21/12/2023 09:30 GMT+7

Cuối năm 'chợ người' đốt lửa chờ việc

Họ nghèo khó, ngày ngày ngóng việc, ai gọi làm gì thì đi, ai nhờ gì thì làm nấy. Mấy hôm nay Hà Nội mưa rét thấu xương, họ vẫn gắng ra đứng ở "chợ người" đốt lửa chờ việc đến mình để mong có suất cơm đầy cho vợ con.

Mang theo củi sưởi ấm để ngóng việc ở “chợ người” - Ảnh: TÂM LÊ

Mang theo củi sưởi ấm để ngóng việc ở “chợ người” - Ảnh: TÂM LÊ

Sắp 7h sáng, trời Hà Nội vẫn còn mù tối, mưa phùn khiến rét càng thêm tê tái. Ở khu chợ đặc biệt này bắt đầu xuất hiện những người mang theo một khúc củi chống rét để ngóng việc.

Thằng con út tôi sinh năm nào thì tôi ra chợ người Hà Nội năm đó, giờ nó 23 tuổi rồi, thời gian nhanh quá.

Ông LÊ ĐÌNH VĂN

Mỗi người ra chợ mang theo một khúc củi

Tại nơi tụ "chợ" đông đúc ở vòng xuyến dốc Bưởi (Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội), chị Phương và anh Thành là những người có mặt đầu tiên trong buổi sáng buốt lạnh. Dù đã bọc kín người chỉ trừ hai con mắt nhưng chỉ vài chục phút sau, chị đã phải kiếm củi đốt sưởi gần trụ cầu vượt.

Lần lượt những người khác tới, kẻ chở theo thanh củi to, người vác cả cánh cửa gỗ hỏng đến kéo dài thời gian đốt sưởi ấm. Chiếc ghế sofa cũ ai đó vứt đi trở thành đệm xa xỉ cho những người mưu sinh ngày rét. Ngọn lửa lớn dần, người đứng kẻ ngồi áp sát vào nhau, đưa tay chân lại gần đống lửa.

Có người chỉ mặc áo khoác mỏng, đi dép tổ ong, miệng thở ra khói và phải liên tục nhún nhảy cho nóng người. Ngoài trời mưa vẫn rơi dày hạt, nhiệt độ lúc này xuống còn 12oC.

Khi tiếng còi xe trên đường ồn ã, chợ người cũng đông dần, trẻ có già có. Phần lớn đi xe máy biển số 37, giọng đặc miền quê xứ Nghệ. Hỏi ra mới biết đều cùng ở Yên Thành, Nghệ An. Có người đã đến chợ từ năm 1994 - những năm bữa ăn còn thiếu đói.

Có tới ba đống lửa được đốt lên ở ba góc vòng xuyến đường và ba nhóm người đứng tụm vào nhau. Ông Đoàn Bá Hải - 55 tuổi, một trong những cảnh đời phải lây lất bám "chợ người" lâu năm nhất - thở dài: "Rét này chưa ăn thua, có những năm rét đến mức có việc mà không đi làm nổi. Bây giờ vẫn đi làm được lại không có việc".

Người đến ngày càng đông, nhưng người may mắn được gọi đi làm rất ít. Chị Phương, anh Thành đến sớm nhất nhưng mãi gần trưa mới có khách gọi chị đi phụ hồ. Còn anh Thành được một đồng nghiệp đèo đi bằng xe máy, vác theo cuốc xẻng.

Ông Đoàn Bá Hải ngồi một góc gọi điện hỏi tình hình con gái

Ông Đoàn Bá Hải ngồi một góc gọi điện hỏi tình hình con gái

Lập cập đứng ngóng khách

Những ngày không lạnh, người tìm việc hay đứng sát đường để người thuê dễ lựa chọn. Nay phải đốt đống lửa sưởi ấm, ai cũng đứng ghé vào nhưng mặt vẫn phải quay ra đường để ngóng khách.

Trời về trưa đã ngớt mưa nhưng gió lạnh vẫn thổi xốc từng cơn rét thấu xương. Người thì mở điện thoại trông đợi cuộc gọi, tin nhắn khách quen. Người trẻ thì hồi hộp tìm trên trang "Việc tìm người".

Ông Hải đã mỏi chân, lê bước về quán nước chè làm một cốc nóng cho ấm bụng. Chủ quán nước đã quen mặt, hỏi han việc hôm nay thế nào. Ông Hải lập cập trả lời ra hơi khói lạnh rằng tối qua may mắn nhận việc lắp ráp khu vui chơi ở một trung tâm thương mại và phải thức trắng đêm để làm với tiền công 800.000 đồng/người.

- Làm trắng đêm sao ban ngày ông còn sức ra đây đợi việc? - tôi hỏi.

- Về ngủ được hai tiếng rồi, 8h chạy ra đây chứ không nằm ở nhà được. Ai gọi thì đi làm, nghề này như đi câu ấy, bữa có việc bữa không.

"Chợ người" này có thể nhận đủ việc, từ bốc vác, chở đồ đến xây lắp, khoan lắp, sơn sửa. Người có chuyên môn nhờ học nghề đàng hoàng như lớp trẻ, người nhờ kinh nghiệm nhiều năm.

Không chỉ nội thành Hà Nội, nhóm ông Hải còn nhận việc ở các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương nếu có việc tốt.

Trong những việc kể trên, việc liên quan xây dựng như xây trát, phụ hồ, khoan cắt, sơn phết thường là nhiều nhất. Nhưng năm nay xây dựng "đóng băng", ngay cả sửa nhà dịp cuối năm cũng ít. Như chợt nhớ điều gì, ông vội mở điện thoại tìm tên người gọi video call nhưng không thấy bắt máy.

"Con gái sáng nay từ Sài Gòn ra, không biết đã tới Vinh chưa. Em nó vừa ra trường, vào làm được việc một tháng lương thấp quá nên tôi bảo về quê rồi tính. Con gái mới lớn, một mình xa nhà nên lo lắm", ông Hải tâm sự.

Là một trong số người rời quê ra nhập chợ sớm nhất khi xung quanh còn chưa có những tòa nhà cao tầng, dĩ nhiên chưa có mái che cầu vượt bề thế như hiện nay, ông Hải và những người đi bán sức lao động phải đứng dưới gốc cây để tránh mưa nắng.

Thậm chí có người phải ngủ vỉa hè, chưa có nhà trọ nên những trận rét thâm da cắt thịt khiến ông Hải không khỏi rùng mình khi nhớ lại hành trình mưu sinh cơ cực bao năm qua.

Đến gần trưa, nhiều người vẫn ngóng ra đường đợi việc

Đến gần trưa, nhiều người vẫn ngóng ra đường đợi việc

Cố gắng mang Tết về cho vợ con

Chúng tôi ghé thăm những điểm chợ khác quy mô nhỏ hơn như ở góc Hàng Khoai tại chợ Đồng Xuân trên phố cổ và "chợ người" Giảng Võ nổi tiếng một thời. Nơi nào cũng đốt củi sưởi ấm, người đứng kẻ ngồi xuýt xoa trong giá lạnh. Ai cũng gắng đợi việc, tiết kiệm chi tiêu để cuối năm cho vợ sắm Tết.

Ở góc chợ Đồng Xuân, người từ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Hòa Bình xuống chủ yếu làm bốc vác, vận chuyển hàng hóa.

Anh Hà Văn Điệp - 41 tuổi, quê Lục Yên, Yên Bái - than: "Năm nay ít việc, một số đã về quê sớm, số ở lại tranh thủ chạy xe ôm, giao đồ ăn, làm đêm để kiếm thêm thu nhập. Tết về tay không thì vợ con lại buồn".

Khu chợ Giảng Võ lại càng thưa vắng, những năm 1990 khu chợ này được xem là lớn nhất Hà Nội. Trên vỉa hè Đê La Thành, cạnh đèn đỏ ngã tư Giảng Võ (Láng Hạ), hai người đàn ông đã luống tuổi đang ngồi hơ tay bên đống lửa nhỏ sắp tàn.

Chiếc xe máy chở hàng lắp móc kéo xe ba gác để sẵn đang chờ khách. Cả hai người đàn ông đang đợi việc đều cùng quê Quảng Lưu, Quảng Xương, Thanh Hóa. Cùng ra Hà Nội nhập chợ từ 20 năm trước, thời chợ người Giảng Võ còn đông đúc.

"Thằng con út của tôi sinh năm nào thì tôi ra chợ người Hà Nội năm đó, giờ nó 23 tuổi rồi, thời gian nhanh quá", ông Lê Đình Văn nhớ lại.

Tay ông kéo mũi giày rách do mới bị ngã xe tuần trước, đầu gối và tay vẫn còn sưng những chỗ bị trầy da. "May mà có đôi giày cứng vẫn còn đi được. Mắt mờ, chạy xe chở hàng nhá nhem tối nên húc vào lan can, tự mình ngã thôi", ông Văn giải thích.

Ông và vợ cùng ra Hà Nội mưu sinh ở khu chợ người Giảng Võ nhiều năm, vợ ông mới về quê mở quán bánh cuốn. Ông bám trụ ở lại vì thu nhập vẫn còn hơn ở quê.

"Ở đây trừ chi phí, dè sẻn cũng gửi được về quê tí tiền mỗi tháng. Tôi bàn với vợ rồi, hứa Tết này khó cũng cố gắng sắm Tết cho bà ấy với mấy đứa con", ông Văn tâm sự trong cơn gió rét như cắt thịt da.

Sau thế hệ ông Đoàn Bá Hải, nhiều thanh niên trong xã cũng rủ nhau ra Hà Nội nhập "chợ người" như ông.

"Nếu chịu khó làm ăn thì thu nhập tốt hơn mấy sào ruộng ở quê, tiền công theo ngày nên chi tiêu cũng đỡ. Thế hệ 7X- 8X giờ đang nuôi con học đại học, đóng tiền cho con xuất khẩu lao động, tương lai con cái đỡ vất vả hơn bố mẹ nhiều" - ông Hải kéo khóa cổ áo ấm, vui vẻ khoe có ba con đều được học hành đầy đủ.

Con gái đầu vừa ra trường, con trai thứ hai ra làm với bố một thời gian cũng đi học nghề ô tô, còn con út đang học lớp 8.

Người lao động ở Hà Nội trùm áo mưa, đốt lửa chống rét để mưu sinhNgười lao động ở Hà Nội trùm áo mưa, đốt lửa chống rét để mưu sinh

TTO - Tại các con đường, góc phố, khu chợ ở Hà Nội, những công nhân vệ sinh môi trường, các bác xe ôm, những người phu hàng, người bán hàng rong... vẫn bám trụ, bất chấp giá rét để kiếm miếng cơm, manh áo.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên