18/12/2008 21:33 GMT+7

Đầu tư nhà ở xã hội: phải sửa Luật nhà ở...

Teeo HỒNG QUÂN - Lao Động
Teeo HỒNG QUÂN - Lao Động

Luật nhà ở quy định chính quyền địa phương phải dành quỹ đất và quỹ nhà ở cho các dự án nhà ở xã hội. Song đã gần 3 năm nay quy định này "nằm trên giấy" do chính sách về nhà ở xã hội chưa đủ "nặng" để các doanh nghiệp và địa phương thực hiện.

G1HhCwwo.jpgPhóng to
Doanh nghiệp mới chỉ chú trọng đến xây dựng các chung cư cao cấp - Ảnh minh họa
Luật nhà ở quy định chính quyền địa phương phải dành quỹ đất và quỹ nhà ở cho các dự án nhà ở xã hội. Song đã gần 3 năm nay quy định này "nằm trên giấy" do chính sách về nhà ở xã hội chưa đủ "nặng" để các doanh nghiệp và địa phương thực hiện.

Xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2009-2015: đầu tư 49.000 tỉ đồng

Trả lời phỏng vấn báo Lao Động, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng: "Đã đến lúc phải sửa Luật nhà ở để chính sách nhà ở xã hội đi vào cuộc sống".

* Bộ Xây dựng vừa có tờ trình Chính phủ sử dụng trong gói kích cầu 1 tỉ USD để xây dựng một số dự án nhà ở xã hội nhằm kích cầu tiêu dùng và đảm bảo an sinh xã hội. Vì sao bộ lại đưa ra đề xuất này, trong khi đã có rất nhiều đề án nhà ở xã hội chưa được triển khai trên thực tế?

- Chính sách nhà ở xã hội được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2007, được triển khai thí điểm ở 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP.HCM và Bình Dương, nhưng đến nay có thể nói là vẫn giậm chân tại chỗ. Nguyên nhân cơ bản là chính sách thì đã có nhưng chưa đủ mạnh.

Đối tượng triển khai thực hiện thí điểm nhà ở xã hội được giao cho các địa phương, huy động từ ngân sách địa phương, nhưng ngân sách rất hạn hẹp, phải chi cho nhiều mục tiêu. Việc quy định dành quỹ đất cho nhà ở xã hội cũng không cụ thể, thường lẫn với quy hoạch quỹ nhà ở nói chung. Vì vậy, các địa phương trong hoàn cảnh thiếu nguồn kinh phí từ ngân sách, nên hầu hết quỹ đất đều được đưa vào đấu giá để thu tiền (đất dành cho nhà ở xã hội không thu được tiền).

Đối với đối tượng là doanh nghiệp thì những ưu đãi có tính chất hỗ trợ cũng chưa đủ mạnh; chủ yếu là chính sách miễn - giảm tiền thuê đất, còn các khâu đền bù, giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng, xây nhà... DN và địa phương vẫn phải bỏ tiền ra.

Trong khi làm nhà ở xã hội, vay tiền ngân hàng với lãi suất thông thường không khả thi. Ngân hàng tối đa chỉ cho vay trung hạn 10 năm, nhưng xây nhà ở xã hội - theo tính toán, phải thu hồi vốn từ 25-30 năm.

Giá thuê nhà theo Luật nhà ở do Thủ tướng ban hành nên DN không có lãi. Chính vì cơ chế cho nhà ở xã hội không khả thi, DN không mặn mà, địa phương không rót vốn, nên Bộ Xây dựng đã đề xuất việc triển khai một số dự án nhà ở cấp bách bằng nguồn vốn nhà nước - cụ thể từ nguồn ngân sách hỗ trợ suy giảm kinh tế 1 tỉ USD của Chính phủ. Nếu thực hiện được việc này, sẽ có thể có tác dụng nhiều mặt.

* Tuy nhiên, bộ đề nghị việc triển khai sẽ giao cho các đơn vị thuộc bộ thực hiện, thay vì theo quy định hiện hành, việc lựa chọn chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội giao cho UBND các địa phương. Như vậy có dẫn đến việc "vừa đá bóng vừa thổi còi"?

- Như tôi đã nêu trên, chính sách về nhà ở đã giao các địa phương thực hiện nhưng không có hiệu quả. Để thực hiện gói giải pháp kích cầu, cần đến những giải pháp mang tính khả thi, để hình thành ngay quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho các đối tượng chính sách mà Nhà nước cần hỗ trợ.

Bên cạnh đó cũng giải quyết được nhu cầu về nhà ở cho những người thật sự khó khăn như công nhân các KCN, KCX, cán bộ nhà nước chưa được hưởng chính sách về nhà ở, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Thông qua các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, sẽ góp phần kích cầu đầu tư, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động ngành xây dựng. Và quan trọng hơn, việc Nhà nước đầu tư quỹ nhà ở xã hội từ nguồn vốn nhà nước sẽ hình thành tài sản nhà đất thuộc sở hữu nhà nước.

Khai thác quỹ tài sản này, sẽ đảm bảo thu hồi vốn thông qua việc thu tiền cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật nhà ở sẽ góp phần sử dụng hiệu quả quỹ nhà ở. Bộ Xây dựng đề xuất làm chủ đầu tư, vì có trong tay các đơn vị mạnh từ các viện thiết kế, tư vấn, xây dựng có đủ năng lực để đảm nhận thực hiện việc quản lý đầu tư xây dựng theo quy định, có khả năng áp dụng các tiến bộ khoa học về công nghệ xây dựng để đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm chi phí đầu tư nhằm đảm bảo điều kiện về giá thuê, thuê mua nhà ở phù hợp với các đối tượng là người có thu nhập thấp.

* Về lâu dài, bộ có chủ trương giao quỹ nhà ở đã xây dựng cho chính quyền địa phương, hoặc đề xuất việc thực hiện chính sách nhà ở xã hội sẽ như thế nào?

- Qua việc thực hiện chính sách nhà ở xã hội thời gian qua quá chậm chạp, về lâu về dài, chính sách về nhà ở phải được sửa đổi theo hướng sử dụng ngân sách T.Ư để tạo quỹ nhà. Các nước có mô hình nhà ở xã hội phát triển như Algeria, Singapore, Hàn Quốc... đều xây dựng mô hình dựa vào nguồn vốn nhà nước, bởi những khu vực xã hội hóa không khả thi thì nhà nước phải vào cuộc.

Tới đây, Bộ Xây dựng sẽ đề nghị Chính phủ phải sửa Luật nhà ở và nghị định 90 theo hướng Nhà nước phải tạo lập quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Quỹ nhà ở này sẽ đảm bảo thu hồi vốn thông qua việc thu tiền cho thuê, thuê mua nhà, chứ không phải cơ chế bao cấp như trước đây khi thực hiện chính sách phân phối nhà ở. Bên cạnh đó, bộ là cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng sẽ đảm bảo ban hành quy chế giám sát để các đơn vị thực hiện đúng quy định, không tạo cơ chế xin - cho.

* Xin cảm ơn ông.

Teeo HỒNG QUÂN - Lao Động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên