Đầu tư cho "giao diện đẹp": Tìm hệ quy chiếu!

TTCT - Tham gia loạt bài về “giao diện” đẹp (xem TTCT từ 12-2) là hai cái nhìn khác nhau cùng về trách nhiệm của người lớn trong việc định hình cái đẹp của bạn trẻ.

Theo dõi các diễn đàn trên báo đài gần đây chúng ta thường nghe ta thán về lớp trẻ với đủ chuyện “chướng”, chủ yếu bàn gu thẩm mỹ. Nào là dòng nhạc kỳ cục chả ra nói chả thành hát, nào cách dùng từ ú ớ chẳng ta chẳng tây, nào là thần tượng vớ vẩn, nào là lối sống vô cảm và hưởng thụ, và rõ ràng nhất là trang phục, đầu tóc bỏ qua thời tiết, lu mờ giới tính (!).

Minh họa: Bích Khoa

Ta lập diễn đàn chính thức phê phán họ, biết đâu họ cũng lập diễn đàn phi chính thức “tám” về ta. Rồi mai mốt họ nhiều tuổi như ta, thấu đời hơn, sẽ lại quay sang chê trách nhóm choai choai đang là nhóc tì hiện nay.

“Hành xác” để được đẹp?

Cuộc sống ngày càng sung túc, nhu cầu làm đẹp gia tăng. Nhưng thế nào là đẹp vốn không có chuẩn mực cụ thể cố định làm thước đo nên khoan vội chê bai khi họ không giống mình. 

Tôi cũng từng gai mắt nhìn đứa cháu trai mảnh mai trắng trẻo, quần áo lớp trong lớp ngoài như đang ở xứ sương mù nào đó chứ không phải ngay giữa Sài Gòn hầu như không có mùa đông này. Còn đứa cháu gái cũng bộ áo dài trắng tinh tươm đến lớp nhưng vẫn cục mịch vì quần vải dày lưng thấp ống hẹp và tà áo chỉ ngắn đến gối, dĩ nhiên đi kèm với đôi sandal đế thấp thô kệch như dép con trai. Khuôn mặt xinh xắn bị che tối bởi phần mái dày lấp cả trán. Song ngẫm lại đó là cái chuẩn đẹp hiện nay của chúng khi chưa có cái chuẩn nào khác đủ sức thuyết phục hơn. 

Còn nhớ lúc tôi vào lớp 10 là năm đầu tiên nữ sinh cấp III mặc áo dài đi học. Chúng tôi hớn hở được mẹ dẫn đi may những bộ xoa, gấm thật dài với cổ áo cao kín mít và mua giày bảy phân. Đứa nào cũng tranh thủ nuôi tóc dài để được xõa cùng tà áo thướt tha. Thời đó còn khó khăn, học trò thường đi bộ hoặc tự đạp xe thôi. 

Giữa trời trưa nắng chúng tôi vẫn để đầu trần tóc xõa, ôm cặp bẽn lẽn bước thấp bước cao vì đau nhói trên đôi giày nhọn gót. Trường tôi tiết kiệm điện đến mức ngay giữa trưa hầm hập không cho mở quạt (dĩ nhiên tranh thủ ánh sáng trời nên không bật đèn). Ấy vậy bọn tôi vẫn cứ xõa tóc ngồi học cùng mồ hôi nhễ nhại. 

Về đến nhà thay vội bộ đồ thường và cột tóc lên cao mới thở phào nhẹ nhõm. Khổ sở hơn nữa, có hôm đạp xe quáng quàng thế nào ống quần rộng vướng vào dây xích, thế là rách toạt và lấm lem dầu mỡ, về vá víu rồi vẫn may quần ống rộng thôi trông mới mềm mại chứ. Còn áo sơmi đi chơi phải lai bầu dài thượt và nách rộng rinh, mặc vào trông vừa lùn vừa thùng thình như bù nhìn giữ ruộng. Nếu may áo vừa vặn sẽ bị bạn chê là “hưởng của thừa kế từ ông bà dành lại” hoặc “lấy cắp từ viện bảo tàng”. 

Bây giờ nghĩ lại thật buồn cười nhưng lúc đó là đẹp, chúng tôi chịu “hành xác” để được đẹp, chịu dị hợm để chạy theo mốt. 

Trong xã hội nhiều người còn chịu cả đau đớn, chấp nhận tổn thọ và tốn kém, thậm chí mất cả mạng để phẫu thuật thẩm mỹ đó thôi. Họ đáng thương với lý lẽ của họ: “Tôi làm đẹp để cưới/giữ chồng”... 

Tóm lại, làm đẹp để thấy mình tự tin hơn, giao tiếp dễ dàng hơn và dĩ nhiên thu hút người khác giới hơn. Như vậy đối tượng mà họ hướng tới muốn họ trở thành đẹp như thế nào đó thì họ sẽ cố gắng làm đẹp giống vậy. Nghĩa là bạn trẻ không thích làm đẹp theo phong cách cổ điển của bậc tiền bối (đây không phải là đối tượng họ phải lấy lòng), mà cần hội nhập với bạn bè trang lứa để không bị tẩy chay là người thiên cổ còn sót lại (?!), mặc kệ người lớn phàn nàn quái gở. 

Thời gian sẽ sàng lọc

Không phải ai cũng may mắn có ngoại hình dễ nhìn và đủ hiểu biết về cái đẹp để tự tin và hài lòng sống theo chuẩn đẹp mà mình cảm nhận. Vì vậy hãy thông cảm với lối suy nghĩ về cái đẹp khác lạ của bạn trẻ. Nếu muốn họ đừng tiêu tốn quá nhiều thời gian, tâm trí vào chăm chút ngoại hình thì hãy hướng họ vào những điều hay ho hơn. Nếu muốn họ hướng vào chuẩn mực đẹp khác thì cả gia đình, nhà trường, đoàn thể hãy đồng lòng xây dựng một chuẩn đẹp thống nhất phù hợp thời đại. 

Biết rằng sẽ rất khó vì thông tin bùng nổ, bạn trẻ mở được nhiều cánh cửa tìm hiểu, lại có sự góp phần ồ ạt của các nhà sản xuất, giới nghệ sĩ... vốn thích thay đổi xoành xoạch và không “đụng hàng”. 

Chính sự mơ hồ về cái đẹp hoặc bỏ qua giáo dục thẩm mỹ hoặc mâu thuẫn trong gu thẩm mỹ của người lớn mà lớp trẻ chạy theo gu thẩm mỹ của riêng họ. Vả lại, qua thời gian sẽ có sự sàng lọc. Có những kiểu làm đẹp từng bị lên án giờ đã được bình thường hóa, thậm chí còn được ngợi khen. Vậy sốt ruột làm gì nếu kiểu làm đẹp của bạn trẻ không ảnh hưởng xấu đến đạo đức, nhân phẩm, không gây thiệt hại cho thuần phong mỹ tục. 

Người lớn chỉ định hướng thôi, bạn trẻ tự quyết, nếu phải trả giá một chút cũng chấp nhận để họ trưởng thành hơn. Thật khập khiễng nếu dùng hệ quy chiếu thời đại này phán xét hành vi của thời đại khác.

__________

Hồi nhỏ, tôi học tiểu học ở một trường tại xã. Thầy hiệu phó nổi tiếng khó tính. Ngày đó còn là con nít, nhìn thầy nghiêm nghị đứng lớp là tim đứa nào cũng thắt lại một nỗi sợ, dù thầy chẳng làm gì. Và dù nổi tiếng trong trường là được thầy cô cưng hơn những đứa khác, thầy cũng thương tôi hơn nhưng nhìn thầy tôi vẫn sợ. Có một kỷ niệm với thầy mà tôi còn nhớ hoài, liên quan đến cái bụng.

Đó là một tiết học luyện chữ và chính xác hôm đó tụi tôi được tập viết chữ “h”. Tôi đang cắm cúi viết, vì sợ phải ngẩng lên nhìn thấy thầy. Kinh nghiệm xương máu trong suốt thời gian đi học của tôi là: trong khi mọi người chăm chú vào tập, sách, dù cho chả ai biết ai đang đọc/viết cái gì hay nghĩ về gì theo lệnh của thầy cô thì mình chớ dại mà rời mắt khỏi sách và dáo dác dòm lên. Vì kiểu nào cũng vậy, ngay khi mắt ngó ngang ngó dọc hay đơn giản là ngó lên thôi cũng sẽ bị thầy cô túm lại vịn ngay! Mọi thứ im ắng, chỉ có tiếng quạt trần bay vù vù, tiếng chân thầy len qua từng bàn học sinh đều đều...

“Sao chữ h của em mất hết bụng vậy? Giờ tui cắt mất cái bụng của em thì em có chịu không? Sao lại tự ý cắt đi cái bụng chữ h vậy hả?”.

Hồn bay phách lạc. Vừa sợ thầy vừa sợ mất cái bụng! Chẳng cần nói cũng biết về sau các chữ viết có bụng kèm theo mình đều rất chú ý đủ bộ đồ lòng cho nó. Lúc đó cũng chưa nghĩ nhiều về cái bụng hay cái eo, mà chỉ nghĩ chữ h cần cái bụng như một lẽ đương nhiên.

Lớn lên, khi cái mất và cái thêm tồn tại gần như song song, sống thêm ngày và mất đi nhiều thứ từng nghĩ thuộc về mình một cách tất yếu hay bằng một lựa chọn, thường chúng ta cũng ít khi nghĩ đến cái bụng chữ h và thôi cảm giác mất mát đến sợ hãi như ngày tập viết đó.

Những người trẻ hiện tại cũng sống thôi chiêm nghiệm nhiều để nhận ra chữ h luôn cần có bụng để tròn trĩnh và đẹp hơn (như cách thầy tôi - những người thế hệ trước - nhìn nhận) và chúng ta thường chỉ cần biết đến chữ h (y chang chữ h này) là đủ để nhận ra chữ h, chứ không còn cần đến cái bụng chữ h. Không hẳn vì cuộc sống hiện tại đã đơn giản hóa mọi thứ. Mà chính chúng ta đã giản lược đi mọi cái bụng chữ h để nhận về cho chính mình những chữ h trơ ra thiếu bụng và thôi tròn đầy...

Dạo này tôi hay bị ám ảnh bởi những nhận định về lớp người trẻ sống hời hợt và chạy theo những giá trị về giao - diện - đẹp mà rỗng tuếch bên trong. Cũng đau lòng khi nhận ra dường như mối quan tâm của những người đồng trạng 8X như mình rất khác và thiếu sâu sắc với cuộc sống hơn các thế hệ trước. 

Trách những thầy cô tập viết cho thế hệ trẻ đã quên lưu ý những cái bụng chữ h ngay từ sớm hay nên tự trách mình, những người trẻ sống hối hả và tự lược giản tất cả bụng chữ h?

Trách hay không trách? Trách ai thì được? 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận