Đất vàng khó đến tay thể thao

KHƯƠNG XUÂN 05/09/2022 06:38 GMT+7

TTCT - Ai cũng biết, cũng nói sức khỏe là vàng. Muốn dân khỏe thì phải đầu tư mạnh cho thể thao, có thật nhiều sân bãi tập luyện, nhiều nhà thi đấu để tổ chức các hoạt động thể thao nhằm kích thích tinh thần rèn luyện…

Đất vàng khó đến tay thể thao - Ảnh 1.

Trung tâm TDTT quận 4 vừa chật hẹp, vừa xuống cấp. Ảnh: Hoàng Tùng

Nhưng nhiều nhà quản lý thể thao đã cười buồn nói rằng: khi quy hoạch đất cho thể thao thì "sức khỏe là vàng" trở thành thứ yếu, vì bây giờ "đất là kim cương" rồi.

Xem nhẹ thể thao

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đã có kết luận: Không đạt mục tiêu quy hoạch đất cho thể thao bình quân trên đầu người.

Bộ VH-TT&DL, đơn vị thực hiện báo cáo, lý giải: "Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc quỹ đất dành cho thể thao thấp so với quy hoạch là do một số cấp ủy Đảng, chính quyền còn nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của TDTT và công tác TDTT trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới". 

"Còn có tư tưởng xem nhẹ TDTT, coi đây là một lĩnh vực vui chơi giải trí đơn thuần, không trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội, từ đó thiếu quan tâm chỉ đạo và đầu tư các nguồn lực cho sự nghiệp TDTT". 

"Nhận thức về mối quan hệ giữa TDTT với phát triển bền vững, góp phần xây dựng lối sống lành mạnh, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao hình ảnh quốc gia cũng như đối với việc xây dựng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước chưa được quán triệt một cách đầy đủ.

Đầu tư cho TDTT tuy có tăng hằng năm, song còn thấp so với nhu cầu. Chi ngân sách cho TDTT chiếm tỉ trọng rất thấp trong tổng chi ngân sách nhà nước. Định mức chi cho sự nghiệp TDTT tuy thấp nhưng nhiều địa phương cũng không bố trí đủ ngân sách để thực hiện. Chi đầu tư để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình thể thao, hiện đại hóa các cơ sở đào tạo, huấn luyện và tổ chức thi đấu... còn quá thấp so với nhu cầu thực tế".

Thiệt thòi cho TP.HCM

Ông Hà Quang Dự - nguyên bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban TDTT - cho biết trong thập niên 1990, thể thao Việt Nam có Chương trình mục tiêu quốc gia, hướng tới tuyển chọn và đào tạo các VĐV đỉnh cao, kèm theo là không ít công trình thể thao được xây mới. 

Trong giai đoạn đầu những năm 2000, chương trình này đã huy động được ngân sách đầu tư xây dựng, sửa chữa Trường đại học TDTT Bắc Ninh và Đại học TDTT TP.HCM, xây SVĐ Mỹ Đình và Cung thể thao dưới nước phục vụ SEA Games 2003 tại Hà Nội...

Tuy nhiên, hiện Chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực thể thao đã không còn. Luật ngân sách nhiều năm qua cũng không cho phép cấp kinh phí xây dựng công trình thể thao của các địa phương thông qua Bộ VH-TT&DL. 

Vì vậy, việc xây mới công trình thể thao hiện hoàn toàn phụ thuộc vào phân bổ ngân sách của các địa phương. Địa phương nào lãnh đạo quan tâm, đầu tư cho thể thao thì có điều kiện thực hiện quy hoạch đất, xây dựng thêm công trình từ ngân sách của địa phương đó.

Với Đại hội TDTT toàn quốc hay SEA Games thì chủ trương chung của Chính phủ những năm qua là tổ chức ở các địa phương đáp ứng được cơ sở vật chất, chứ không xây mới công trình thể thao. Đó cũng là lý do mà SEA Games 31 được tổ chức tại Hà Nội chứ không phải TP.HCM. 

Trước đó TP.HCM đã xây dựng đề án đăng cai SEA Games 31 trình Chính phủ, nhưng vì cơ sở vật chất không đảm bảo nên quyền đăng cai lại phải đưa về Hà Nội.

Lãnh đạo ngành thể thao cho rằng với quy mô của một thành phố hơn 10 triệu dân, đóng góp rất lớn vào GDP cả nước, việc TP.HCM không có một tổ hợp thể thao đạt tiêu chuẩn quốc tế để tổ chức các đại hội thể thao tầm cỡ khu vực và châu lục là bất hợp lý. Nó cũng khiến thể thao TP.HCM khó thể bứt phá, phát triển mạnh mẽ như kỳ vọng.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận