01/04/2021 09:03 GMT+7

Dân mong 'mở kho' dữ liệu dân cư quốc gia

ÁI NHÂN - N.TRIỀU
ÁI NHÂN - N.TRIỀU

TTO - Chỉ khi từng ngành, từng lĩnh vực có thể trực tiếp truy cập vào kho dữ liệu của từng người dân trong phạm vi thẩm quyền của mình, để người dân không phải xin cơ quan này cung cấp cho cơ quan kia, mục tiêu đơn giản hóa thủ tục mới đạt được.

Dân mong mở kho dữ liệu dân cư quốc gia - Ảnh 1.

Từ 1-7, căn cước công dân là “chìa khóa” cho các giao dịch thiết thân của người dân - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Chính phủ vừa ban hành nghị định 37/2021 sửa đổi, bổ sung một số quy định tại nghị định 137/2015 về hướng dẫn thi hành Luật căn cước công dân. Từ đây, cánh cửa kho dữ liệu quốc gia về dân cư dần hé mở để giúp người dân bớt gánh nặng thủ tục hành chính.

Nghị định chỉ có 3 điều, có hiệu lực từ ngày 14-5 nhưng sửa đổi và bổ sung đúng vào những vấn đề mà người dân còn thắc mắc những ngày qua - đó là khai thác dữ liệu để làm các thủ tục hành chính mà không cần đến... giấy. 

Tuy vậy, cũng có những quy định cần được cơ quan thực thi làm rõ hơn nữa.

Ai cấp phép khai thác dữ liệu?

Nghị định 37/2021 quy định công an cấp xã có trách nhiệm thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin về công dân cư trú trên địa bàn quản lý vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC) thông qua việc giải quyết thủ tục đăng ký, thay đổi, điều chỉnh thông tin cư trú, dữ liệu hộ tịch hoặc giấy tờ hộ tịch, sổ sách quản lý về cư trú.

Thủ trưởng cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an có thẩm quyền cho phép cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp trung ương; tổ chức tín dụng; tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông, di động; tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, định danh điện tử khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Giám đốc công an cấp tỉnh có thẩm quyền cho phép cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp tỉnh; tổ chức hành nghề công chứng, thừa phát lại và tổ chức khác được giao thực hiện các dịch vụ công trên địa bàn quản lý khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Trong khi đó, thẩm quyền cho phép khai thác thông tin đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp huyện, cấp xã và tổ chức khác có trụ sở chính trên địa bàn huyện thuộc trưởng công an cấp huyện. Riêng trưởng công an xã có thẩm quyền cho phép cá nhân đăng ký thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn xã được khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Dân mong mở kho dữ liệu dân cư quốc gia - Ảnh 2.

Chị Hoàng Nhi làm thủ tục nhập khẩu cho con mới sinh tại Công an quận 3, TP.HCM - Ảnh: N.PHƯỢNG

Xin phép khai thác dữ liệu ở đâu?

Theo quy định tại nghị định 37/2021, cơ quan, tổ chức, cá nhân có văn bản đến những người có thẩm quyền tương ứng nêu trên để yêu cầu cung cấp thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Văn bản đề nghị phải nêu rõ lý do cần khai thác, sử dụng thông tin; thời gian khai thác, thông tin cần khai thác và cam đoan về việc chịu trách nhiệm trong sử dụng thông tin khi được cung cấp.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu cung cấp thông tin, người có thẩm quyền xem xét, quyết định cho phép khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp đồng ý cho phép khai thác thông tin thì có văn bản trả lời và cung cấp thông tin cho cơ quan, tổ chức, cá nhân; trường hợp không đồng ý cho phép khai thác thông tin thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức và người dân có thể khai thác thông tin liên quan đến mình từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trực tiếp trên cổng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cổng dịch vụ công quốc gia. Đặc biệt, người dân còn có thể khai thác thông tin của mình trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua dịch vụ tin nhắn theo hướng dẫn của Bộ Công an (hiện chờ hướng dẫn).

Dân mong mở kho dữ liệu dân cư quốc gia - Ảnh 3.

Hiện người dân làm thủ tục gắn đồng hồ và cấp định mức nước cần có sổ hộ khẩu - Ảnh: TỰ TRUNG

Cần sớm kết nối dữ liệu

Theo luật sư Hà Hải - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, nghị định 37/2021 đã chỉ ra được cơ quan đầu mối có thẩm quyền trong việc kết nối, khai thác dữ liệu cũng như cách thức, trình tự thủ tục để kết nối, cung cấp, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, nghị định này cũng chỉ mới là "hướng dẫn khung", chưa có hướng dẫn chi tiết để có thể thực hiện ngay.

Để khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ các nhu cầu của người dân, theo luật sư Hà Hải, cần phải có sự kết nối, chia sẻ trực tiếp với từng ngành, từng lĩnh vực. Chỉ khi từng ngành, từng lĩnh vực có thể trực tiếp truy cập vào kho dữ liệu của từng người dân trong phạm vi thẩm quyền của mình để người dân không phải chạy xin cơ quan này để đến cung cấp cho cơ quan kia thì mục tiêu đơn giản hóa thủ tục mới đạt được.

"Ngày 14-5 nghị định 37 có hiệu lực, tiếp đó ngày 1-7 Luật cư trú cũng có hiệu lực. Khi đó, nếu người dân có thay đổi thông tin về cư trú như đổi chỗ ở hay tách nhập hộ khẩu, cơ quan công an sẽ thu hồi sổ hộ khẩu và không cấp mới sổ hộ khẩu hoặc tạm trú mà chỉ cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Nếu cơ sở dữ liệu của các ngành nhà đất, cấp điện, cấp nước, y tế... không được kết nối đồng bộ, hoặc các ngành này không truy cập được cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy thông tin của mình, sẽ xảy ra tình trạng người dân phải chạy gõ cửa nhiều nơi" - ông Hải ví dụ.

Số định danh cá nhân thay giấy tờ tùy thân trong thủ tục nhà ở

Nghị định 30/2021 (sửa đổi bổ sung nghị định 99 hướng dẫn Luật nhà ở) có hiệu lực từ ngày 26-3 cũng đã cập nhật quy định của Luật căn cước công dân vào việc giải quyết thủ tục hồ sơ nhà đất. Theo đó, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp được kết nối, vận hành thì người dân được sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho các loại giấy tờ về nhân thân (bản sao giấy CMND, thẻ CCCD, hộ chiếu, sổ hộ khẩu...) để thực hiện thủ tục liên quan đến lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản.

Theo ông Bùi Xuân Dũng - cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), quy định này nhằm bảo đảm thống nhất với quy định của Luật đầu tư. Trong tương lai, khi mọi công dân đều có mã số định danh thì sử dụng luôn mã số định danh để thực hiện các thủ tục về nhà đất theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, một cán bộ cơ quan đăng ký đất đai của TP.HCM cho biết hiện đơn vị này chưa được hướng dẫn kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp nên dù nghị định 30/2021 đã có hiệu lực nhưng chưa thể giải quyết thủ tục cho người dân dựa trên mã số định danh cá nhân.

Trước mắt, người dân làm thủ tục liên quan đến lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản vẫn phải có những giấy tờ về nhân thân theo quy định hiện hành. Khi nào hệ thống này vận hành được, cơ quan đăng ký đất đai sẽ có thông tin rộng rãi cho người dân.

D.N.H. - B.N.

Số hóa dữ liệu nhưng không nên thu hồi sổ hộ khẩu giấy, được không? Số hóa dữ liệu nhưng không nên thu hồi sổ hộ khẩu giấy, được không?

TTO - Nhiều người dân hoan nghênh việc số hóa dữ liệu công dân vì giúp họ giảm bớt phiền hà, tuy nhiên rất nhiều người đề nghị không nên thu hồi sổ hộ khẩu giấy...

ÁI NHÂN - N.TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên