14/07/2019 08:25 GMT+7

Dân số vàng và sinh kế cho người trẻ

MINH ĐỨC
MINH ĐỨC

TTO - Kết quả điều tra dân số tháng 6-2019 cho thấy: Việt Nam đang có lực lượng lao động trẻ, thế hệ với nền tảng học vấn tốt. Làm thế nào để họ có thể cống hiến nhiều nhất vẫn là một thách thức lớn.

Dân số vàng và sinh kế cho người trẻ - Ảnh 1.

Giờ tan tầm ở đường Cộng Hòa, quậnTân Bình, TP.HCM - Ảnh: NAM TRẦN

Với 96,2 triệu người, Việt Nam đứng thứ 15 dân số thế giới. Mừng vì chúng ta có hơn 50 triệu người trong độ tuổi lao động, kinh tế đang trên đà phát triển nhưng "nhà nghèo đông con" vẫn là một thực tế không thể phủ nhận. Đúng là thời cơ dân số vàng nhưng làm thế nào để tạo cơ hội cho "thế hệ vàng" cống hiến tốt nhất đang là một thách thức lớn.

Người trẻ đang làm gì?

Nhiều bạn bè tôi đi nước ngoài về vẫn thường kể câu chuyện về những người phục vụ nhà hàng quán ăn xứ người, rất nhiều nơi chỉ thấy người nhiều tuổi. Còn ở nước mình, xem các tuyển dụng nhân sự các công việc dịch vụ, mua bán vẫn hay thấy yêu cầu trẻ, ngoại hình đẹp. 

Và thực tế, nam thanh nữ tú, thanh niên sức dài vai rộng nước ta đang làm những việc gì? Tất nhiên, ở công trường, nhà máy, xí nghiệp luôn có công nhân trẻ nhưng rất đông người trẻ đang làm những công việc tự do, buôn bán, phục vụ (thường không yêu cầu cao về kỹ năng, tay nghề).

Rời trường phổ thông, một bạn trẻ sau một vài năm học nghề may, điện, cơ khí... đi làm đúng nghề được đào tạo, lương bao nhiêu? 

Sự thật đáng buồn là thu nhập của họ vẫn đang thấp hơn lương của những người bưng bê ở hàng quán hoặc bán ở các cửa hàng tại các đô thị. Thu nhập một công nhân đã qua đào tạo và chưa được đào tạo cũng không chênh lệch nhau mấy. Nếu nhìn lợi ích trước mắt, người trẻ sẽ không chọn con đường đi học nghề bài bản.

Và học nghề gì cho phù hợp nhiều khi cũng không dễ chọn. Học nghề sạch sẽ, nhẹ nhàng, nhiều trường đào tạo (như tin học, kế toán...) thì ra trường khó xin việc. 

Ngược lại, những nghề xã hội đang cần nhân lực như thuyền viên chẳng hạn thì không có nơi nào đào tạo bài bản, chính quy. Hoặc như cái nghề nhiều bạn trẻ thích, xã hội cũng cần là nghề đầu bếp cũng vậy, vẫn chỉ là học những khóa ngắn hạn và không dễ tìm trường.

Thực tế cho thấy rõ sau phổ thông, thanh niên nhắm đến các trường ĐH, số vào trường nghề luôn ít hơn (hằng năm, chỉ 10% vào trường nghề). Và người ta lại gặp cử nhân (đã học xong ĐH, CĐ) chạy xe ôm công nghệ, làm môi giới bất động sản, nhiều người cất bằng ĐH đi làm việc phổ thông... 

Điều này không xấu nhưng đây rõ ràng không phải là sinh kế bền vững cho những người đang được gọi là "thế hệ vàng". Thẳng thắn mà nói đây là sự lãng phí nhân lực. Và kèm theo đó là nỗi lo và thách thức xã hội khác nữa...

Cần cơ hội để cống hiến

Theo Tuổi Trẻ ngày 12-7, dân số Việt Nam có 2 điểm vàng: đông dân, đông người trẻ nhu cầu mua sắm cao, sẽ là thị trường tiêu dùng lớn. Điều này sẽ là điều kiện để phát triển các ngành nghề, công việc nhóm dịch vụ, buôn bán nhỏ lẻ. Nhưng đi cùng với mua sắm, tiêu dùng phải là chuyện sản xuất ra hàng hóa, sản phẩm cho xã hội. Mua sắm nhiều nhưng làm ra của cải có tương xứng? 

Sẽ rất bất ổn khi chúng ta có nguồn nhân lực vàng nhưng thiếu những công việc để họ sản xuất, để cống hiến. Xã hội làm ra nhiều sản phẩm (cho trong nước và xuất khẩu) mới là xã hội giàu mạnh chứ không phải tiêu dùng nhiều.

Tỉ lệ học sinh học hết phổ thông cao, lực lượng lao động có nền tảng học vấn tốt. Thế nhưng, cơ hội việc làm của họ có nhiều không, xin việc có dễ dàng không và có kỹ năng làm việc hiệu quả không vẫn là chuyện "biết rồi, khổ lắm!". Nhân lực trẻ, khỏe nhưng không có tay nghề, kỹ năng, không có việc làm thì thời cơ vàng mười cũng vuột mất khỏi tầm tay!

Nguồn nhân lực trẻ cần nhiều cơ hội: cơ hội học tập, cơ hội việc làm, cơ hội được cống hiến nhiều nhất trong những năm tháng họ trẻ khỏe nhất. Họ cần nhiều việc làm và tránh xa hiểm họa từ xã hội (như thực trạng ma túy đá chẳng hạn). Nôm na như cảnh nhà đông con, đứa con nào cũng học hành đàng hoàng, có việc làm vững bền... gia đình sẽ khấm khá. Ngược lại, sự "đông con" thành ra gánh nặng, nỗi khổ dài lâu cho gia đình, cho xã hội.

Thực tế dân số già của nhiều nước trên thế giới đang là viễn cảnh không xa mấy của "dân số vàng" hôm nay ở Việt Nam. Nhưng trước khi nhìn đến viễn cảnh vài mươi năm sau, xin hãy nhìn thực tế trước mắt: thế hệ vàng của chúng ta có cơ hội vàng không? 

Câu chuyện sinh kế cho thế hệ thanh niên hôm nay cần được nhìn nhận nghiêm túc và có giải pháp hiệu quả. Cơ hội không đợi ai và thời cơ trôi qua rất nhanh.

Để có dân số "vàng thật"?

Theo số liệu thống kê dân số vừa được công bố, cơ cấu dân số Việt Nam hiện được đánh giá là cơ cấu dân số vàng với số lượng người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 56 triệu người.

Có thể nói, nếu chỉ xét riêng về cơ cấu dân số giữa số người trong độ tuổi lao động và số người phụ thuộc (người quá tuổi lao động, người chưa đến tuổi lao động) thì đúng là dân số Việt Nam chúng ta đang là dân số vàng. Tuy nhiên, nếu xét ở những tiêu chí khác như chất lượng dân số trong độ tuổi lao động thông qua hai khía cạnh là trình độ tay nghề và năng suất lao động thì dân số lao động của chúng ta chưa chắc là dân số vàng.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua tuy có sự cải thiện đáng kể nhưng năng suất của Việt Nam hiện nay vẫn kém nhiều lần so với nhiều nước trong khu vực và chênh lệch vẫn tiếp tục gia tăng.

Cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, nếu không nhanh chóng cải thiện sẽ là lãng phí trong hiện tại và thành gánh nặng khó khăn trong tương lai không xa.

LÊ MINH TIẾN

Việt Nam sẽ làm gì với Việt Nam sẽ làm gì với 'tài sản' dân số vàng 96 triệu người?

TTO - Quy mô dân số Việt Nam đạt 96,2 triệu người, với cơ cấu dân số vàng khoảng 56 triệu người đang tham gia thị trường lao động. Đây được coi là động lực cho phát triển kinh tế những năm tới.

MINH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên