì, mình là người đồng bào trên núi cao, làm nông dân, ít học nên cũng chẳng biết đi tìm ở đâu" - ông Năm nói.

Sau chuyến đi Quảng Nam, sáng 27-7 qua điện thoại, ông Năm nói đã về tới quê nhà. Trước mắt gia đình sẽ tạm để liệt sĩ Thái yên nghỉ tại Quảng Nam.

"Sáng nay xã tổ chức tưởng niệm 27-7, mời thân nhân các gia đình chính sách gặp mặt. Nhà tôi cũng sửa soạn, cầm kỷ vật của anh Thái để đi lên xã. Năm nay là thấy phấn khởi nhất" - ông Năm nói.

"Bữa cơm tri ân" ấm lòng trước ngày 27-7'Bữa cơm tri ân' ấm lòng trước ngày 27-7

Bà Lê Thị Bốn (79 tuổi, xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, Bình Định) vừa cầm chén cơm vừa lau nước mắt khi bữa cơm ấm áp sự quan tâm và sự ghi nhớ của lớp trẻ về công lao của thế hệ đi trước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên