12/09/2023 17:57 GMT+7

Đà Nẵng: khan hiếm, thuốc trị đau mắt đỏ bị 'hét' giá cao

Đến lượt Đà Nẵng khan hiếm một số thuốc sử dụng điều trị đau mắt đỏ. Nhiều người dân tìm mua thuốc nhỏ mắt Tobrex, Tobradex không có nên tìm các loại thuốc tương tự khác để thay thế nhưng cũng hết.

Dung dịch nhỏ mắt Tobrex, Tobradex khan hiếm, một số cửa hàng khuyến cáo khách mua các loại thuốc nhỏ mắt khác thay thế - Ảnh: TR.TRUNG

Dung dịch nhỏ mắt Tobrex, Tobradex khan hiếm, một số cửa hàng khuyến cáo khách mua các loại thuốc nhỏ mắt khác thay thế - Ảnh: TR.TRUNG

Những ngày qua, do có dịch đau mắt đỏ nên nhiều người dân đã đi mua thuốc. Thậm chí nhiều người chưa bị nhưng vẫn có tâm lý mua để đề phòng, khi hay tin các tỉnh phía Nam khan hiếm thuốc nhỏ mắt do dịch lây lan nhanh.

Nhiều nơi báo hết thuốc

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, nhiều người dân tìm mua loại thuốc nhỏ mắt Tobrex nhưng nhiều cửa tiệm đã "đứt hàng". Các cửa hàng bán lẻ ở quận Hải Châu và Cẩm Lệ cho biết đã hết loại thuốc nhỏ mắt này do những ngày qua nhu cầu mua đột biến.

Tại nhà thuốc Tâm An (đường Phạm Tứ), khi khách hàng hỏi mua thuốc nhỏ mắt cho trẻ em thì nhân viên bán hàng cho biết "hết hàng". 

Nhân viên này giải thích thuốc Tobrex nhập khẩu và Tobradex sản xuất trong nước đều đã hết hàng từ nhiều ngày. 

"Giờ còn một vài lọ thuốc cùng loại nhưng cay lắm, trẻ không chịu nhỏ đâu anh. Có hai loại kia (Tobrex và Tobradex - PV) thì may trẻ con chịu được"- nhân viên này nói và mong khách hàng thông cảm.

Nhà thuốc của cửa hàng Long Châu có quy mô lớn nhất quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng cũng đứt hàng thuốc nhỏ mắt Tobrex - Ảnh: TR.TRUNG

Nhà thuốc của cửa hàng Long Châu có quy mô lớn nhất quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng cũng đứt hàng thuốc nhỏ mắt Tobrex - Ảnh: TR.TRUNG

Trong khi đó, tại cửa hàng Long Châu (đường Ông Ích Đường), nhân viên cũng cho biết "đứt hàng" thuốc nhỏ mắt từ 2 ngày qua. Hiện cửa hàng còn thuốc viên nhưng thuốc viên bán theo đơn thuốc.  

Tại cửa hàng trên đường Đinh Châu (quận Cẩm Lệ), loại thuốc nhỏ mắt Tobrex, Tobradex đã hết hàng vài ngày qua. Chủ cửa hàng cho biết thông thường cửa hàng nhập về 1 lốc 20 lọ mỗi loại, bán trong vòng nửa tháng.

Tuy nhiên, đợt này thì thuốc đã bán hết sạch từ ba ngày trước. Hiện cửa hàng chỉ có các loại thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh tương tự với số lượng ít với giá rất rẻ. Tuy nhiên khách chỉ mua lai rai.

Chủ cửa hàng này nhìn nhận đang có hiện tượng "gom hàng" đối với loại thuốc này khi có dịch.

"Bây giờ muốn mua loại thuốc này thì đại lý bảo tôi phải nhập hàng giá cao gấp đôi. Cửa hàng tôi chủ yếu bán cho người dân địa phương, mà mua về bán giá gấp đôi là khách bỏ tiệm, nên mấy ngày nay tôi tư vấn khách mua các loại thuốc khác thay thế" - người này nói.

Số ca bệnh tăng nhanh, khuyến cáo không tự mua thuốc

Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, số lượng bệnh nhân viêm kết mạc (đau mắt đỏ) đến khám, điều trị trong vòng 10 ngày đầu tháng đang tăng rất nhanh.

Tính từ ngày 1 đến 10-9, có hơn 1.300 bệnh nhân đến khám và điều trị, chưa kể có rất nhiều bệnh nhân điện thoại đến đường dây nóng nhờ tư vấn mua thuốc.

Bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Trang - phụ trách phòng kế hoạch Bệnh viện Mắt Đà Nẵng - cho biết thuốc đặc trị đỏ mắt tại bệnh viện vẫn đảm bảo, tuy nhiên vẫn có thể có nguy cơ thiếu thuốc nếu dịch bùng phát mạnh.

"Số ca bệnh tăng từ sau lễ khi các cháu đi học trở lại, số lượng bệnh đến khám có khi tăng gấp 3-4 lần so với ngày bình thường vì các cháu chưa biết cách bảo vệ mắt.

Chúng tôi khuyến cáo người bệnh nên tìm đến bác sĩ nhãn khoa. Vừa qua có tình trạng bệnh nhân tự ý dùng thuốc nhỏ mắt mà không qua chẩn đoán, điều trị nên dẫn đến biến chứng" - bác sĩ Trang khuyến cáo.

Bác sĩ Trang cho biết xu hướng đợt bùng dịch đau mắt đỏ lần này là do vi rút gây ra nên rất khó điều trị, và phải dùng thuốc kháng vi rút. Nếu bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc không đúng liều lượng sẽ bị nặng nề hơn, lúc đó việc chữa trị kéo dài và dễ tái phát.

Đau mắt đỏ, lo phòng bệnh vẫn hơn

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng, hiện nay bệnh đau mắt đỏ tại Đà Nẵng vẫn chưa có dấu hiệu là đỉnh dịch. Việc phòng tránh bệnh vẫn rất quan trọng. Người dân không nên dùng chung khăn, không ôm hôn, không ngủ cùng để hạn chế lây nhiễm.

Sở Y tế TP.HCM thông tin tình hình bệnh đau mắt đỏ và thuốc điều trịSở Y tế TP.HCM thông tin tình hình bệnh đau mắt đỏ và thuốc điều trị

Chiều 11-9, Sở Y tế TP.HCM thông tin thêm về nguồn lây, mức độ gây bệnh, tình hình thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ đang lưu hành tại thành phố.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên