15/05/2014 03:11 GMT+7

Đảm bảo minh bạch, tránh tiêu cực

NGUYỆT CÁT
NGUYỆT CÁT

TT - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Tiến Dĩnh - thứ trưởng Bộ Nội vụ - tại buổi đối thoại trực tuyến do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 14-5 về “Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020” (gọi tắt là đề án 500).

Tham gia tọa đàm đưa 500 trí thức trẻ về nông thôn, miền núi

Ông Dĩnh cho biết khác với dự án đưa 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã nghèo trước đây, đề án 500 tập trung tuyển chọn các bạn trẻ có trình độ đại học về trực tiếp làm công tác chuyên môn như: địa chính nông nghiệp, tài chính kinh tế, văn hóa xã hội... Tuy nhiên, theo ông Dĩnh, mục tiêu đề án 500 là đào tạo, bồi dưỡng nguồn công chức trở thành cán bộ bền vững, lâu dài ở các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn. Vì vậy, ngoài yêu cầu về năng lực, trình độ chuyên môn, sức khỏe tốt, phẩm chất đạo đức tốt, đội viên tham gia đề án phải có tinh thần xung kích tình nguyện. Tính đến nay, đề án 500 đã có 34 tỉnh trên cả nước đăng ký tham gia với 163 huyện.

Trả lời câu hỏi của các bạn trẻ về quy trình và cách thức tuyển chọn, vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên Nguyễn Đăng Minh khẳng định để bảo đảm cơ hội ngang nhau cho tất cả trí thức trẻ, đề án 500 đảm bảo tuyển chọn công bằng và minh bạch. Quy trình như Bộ Nội vụ đã hướng dẫn, ứng cử viên đăng ký tham gia đề án nộp hồ sơ đồng thời về Bộ Nội vụ và sở nội vụ của tỉnh nơi tình nguyện đến công tác. Căn cứ vào quy định của Bộ Giáo dục - đào tạo, Bộ Nội vụ, thống nhất về số lượng hồ sơ, đồng thời qua quá trình kiểm tra kết quả học tập, xem hồ sơ, ứng viên nào có đầy đủ điều kiện sẽ tiến hành khâu phỏng vấn tuyển chọn. Trong bước phỏng vấn, Bộ Nội vụ thành lập đoàn giám sát hỗ trợ các tỉnh, trong đó đảm bảo tại riêng từng bàn phỏng vấn đều có cán bộ của Bộ Nội vụ giám sát để kết quả tuyển chọn được khách quan nhất.

Trước băn khoăn của nhiều bạn trẻ về việc liệu có xảy ra tiêu cực trong tuyển chọn hay không? Ví dụ như quá trình tuyển chọn nhiều cán bộ đưa con cháu vào làm một thời gian rồi sau đó rút lên cấp chính quyền cao hơn... Thứ trưởng Dĩnh khẳng định không có. “Điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình tuyển chọn hết sức khắt khe, vì vậy rất khó có trường hợp đó xảy ra” - ông Dĩnh nhấn mạnh. Ngoài ra, theo vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) Vũ Đăng Minh, sau khi tuyển chọn các đội viên sẽ được đào tạo, bồi dưỡng ba tháng và tiếp tục sàng lọc. Nếu đội viên nào không đáp ứng được sẽ bị loại.

NGUYỆT CÁT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên