12/04/2024 11:05 GMT+7

Đại gia sa chân chốn lao tù - Kỳ 7: Indonesia thu hồi tài sản tham nhũng thế nào?

Thu hồi tài sản đã bị các đại gia chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng và biển thủ tài sản công cực kỳ phức tạp, đòi hỏi phải mở rộng hợp tác quốc tế. Trường hợp điển hình như vụ án liên quan đến doanh nhân Benny Tjokrosaputro ở Indonesia.

Benny Tjokro từng là một trong 50 người giàu nhất Indonesia giờ đã sa vào lao lý - Ảnh: Antarafoto

Benny Tjokro từng là một trong 50 người giàu nhất Indonesia giờ đã sa vào lao lý - Ảnh: Antarafoto

Đây là phiên tòa chống tham nhũng nghiêm khắc nhất trong lịch sử Indonesia.

THE JAKARTA GLOBE

Tạo nhu cầu ảo đẩy giá cổ phiếu tăng giả tạo

Benny Tjokrosaputro (gọi tắt là Benny Tjokro, năm nay 55 tuổi) là nhà môi giới chứng khoán nổi tiếng, giám đốc Công ty phát triển bất động sản Hanson International và nhiều công ty khác ở Indonesia.

Tạp chí Forbes (Mỹ) đã xếp ông vào vị trí 43 trong danh sách 50 người giàu nhất Indonesia năm 2018 với giá trị tài sản ròng ước tính 670 triệu USD.

Tjokro cùng các đồng phạm đã thao túng thị trường chứng khoán bằng cách sử dụng danh nghĩa nhiều công ty mua vào cổ phiếu giá thấp, thậm chí làm giả thẻ căn cước để tạo ra hàng loạt nhà đầu tư giả.

Làn sóng mua ồ ạt đã tạo nhu cầu ảo thổi phồng giá cổ phiếu tăng lên. Lúc đó nhóm phạm tội đã thuyết phục Công ty bảo hiểm nhân thọ Asuransi Jiwasraya (công ty nhà nước) mua vào cổ phiếu giá cao. Rốt cuộc Công ty Jiwasraya đã mất khả năng chi trả đối với hàng ngàn hợp đồng bảo hiểm.

Cuối tháng 10-2020, tòa án đặc biệt về tham nhũng ở Jakarta đã kết án bị cáo Benny Tjokro tù chung thân về tội tham nhũng và rửa tiền đồng thời yêu cầu bồi thường 6.000 tỉ rupiah (409 triệu USD).

Ngoài Tjokro, ba cựu giám đốc Công ty Jiwasraya và hai giám đốc công ty cánh hẩu của Tjokro cùng bị kết án tù chung thân. Theo phán quyết, Tjokro cùng các đồng phạm đã gây thiệt hại cho nhà nước tổng cộng 16.810 tỉ rupiah (1,06 tỉ USD).

Bản án nhận định bị cáo Tjokro đã cầm đầu nhóm tội phạm có tổ chức trong nhiều năm liền để ăn cắp tiền từ Công ty Jiwasraya, sau đó Tjokro đã rửa tiền bất chính bằng cách tái đầu tư vào các tài sản trong và ngoài nước.

Báo The Jakarta Globe ghi nhận đây là phiên tòa chống tham nhũng nghiêm khắc nhất trong lịch sử Indonesia vì lần đầu tiên có nhiều bị cáo bị kết án chung thân trong cùng một vụ án tham nhũng.

Tháng 8-2021, tòa án tối cao y án chung thân đối với hai bị cáo chủ chốt Benny Tjokro và Heru Hidayat - giám đốc Công ty Trada Alam Minera (vận tải biển và khai thác mỏ). Bốn bị cáo còn lại được giảm án còn từ 18 - 20 năm.

Sau khi Tjokro bị kết án, các tài sản do phạm tội mà có lần lượt bị tịch thu gồm đất đai, cổ phiếu, cổ tức, tiền mặt, vật dụng đắt tiền và đặc biệt là một ngôi biệt thự sang trọng ở New Zealand.

Biệt thự tọa lạc trên sườn đồi trong khung cảnh đẹp như tranh vẽ bên hồ Wakatipu và dãy núi Remarkables ở thành phố Queenstown.

Cơ quan điều tra Indonesia phát hiện Tjokro đã chuyển tiền bẩn từ thao túng cổ phiếu vào tài khoản của bà Caroline Wilieanna (năm nay 42 tuổi), bạn gái ông.

Trong quá trình khám xét, cơ quan điều tra tìm thấy giấy tờ liên quan đến một biệt thự ở Queenstown, trong đó có thư của văn phòng luật sư tại New Zealand hướng dẫn chi tiết cách thức mua bán biệt thự nọ.

Theo báo The Press (New Zealand), sau khi Indonesia thông báo cho New Zealand biết biệt thự đó là tài sản do phạm tội mà có, cảnh sát New Zealand đã vào cuộc điều tra.

Kết quả cho thấy bà Wilieanna đứng tên mua căn biệt thự vào năm 2017 căn cứ theo bản vẽ trước khi biệt thự được xây dựng vào tháng 9-2017 với giá 3,4 triệu USD. Song nhân viên môi giới bất động sản khai đã gặp trực tiếp Tjokro trong quá trình mua nhà.

Sau đó, nhân viên môi giới đã giới thiệu bà Wilieanna với một chủ ngân hàng ở New Zealand để giúp bà mở tài khoản tại New Zealand theo đúng quy định của New Zealand đối với người nước ngoài mua nhà. Tiền bạc mua nhà đã được thanh toán xong xuôi vào tháng 9-2019. Tiền mua nhà được chuyển đến từ tài khoản mang tên bà Wilieanna ở Indonesia.

Đội thu hồi tài sản Indonesia thu hồi biệt thự của Benny Tjokro ở New Zealand ngày 26-1-2024 - Ảnh: Văn phòng tổng chưởng lý

Đội thu hồi tài sản Indonesia thu hồi biệt thự của Benny Tjokro ở New Zealand ngày 26-1-2024 - Ảnh: Văn phòng tổng chưởng lý

New Zealand phong tỏa và tịch thu biệt thự

Điều kỳ lạ là không ai dọn đến ở, đến lấy chìa khóa nhà hoặc thanh toán phí bảo trì của ngôi biệt thự ở Queenstown.

Bà Wilieanna bặt vô âm tín đến tháng 1-2021 thì gửi email cho nhân viên môi giới ngỏ ý muốn bán lại nhà. Nhân viên này giải thích lúc bán nhà sẽ có quy trình kiểm tra chống rửa tiền. Bà Wilieanna bèn thối lui. Từ dạo đó nhân viên môi giới liên lạc nhiều lần nhưng không có tin tức gì về bà này nữa.

Tháng 5-2022, cảnh sát New Zealand đã xin lệnh phong tỏa ngôi biệt thự ở Queenstown. Tháng sau, một sĩ quan liên lạc của New Zealand ở Indonesia đã tìm cách tiếp xúc với ông Benny Tjokro.

Tjokro chối phắt: "Tôi không biết ông nói gì, cái đó không phải của tôi. Tôi có tới New Zealand hai lần nhưng tôi không có hứng thú đầu tư vào New Zealand. Chuyện liên quan đến tôi hoàn toàn nhảm nhí".

Đầu tháng 10-2023, tòa án tối cao New Zealand mở phiên điều trần. Công tố viên đã yêu cầu tịch thu ngôi biệt thự ở Queenstown và trình bày chứng cứ cho thấy biệt thự này được mua nhằm mục đích rửa tiền.

Bà Wilieanna và ông Tjokro không có mặt và cũng không cử đại diện tham dự. Nữ thẩm phán Melanie Harland ban hành lệnh thu hồi biệt thự ở Queenstown.

Bà nhận định các chứng cứ đã đủ thuyết phục rằng nhà được mua bằng tiền thu được từ hoạt động tội phạm và người mua nhà là bà Willieanna chắc chắn biết tiền mua nhà là tiền bẩn.

Cuối tháng 1-2024, văn phòng tổng chưởng lý Indonesia chính thức thông báo Trung tâm Thu hồi tài sản trực thuộc văn phòng này đã tịch thu ngôi biệt thự của Benny Tjokro ở Queenstown.

Văn phòng khẳng định bà Wilieanna được Tjokro sử dụng làm vỏ bọc che giấu các hoạt động phi pháp như rửa tiền, mua bán bất động sản và ngoại tệ. Sau khi thu hồi, biệt thự được bán đấu giá ở New Zealand.

Ông Ketut Sumedana, chánh văn phòng tổng chưởng lý, giải thích công tác tịch thu biệt thự trong vụ án Tjokro là kết quả hợp tác không chính thức giữa Mạng lưới Thu hồi tài sản châu Á - Thái Bình Dương (ARIN-AP) gồm 14 quốc gia thành viên, trong đó có Indonesia và New Zealand.

Ngoài ra, thông tin xác định vị trí tài sản có được nhờ quá trình hợp tác giữa Trung tâm Thu hồi tài sản và Trung tâm Phân tích và báo cáo giao dịch tài chính (PPATK) của Indonesia trong việc truy tìm dòng tiền mua bất động sản của Tjokro.

Benny Tjokro còn bị truy tố tội tham nhũng quỹ đầu tư trong vụ án Công ty bảo hiểm Asabri từ năm 2012 - 2019 gây thiệt hại tương đương 1,6 tỉ USD.

Trung tuần tháng 1-2023, tòa án ở Jakarta tuyên không kết án Tjokro và phạt tiền thay thế 360 triệu USD do Tjokro đã bị kết án tù chung thân trong vụ án Công ty bảo hiểm Jiwasraya có liên quan. Ngoài Tjokro còn có tám bị cáo khác bị kết án.

Ngày 24-1-2024, Trung tâm Thu hồi tài sản thông báo thông qua trang bán đấu giá lelang.go.id, trung tâm đã bán đấu giá thành công tang vật thi hành án gồm sáu túi xách Hermes hàng hiệu của vợ Benny Tjokro với tổng giá trị 606.250.000 rupiah (hơn 38.000 USD).

Trong hai năm 2022 và 2023, tài sản của Tjokro bị tịch thu để thi hành án gồm 2.031 lô đất có diện tích 1.435,68ha, cổ phiếu tương đương 6,07 triệu USD và tiền mặt tương đương 510 triệu USD.

----------------------

FBI đã gọi doanh nhân người Nga Semion Mogilevich là "trùm tội phạm có quyền lực và nguy hiểm nhất thế giới". Tập đoàn tội phạm của y gồm hàng chục công ty tại hơn 20 quốc gia kiếm tiền đủ kiểu, từ buôn ma túy, buôn người đến rửa tiền.

Kỳ tới: Ông trùm Nga có 4 quốc tịch và 17 danh tính

Đại gia sa chân chốn lao tù - Kỳ 6: Bôi trơn quan tham bằng Đại gia sa chân chốn lao tù - Kỳ 6: Bôi trơn quan tham bằng 'đạn bọc đường'

Vụ án quan tham làm xói mòn lòng tin của công chúng đối với chính phủ và trở thành bài học cho "đạo làm quan...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên