31/10/2022 11:30 GMT+7

Đại biểu Quốc hội: Xóa tiêu cực, trì trệ không chỉ dừng ở xử lý người gây ra mà phải cải tổ bộ máy

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Đại biểu Trần Hữu Hậu cho rằng để xóa đi những tiêu cực, trì trệ, yếu kém thì không chỉ dừng lại ở việc xử lý những người trực tiếp gây ra nó, mà vấn đề căn bản phải cải tổ bộ máy, phương thức vận hành của bộ máy ấy.

Đại biểu Quốc hội: Xóa tiêu cực, trì trệ không chỉ dừng ở xử lý người gây ra mà phải cải tổ bộ máy - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Hữu Hậu - Ảnh: PHẠM THẮNG

Sáng 31-10, Quốc hội đã thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) cho rằng những thất thoát, lãng phí rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển mà đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ ra "chỉ là phần nổi của tảng băng".

Ông cho rằng đằng sau những lãng phí hữu hình ấy là những lãng phí vô hình với sức tàn phá lớn hơn nhiều.

Điều này không chỉ "làm mất đi cơ hội phát triển" mà còn làm nghèo đất nước, làm lãng phí những nguồn lực quý giá của quốc gia, làm suy yếu bộ máy công quyền. Cùng với tham nhũng thì 2 "giặc nội xâm" này có thể sẽ đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Ông đề cập đến vấn đề lãng phí trách nhiệm và dẫn lại câu chuyện nhiều bệnh viện đầu ngành xin thôi tự chủ, ách tắc đấu thầu thuốc, thiết bị trong bệnh viện công hay chuyện không ít cán bộ không làm, không dám làm… đang làm trì trệ bộ máy, gây nhiều lãng phí...

Theo ông Hậu, ở một góc độ, những người trong cuộc bị đánh giá là thiếu tinh thần trách nhiệm; thiếu ý thức đấu tranh, thiếu năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm… Tuy nhiên phần đông trong số họ là những người có lương tâm và trách nhiệm, chỉ có điều tinh thần trách nhiệm không được phát huy, bị lãng phí và gây nên những lãng phí khôn lường, không đo đếm hết được cho xã hội, cho đất nước.

Nam đại biểu dẫn câu chuyện tại kỳ họp thứ 3 đã nêu vướng mắc của các quy định liên quan tới sử dụng kinh phí chi thường xuyên trong thực hiện việc nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các công trình công cộng cấp bách bị vướng quy định của Luật đầu tư công.

Cả bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính đều xác nhận đây là một vướng mắc lớn với các địa phương và bộ ngành cần phải sửa.

Hiện các địa phương đang xây dựng dự toán ngân sách 2023, song đang đau đầu trong việc sử dụng ngân sách thế nào cho có hiệu quả, đáp ứng những nhu cầu bức thiết mà không vi phạm các quy định.

Ông cho biết thêm sau kỳ họp thứ 3, Bộ Tài chính đã khẩn trương soạn thảo 1 tờ trình công phu, để nếu được hoàn thiện hồ sơ trình ra kỳ họp thứ 4 này để Quốc hội ban hành 1 nghị quyết.

Cụ thể là nghị quyết bổ sung quy định về việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước để thực hiện xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản công hằng năm. Nghị quyết này được ban hành sẽ là sự tháo gỡ lớn.

"Thế nhưng gần nửa kỳ họp trôi qua vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Tôi hỏi 1 vị có trách nhiệm trong Bộ Tài chính được biết vẫn chưa xong được", ông Hậu nói.

Ông cho rằng trong sự việc trên, tinh thần trách nhiệm đáng trân trọng của lãnh đạo, cán bộ, công chức Bộ Tài chính đang bị bỏ lãng phí và "sẽ đưa đến những thiệt hại thế nào khó đong đếm hết được".

Ông nêu nếu 15 ngày nữa mà Quốc hội không thông qua nghị quyết về vấn đề này thì những tháng cuối năm 2022 và năm 2023 sẽ có rất nhiều cán bộ công chức, viên chức không dám làm chuyện cần làm.

Ông chỉ rõ một quy luật của sự phát triển là khi tiêu cực, yếu kém, trì trệ… trở thành phổ biến thì lỗi không chỉ thuộc về những người trực tiếp làm ra tiêu cực, yếu kém, trì trệ, mà lỗi trước hết thuộc về tổ chức bộ máy, phương thức vận hành bộ máy.

"Để xóa đi những tiêu cực, trì trệ, yếu kém không chỉ dừng ở xử lý những người trực tiếp gây ra nó, mà vấn đề căn bản phải cải tổ bộ máy, phương thức vận hành của bộ máy ấy", ông Hậu nói thêm.

Ông đề nghị Chính phủ sớm xem xét, thông qua đề xuất của Bộ Tài chính; nhanh chóng trình Quốc hội dự thảo nghị quyết về vấn đề này.

Nam đại biểu cũng nhấn mạnh việc thất thoát, lãng phí trách nhiệm đang trở nên phổ biến trong các cấp, các ngành, ở bộ phận không nhỏ cơ quan đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức.

"Sự thất thoát, lãng phí này đã, đang gây ra những hậu quả khôn lường trong hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, thực thi công vụ… làm thất thoát, lãng phí niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước", ông Hậu nói thêm.

Còn đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh tiết kiệm để tích lũy cho đầu tư, an sinh xã hội... chứ không phải tiết kiệm là giảm chi tiêu những thứ ngại mua sắm, chi nhỏ giọt.

Ông dẫn ví dụ vụ việc không được mua ô tô mới, mà phải sử dụng lại ô tô cũ chưa hết đát nhưng lại được chi sửa chữa hằng năm với số tiền không nhỏ...

Thời gian xử lý các vụ án cách xa thời điểm vi phạm khiến tài sản bị tẩu tán, che giấu Thời gian xử lý các vụ án cách xa thời điểm vi phạm khiến tài sản bị tẩu tán, che giấu

TTO - Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho rằng một trong các nguyên nhân dẫn đến thu hồi tài sản do tham nhũng đạt tỉ lệ thấp là do trong một số vụ án, vụ việc vẫn xảy ra việc đối tượng bỏ trốn.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên