01/11/2011 09:10 GMT+7

Đất công không xót

PHÚC HUY
PHÚC HUY

TT - Miếng đất 200m2 mặt tiền đường trị giá hàng tỉ đồng bị một doanh nghiệp lấn chiếm nhưng hiện chưa có cơ quan nào nhận xử lý vụ việc chỉ vì một “tội”: đó là đất công.

H0EHrXMr.jpgPhóng to
Phần đất tranh chấp do doanh nghiệp tư nhân sản xuất - thương mại - dịch vụ Thu Hà đang sử dụng - Ảnh: P.P.H.

Theo bản án sơ thẩm ngày 27-8-2010 của TAND Q.Thủ Đức, năm 1994 doanh nghiệp (DN) tư nhân sản xuất - thương mại - dịch vụ Thu Hà (43 Võ Văn Ngân, Q.Thủ Đức, TP.HCM) có thuê một nhà kho diện tích 60m2 của Trường trung học Kỹ thuật và nghiệp vụ Thủ Đức (nay là Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, số 53 Võ Văn Ngân) để chứa hàng. Năm 1995, DN Thu Hà sang nhượng lại quyền thuê để thuê thêm ba kiôt của Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức đưa tổng cộng diện tích thuê thành 118m2. Thực tế, DN Thu Hà sử dụng tới 313,9m2 đất.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Toàn, hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, cho rằng việc cho thuê nhà kho và kiôt trước đây nhằm cải thiện đời sống cho cán bộ, công nhân viên của trường. Đến năm 2004, khi có chủ trương của UBND TP không cho thuê đất trường học, trường đã chính thức thông báo thu hồi toàn bộ 313,9m2.

Luật sư Huỳnh Văn Nông (Đoàn luật sư TP.HCM):

UBND Q.Thủ Đức có trách nhiệm hỗ trợ giải quyết

Về nguyên tắc, tòa án không giải quyết đất tranh chấp chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên quyết định của TAND TP như vậy là hợp lý.

Tuy nhiên, quyết định giao đất của cơ quan thẩm quyền TP cũng được xem như một hình thức công nhận quyền sử dụng đất đối với Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức. Do vậy Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức có thể dùng quyết định này để chứng minh quyền của mình đối với miếng đất tranh chấp khi gửi đơn cho tòa án tối cao.

UBND TP đã xác lập sở hữu nhà nước khu đất Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức đang sử dụng nên không còn là đất tôn giáo nữa. Lẽ ra UBND Q.Thủ Đức nên hỗ trợ giải quyết vụ việc ngay từ đầu, trước khi khởi kiện ra tòa án. Việc giải quyết có thể căn cứ theo quy định: nếu việc lấn chiếm đất công diễn ra trước ngày 15-10-1993 (thời điểm Luật đất đai có hiệu lực) và việc sử dụng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất hiện nay thì đơn vị lấn chiếm có thể được xem xét cho sử dụng. Nếu không phù hợp quy hoạch sử dụng đất, cơ quan thẩm quyền có thể ra quyết định thu hồi đất.

Tòa không xử

Ông Toàn khẳng định do trước đây xung quanh nhà kho còn đất trống, DN Thu Hà đã sử dụng để chứa hàng, dần dần lấn chiếm và sử dụng luôn đến nay (195,5m2). Trường cũng yêu cầu DN Thu Hà bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm dụng mặt bằng trên (từ tháng 4-2007 đến tháng 8-2010, thời điểm tòa xét xử) là 280 triệu đồng, tương ứng 7 triệu đồng/tháng. Do bên thuê không đồng ý trả lại đất nên Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức kiện ra tòa.

Trong khi đó theo ông Nguyễn Hữu Thọ - chủ DN Thu Hà, phần diện tích 195,9m2 là ông lấn chiếm từ đất công của Nhà nước, không thuộc quyền sử dụng của Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức nên ông không đồng ý trả cho trường.

Bản án sơ thẩm của TAND Q.Thủ Đức ngày 27-8-2010 buộc DN Thu Hà giao trả 313,9m2 đất cho Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức và tự tháo dỡ toàn bộ công trình đã xây tại khu đất trên, không được bồi hoàn. Ngoài ra DN Thu Hà phải trả cho Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức 280 triệu đồng. DN Thu Hà kháng cáo.

Bản án phúc thẩm ngày 3-12-2010 của TAND TP cho rằng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất miếng đất 195,9m2 nhưng án sơ thẩm lại buộc ông Thọ phải trả lại cho trường là chưa chính xác. Do vậy tòa chỉ buộc DN Thu Hà trả cho Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức một nhà kho, ba kiôt với tổng diện tích 118m2 và 280 triệu đồng tiền mặt bằng còn nợ. Hội đồng xét xử phúc thẩm không giải quyết việc tranh chấp quyền sử dụng đất giữa hai bên do không thuộc thẩm quyền của tòa án.

Quận không quản lý

Do không đồng ý với quyết định của bản án phúc thẩm, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức cho biết đã gửi đơn đến TAND tối cao xin giám đốc thẩm.

Theo các văn bản liên quan, Sở Giáo dục - đào tạo TP được UBND TP giao quản lý, sử dụng 51.598m2 đất tại số 53 Võ Văn Ngân và sở đã giao lại cho Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức sử dụng diện tích đất trên. Trên bản đồ địa chính cũng thể hiện khu đất trên thuộc bản đồ số 57, gồm hai thửa. Trong văn bản gửi TAND Q.Thủ Đức ngày 18-6-2009, UBND Q.Thủ Đức xác nhận: phần đất tranh chấp giữa Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức và DN Thu Hà thuộc thửa số 2, tờ bản đồ số 57. Như vậy, dù chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng phần đất đang tranh chấp đã thuộc quyền quản lý, sử dụng của Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi khởi kiện vụ việc ra TAND Q.Thủ Đức, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức có đề nghị UBND Q.Thủ Đức hỗ trợ trường thu hồi mặt bằng do DN Thu Hà thuê. Tuy nhiên, UBND Q.Thủ Đức cho rằng đây là hợp đồng giao dịch thuê mướn mặt bằng giữa hai bên trong khuôn viên đất không thuộc thẩm quyền quản lý của UBND quận nên không thể hỗ trợ thu hồi đất và đề nghị trường khởi kiện ra tòa. Tiếp đó, trong công văn gửi Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức ngày 8-4-2010, UBND Q.Thủ Đức cho rằng do đất Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức sử dụng có nguồn gốc đất tôn giáo nên việc giải quyết tranh chấp đất thuộc thẩm quyền của TP.

Tuy nhiên, như đã trình bày ở phần trên, dù đất Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức đang sử dụng có nguồn gốc đất tôn giáo nhưng năm 1995, UBND TP đã xác lập sở hữu nhà nước và giao cho ngành giáo dục quản lý, sử dụng.

Theo Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, hiện đất mặt tiền đường Võ Văn Ngân (đoạn tại trường) có giá khoảng 80 triệu đồng/m2.

PHÚC HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên