20/05/2013 03:49 GMT+7

Cứu nạn mắc oan

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TT - Tròn một năm kể từ vụ tai nạn thảm khốc ở cầu Sêrêpốk, nông dân Lê Văn Hiệu, một trong những người đầu tiên và tích cực nhất tham gia cứu nạn, đã gần như trút bỏ được gánh nặng vì mang tiếng “cứu người để hôi của”.

w47Y3DcI.jpgPhóng to
Đoạn cầu nơi chiếc xe khách mất lái và lao xuống sông Sêrêpốk một năm sau tai nạn đã được gia cố - Ảnh: B.D.

22g30 ngày 17-5-2012, như thường lệ ông Hiệu (xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) bật tivi nằm lim dim. Bỗng “rầm” - một tiếng nổ như muốn xé toang căn nhà. Vội vã bật đèn pin, hai cha con ông lao ra phía chân cầu, cảnh tượng thảm khốc diễn ra trước mặt: chiếc xe khách đồ sộ lao xuống gầm cầu bẹp dúm... Suốt đêm hôm ấy ông cùng vợ, con và nhiều người lao vào cứu nạn, thân thể dính đầy máu và bùn đất tanh nồng.

Không có chuyện mất tài sản

Nhiều người dân ở cầu Sêrêpốk và những người tham gia cứu nạn biết chuyện ông Hiệu bị tiếng oan sau khi tham gia cứu người. Ông Hiệu cho biết: “Mấy hôm đó cả gia đình tôi lo cứu người, hỗ trợ hiện trường vụ tai nạn, bỏ bê cả nhà cửa... Thế mà không hiểu sao lại có thông tin nói tôi lấy tiền của các nạn nhân. Nghe mà buồn lắm”.

Ông kể tai nạn xảy ra thấy quá nhiều người chết trong cảnh thương tâm, nhà ông lại sát hiện trường nên cả nhà chạy ra cứu người, báo động mọi người tới hỗ trợ. Sau khi cứu nạn, thỉnh thoảng lại nghe có người nói ông và một số người nhặt được ví tiền, hành lý của các nạn nhân. Những thông tin ấy ông không biết bày tỏ cùng ai, cho tới khi được Ban An toàn giao thông quốc gia tuyên dương và mời ra Hà Nội nhận bằng khen của Thủ tướng ông mới cảm thấy nhẹ lòng.

Là người trực tiếp tham gia công tác giải quyết và hỗ trợ chia sẻ với các gia đình có người bị nạn trong vụ cầu Sêrêpốk, ông Lê Xuân Biểu - nguyên giám đốc Sở Giao thông vận tải Đắk Lắk - khẳng định việc cứu hộ người bị nạn trong vụ tai nạn nói trên đã có sự đóng góp rất lớn của những người dân. “Chúng tôi tuyên dương những người tham gia cứu hộ và bày tỏ sự biết ơn họ. Từ khi xảy ra sự việc đến nay, người nhà các gia đình cũng gặp gỡ các hộ dân cứu hộ này, không ai than phiền gì về chuyện mất tài sản như một số lời đồn đoán” - ông Biểu nói.

Còn ông Nguyễn Sỹ Hùng - chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Hòa Phú và cũng là hàng xóm của ông Hiệu - khẳng định: “Hiện trường vụ tai nạn tối đen, nạn nhân mắc kẹt trong xe nên không thể tiếp cận, phải dùng búa và máy cưa để phá xe mới đưa được thi thể nạn nhân ra. Vậy làm sao có thể lấy tài sản được? Hơn nữa là hàng xóm nên tôi biết gia đình ông Hiệu dù nghèo nhưng rất tốt bụng, không chỉ trong vụ tai nạn cầu Sêrêpốk mà rất nhiều người nhảy cầu đã được ông cứu mạng”.

lB2ObsWP.jpgPhóng to
Ông Hiệu thường ra hiện trường để hương khói cho các nạn nhân xấu số - Ảnh: B.D.

“Hiệu ơi, cứu người”

Nhà ngay chân cầu Sêrêpốk, là dân chài lưới, ông Hiệu giỏi bơi lội nên đã trở thành ân nhân của không biết bao nhiêu người trước ngưỡng cửa cái chết. “Không hiểu sao ở cái cầu này năm nào cũng có mấy vụ tự tử, số lần người nhảy cầu nhiều và lặp đi lặp lại đến nỗi giờ cứ vào 8g-10g và 14g-16g là tôi lại thấy bất an, phải chạy ra sông quan sát cho bằng được” - ông Hiệu nói.

Ông cho biết hễ lúc nào nghe tiếng hét “Hiệu ơi cứu người” là “quẳng thuyền lao ra cứu chứ không nghĩ gì nữa”. Bà Quý - vợ ông - kể đến nay hàng chục người đã được ông cứu mà thoát chết. Phần lớn những người được cứu sống này đều mang ơn gia đình ông Hiệu và tìm đến cảm ơn, cũng có người đi không quay lại. “Nhiều lúc gặp người tự tử, nước chảy quá xiết thì mình bơi tới thấy người ta đã chết thì day dứt lắm, cảm thấy như mình mắc nợ vậy” - ông Hiệu nói.

Ông Hiệu cho biết ngày 17-5 này là tròn một năm xảy ra thảm nạn, dù không máu mủ với những người xấu số nhưng vợ chồng ông vẫn nhắc con cái chuẩn bị một mâm cơm, mấy bó nhang làm một cái lễ an ủi những linh hồn xấu số.

Ngày giỗ đầu

22g30 ngày 17-5-2012, chiếc xe khách đường dài của HTX vận tải Quyết Thắng xuất phát từ huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk xuôi về TP.HCM mang theo 52 hành khách lao xuống dòng Sêrêpốk. Vụ tai nạn được cho là nghiêm trọng nhất từ trước đến nay tại Đắk Lắk đã cướp đi sinh mạng của 34 người, trong đó có nhiều người trong cùng một gia đình.

Ngày 17-5-2013, gia đình các nạn nhân đã tổ chức lễ giỗ đầu cho những người xấu số. Một năm qua đi trong nặng trĩu, buồn đau vẫn đeo đuổi người ở lại. Nhiều tổ chức đoàn thể từ Chính phủ, các bộ ngành đến địa phương đã chung tay hỗ trợ. Riêng HTX Quyết Thắng - đơn vị quản lý chiếc xe khách gặp nạn - cũng đã có chế độ chăm sóc, đền bù và nhận trách nhiệm đối với các gia đình nạn nhân.

“Cảnh tỉnh toàn ngành giao thông”

Ông Lê Xuân Biểu cho biết vụ tai nạn thảm khốc trên cầu Sêrêpốk đã gây ra cú sốc và để lại mất mát quá lớn nhưng cũng là sự cảnh tỉnh đối với ngành giao thông của địa phương. Theo ông Biểu, ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, ngành công an và Sở Giao thông vận tải Đắk Lắk đã tổ chức buổi họp với các tài xế của tỉnh để nhắc nhở và cảnh tỉnh nguy cơ tai nạn. Một loạt động thái khác nhằm siết chặt lại việc quản lý an toàn giao thông đường bộ cũng được triển khai như kiểm tra giấy phép lưu hành phương tiện, trang bị thiết bị giám sát hành trình, quản lý lai lịch tài xế.

Thượng tá Nguyễn Văn Đức - trưởng Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đắk Lắk - cho biết do tài xế điều khiển chiếc xe gây tai nạn từng có liên quan đến ma túy nên sau vụ tai nạn, Đắk Lắk là đơn vị đầu tiên trên toàn quốc triển khai việc xét nghiệm ma túy đối với tài xế và nhiều người đã bị tước giấy phép lái xe.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên