03/04/2020 16:28 GMT+7

Cười từ nước mắt của cây: Tạp văn là tinh chất ngọt lành

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Không chỉ tập hợp các bài tạp văn chủ yếu viết về người thật việc thật từ các trải nghiệm của chính mình, Cười từ nước mắt của cây còn là ấn phẩm Trần Minh Hợp tự đánh dấu cho hành trình 10 năm viết tạp bút của mình.

Cười từ nước mắt của cây: Tạp văn là tinh chất ngọt lành - Ảnh 1.

Trong đó, phần lớn tác phẩm của anh từng được in trên báo Tuổi Trẻ, tính từ bài Đường ra mả in trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần năm 2010.

Nhưng có vẻ đó chỉ là cái cớ, còn người đọc vẫn dễ nhận ra nét chân thật trong những trang tạp văn của anh.

Như cái cách anh tự nhận mình vốn hờ hững với cây sa kê, dù từng thấy quen, từng có chú ý đến tên gọi nhưng ấn tượng lại là: chắc cây này vô dụng.

Để rồi khi chứng kiến những nhà dân miền Tây khốn khó trong bão, nghe chuyện mới biết cây sa kê có giá trị thế nào trong từng bữa ăn, trong đời sống, bữa chợ quê... của dân nghèo.

Sự chân thật trong hơi văn còn toát ra từ chính những đề tài, tình tiết mà tác giả nắm bắt được. Từ kỷ niệm hồi bé thơ "ăn theo" người lớn đan vật dụng bằng thân cây lục bình, tác giả bắt gặp một phụ nữ nghèo mưu sinh bằng công việc vớt và phơi cây lục bình ở vùng Thạnh Hóa - Long An.

Câu chuyện đơn giản trong muôn trùng mảnh sống của người dân vùng sông nước, nhưng một điểm bất ngờ tác giả phát hiện được là người phụ nữ kia tuy công việc gắn liền với mặt nước nhưng lại không biết bơi.

Không biết bơi như vậy có nhiều nỗi khổ, cả cái khổ không dám mang cơm theo ăn trưa trên xuồng vì sợ loay hoay đổ cơm xuồng lật. Và rồi cũng có lần chị bị té xuồng thật, chính hình ảnh ấy làm bật ra trong văn của Trần Minh Hợp một câu văn chỉ với nghĩa đen cũng đủ thấm thía:

"Cuộc đời chị rị níu lục bình để không bị chết đói và rị níu lục bình để không bị chết đuối". Đây cũng chính là chỗ tinh tế của văn chương, cái chỗ mà mọi sự hào nhoáng cảnh vẻ, tạo dáng ngôn từ... sẽ không chạm đến được.

Thỉnh thoảng người đọc lại bắt gặp trong văn Trần Minh Hợp những cấu tứ thật đắt: Một ông lão nghèo chết vợ phải nuôi ba đứa con, đã nảy ra một triết lý độc nhất vô nhị: "Nếu trái đất hình chữ nhật hoặc hình vuông thì chú sẽ dạy các con nấp vào các góc.

Nếu trái đất hình nón, hình chóp hay hình tam giác, chú sẽ dạy các con bon chen lên đỉnh cao. Mà thực tế trái đất là hình tròn, không lẩn trốn vào đâu được nên chú dạy các con phải nhìn thẳng vào sự nghèo khó của mình thì mới tồn tại được...".

Những trang viết về đời thường như vậy mang lại niềm tin trong những người đọc rằng Trần Minh Hợp sẽ còn canh tác với văn chương những vụ mùa tươm tất hơn nữa, nhất là khi anh ý thức rằng "Tạp bút là cách tôi ghi chép một cách chân thật và nguyên vẹn những tinh chất ngọt lành trên thớ đất ruột thịt khắp trung, nam, bắc...".

Ra mắt Truyện Kiều bản tiếng Anh của Dương Tường Ra mắt Truyện Kiều bản tiếng Anh của Dương Tường

TTO - Cuốn Kiều phiên bản tiếng Anh do dịch giả Dương Tường chuyển ngữ - Kiều in Dương Tường’s version vừa ra mắt độc giả.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên