07/09/2022 09:12 GMT+7

Đập Đồng Cam do Pháp thiết kế, xây dựng ở Phú Yên năm 1924 thành di tích quốc gia

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Đập Đồng Cam, đập thủy lợi lớn nhất ở tỉnh Phú Yên do người Pháp thiết kế, xây dựng trong giai đoạn 1924-1932, đã được công nhận là di tích cấp quốc gia.

Đập Đồng Cam do Pháp thiết kế, xây dựng ở Phú Yên năm 1924 thành di tích quốc gia - Ảnh 1.

Đập Đồng Cam - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

Sáng 7-9, bà Nguyễn Thị Hồng Thái - quyền giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên - cho biết vừa nhận được quyết định của bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận danh lam thắng cảnh Đập Đồng Cam (trên địa bàn xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa và xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) là di tích cấp quốc gia.

Quyết định cũng nêu rõ khu vực bảo vệ di tích được xác định theo biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ. UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Theo các tài liệu lịch sử, hệ thống thủy nông Đồng Cam, trong đó có đập Đồng Cam, là công trình thủy lợi lớn nhất tại tỉnh Phú Yên từ trước đến nay. Sau Thế chiến thứ I (1914-1918), Pháp chủ trương xây dựng hệ thống thủy lợi trên sông Ba để tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. 

Các đoàn kỹ sư của Pháp đã khảo sát ở lưu vực sông này và năm 1920, kỹ sư Nordey tiếp tục nghiên cứu công trình xây dựng đập thủy nông trên sông Ba, dưới sự điều hành của kỹ sư trưởng Lefevre. Đến ngày 30-11-1923, đề án xây dựng đập thủy nông Đồng Cam (Tuy Phong) được Toàn quyền Đông Dương chấp nhận.

Dự án khởi công vào năm 1924, được thi công dưới sự chỉ huy của các kỹ sư Fargues, Machefaux và Carrez, đến năm 1932 mới hoàn thành. Đập Đồng Cam được xây dựng chắn ngang sông Ba, nối liền từ Đồng Cam với Qui Hậu, với chiều dài 657m. Cùng với xây đập chắn, hệ thống thủy nông này còn xây dựng hai kênh, một kênh nằm ở hữu ngạn dài 36km và một kênh ở vùng tả ngạn dài 32km cùng hệ thống kênh mương phụ, cầu, cống… đảm bảo nước tưới cho 8.000ha.

Số lượng công nhân được huy động trung bình một ngày khoảng 1.200 người, gồm 200 thợ chuyên nghiệp như thợ bắn mìn, khai thác đá, thợ nề và thợ mộc; số lượng công nhân người bản xứ huy động hằng ngày nhiều nhất là 5.000 người. Xương máu của rất nhiều lao phu, nhân công người bản xứ đã đổ xuống để xây dựng công trình thủy lợi này.

Hiện nay hệ thống thủy nông Đồng Cam vẫn là hệ thống thủy lợi lớn nhất, cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, nguồn nước sinh hoạt cho các huyện Tây Hòa, Phú Hòa, thị xã Đông Hòa, TP Tuy Hòa. Đập Đồng Cam được đánh giá là công trình có giá trị thẩm mỹ lẫn kỹ thuật rất cao. Đập có ý nghĩa về mặt kinh tế, lịch sử cộng với cảnh quan tươi đẹp, kiến trúc độc đáo. 

Hằng năm vào mùng 8 Tết Nguyên đán, Phú Yên tổ chức lễ hội Đập Đồng Cam nhằm tri ân những người đã xây dựng nên đập, thu hút rất đông du khách gần xa.

Phú Yên: thêm hai danh thắng được công nhận cấp quốc gia Phú Yên: thêm hai danh thắng được công nhận cấp quốc gia

TTO - Ngày 24-12, Sở Văn hóa - thể thao & du lịch Phú Yên cho biết Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch đã quyết định xếp hạng mũi Đại Lãnh - Bãi Môn và núi Đá Bia (đều thuộc huyện Đông Hòa, Phú Yên) là danh thắng cấp quốc gia.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên