16/04/2024 11:15 GMT+7

Đau bụng, mỏi lưng liên tục nhiều năm do vòng tránh thai 'đi lạc'

Mặc dù mang lại hiệu quả tránh thai lên đến 99%, tuy nhiên nếu không theo dõi kỹ vòng tránh thai có thể 'đi lạc' trong ổ bụng, gây ra nhiều biến chứng.

Các bác sĩ phẫu thuật thành công lấy vòng tránh thai

Các bác sĩ phẫu thuật thành công lấy vòng tránh thai "đi lạc" trong ổ bụng cho bệnh nhân - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Nhiều trường hợp vòng tránh thai lạc ổ bụng

Bệnh viện Quân y 175 cho biết vừa thực hiện phẫu thuật nội soi lấy vòng tránh thai lạc chỗ trong ổ bụng cho hai bệnh nhân.

Bệnh nhân là chị V.T.T. (52 tuổi, Gia Lai) đặt vòng tránh thai chứa đồng năm 2020.

Sau khi đặt vòng được 5 tháng, chị bắt đầu thấy đau mỏi lưng, có đi khám sức khỏe tại cơ quan, chụp X-quang có 2 vòng tránh thai, nhưng chỉ có 1 vòng tránh thai nằm đúng vị trí nhưng không lấy ra.

Từ đó đến nay chị vẫn thường xuyên đau ê ẩm lưng và vùng bụng dưới.

Khoảng 1 tháng nay chị thấy đau bụng dưới liên tục nhiều hơn, khi đi khám chẩn đoán trong 2 vòng tránh thai có 1 vòng lạc chỗ trong ổ bụng nằm giữa tử cung và bàng quang.

Bệnh nhân thứ hai là N.Y. (24 tuổi, TP.HCM) mổ lấy thai tháng 9-2022. Sau mổ 2 tháng, bệnh nhân đã đi đặt vòng tránh thai chứa đồng và không đi khám phụ khoa kiểm tra vòng theo lịch hẹn.

Gần đây chị Y. thường xuyên đau bụng lâm râm vùng hạ vị, đi khám kiểm tra phát hiện vòng tránh thai chữ T xuyên qua cơ tử cung tại vị trí sẹo mổ đẻ cũ, 2 nhánh của vòng dính sát thành bàng quang.

Cả 2 trường hợp đều được các bác sĩ khoa sản phẫu thuật nội soi thành công trong khoảng thời gian 30 phút, sử dụng kháng sinh dự phòng và bệnh nhân hồi phục sức khỏe tốt, xuất viện sau 1 ngày.

Đặt vòng tránh thai cần chú ý gì?

Bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Trang - phó chủ nhiệm khoa phụ sản, Bệnh viện Quân y 175 - cho biết phương pháp tránh thai bằng cách đặt vòng là biện pháp ngừa thai hiệu quả cao và lâu dài, ngoài ra còn giúp chị em chủ động được thời gian mang thai.

Với hiệu quả tránh thai hơn 99%, chi phí tiết kiệm, thời hạn sử dụng trong nhiều năm, có thể tháo bất cứ lúc nào, vòng tránh thai chữ T được nhiều phụ nữ lựa chọn, đặc biệt các bà mẹ đang cho con bú.

Thế nhưng khi đặt vòng tránh thai sẽ có ảnh hưởng đến sức khỏe như: có thể có rong huyết trong vài chu kỳ đầu sau đặt vòng, xuất hiện triệu chứng đau lưng, đau thắt do cơn co tử cung, đau có thể khỏi tự nhiên hay dùng thuốc giảm đau.

Ngoài ra, có thể ra nhiều khí hư trong thời gian đầu do phản ứng của nội mạc tử cung, hiện tượng này sẽ giảm dần nếu không có nhiễm trùng nội mạc tử cung.

Có khoảng 2-5% rơi vòng tránh thai trong 3 tháng đầu sau đặt, nếu không phát hiện, nguy cơ có thai dễ xảy ra. Không ngăn ngừa được một số bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai…

Đáng nói là vòng tránh thai có thể di trú trong ổ bụng, cài cắm ở thành trước cơ tử cung, xuyên bàng quang, hoặc nằm trong quai ruột, thậm chí đi lạc vào trong cơ quan mạch máu vùng chậu.

Khi "đi lạc" trong ổ bụng, nếu không được phát hiện và gắp ra ngoài có thể gây những biến chứng như viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết... ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đặt vòng tránh thai cần khám phụ khoa định kỳ

Bác sĩ Trang cũng khuyến cáo chị em sau khi đặt dụng cụ tránh thai phải thường xuyên kiểm tra định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ, cần đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường để tránh việc vòng tránh thai lạc chỗ hoặc gây viêm nhiễm…

Sau khi đặt vòng, chị em nên duy trì việc đi khám phụ khoa theo các mốc 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 1 năm.

Sau đó nên đi khám một lần để kiểm tra vị trí của vòng có đúng không, thời hạn của vòng cũng như tình trạng sức khỏe phụ khoa hiện tại.

Vòng tránh thai ‘đi lạc’ vào bàng quangVòng tránh thai ‘đi lạc’ vào bàng quang

Đã đặt vòng tránh thai cách đây 7 năm, bà H.T. (40 tuổi, Nam Định) bất ngờ được bác sĩ thông báo vòng tránh thai đã “đi lạc” vào bàng quang.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên