14/08/2023 14:25 GMT+7

Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc giảm mạnh nhất từ trước đến nay, có nguy cơ không thể phục hồi

Báo Nikkei đưa tin đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh trong quý 2-2023, chạm mức thấp kỷ lục.

Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc giảm mạnh nhất kể từ năm 1998 - Ảnh: REUTERS

Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc giảm mạnh nhất kể từ năm 1998 - Ảnh: REUTERS

Theo số liệu tháng 8 của Cơ quan Quản lý ngoại hối Trung Quốc, đầu tư trực tiếp từ các công ty nước ngoài vào nước này trong quý 2 năm nay được ghi nhận tổng cộng 4,9 tỉ USD, giảm 87% so với cùng kỳ năm ngoái, và là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1998.

Việc ngoại hối đổ vào Trung Quốc giảm không quá mới mẻ. Kể từ quý 2-2022, vốn FDI vào nước này đã giảm hơn 50%. Chính sách zero-COVID khiến trung tâm kinh tế Thượng Hải phải đóng cửa trong phần lớn năm 2022, cũng là lý do gây bất ổn cho mảng giao thương quốc tế, góp phần khiến các hoạt động đầu tư mất đà.

Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đã hoạt động bình thường trở lại khi zero-COVID được hủy bỏ vào đầu năm, đầu tư nước ngoài vào quốc gia này vẫn giảm.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, các công ty nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2023 đã đầu tư ít hơn 2,7% tính theo nhân dân tệ, bao gồm cả tái đầu tư, so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, phía Washington đang cho thấy việc đẩy mạnh khái niệm "friend-shoring" - chuyển dịch đầu tư và chuỗi cung ứng sang các nước thân thiện, khi vào ngày 9-8, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố sắc lệnh hạn chế và cấm đầu tư một số lĩnh vực công nghệ tại Trung Quốc.

Điều này cùng với một số lo ngại về sự sẵn sàng mở cửa của quốc gia tỉ dân này đối với thế giới đang cản trở dòng tiền đổ vào nước này, Nikkei nhận định.

Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang cũng gây tác động lên kế hoạch đầu tư của các doanh nghiệp. Theo đó, 66% trong tổng số 320 công ty được khảo sát năm 2022 của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc (AmCham China) cho biết căng thẳng Mỹ - Trung là một trong những rủi ro kinh doanh mà họ đang phải đối diện.

Khảo sát này cũng cho thấy chỉ 34% trong số các doanh nghiệp được hỏi tự tin về việc Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa với thế giới trong 3 năm nữa, giảm 61% so với lần khảo sát 2 năm trước.

"Ngày càng có nhiều lo ngại rằng luật chống gián điệp sửa đổi của Trung Quốc sẽ hạn chế thương mại và đầu tư", báo Nikkei dẫn lời Toru Nishihama, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life.

Luật này đã có hiệu lực từ tháng 7, mở rộng phạm vi của những hoạt động được cho là gián điệp. Các công ty của nước ngoài tại Trung Quốc lo ngại việc nhân viên của mình có thể trở thành mục tiêu.

Theo nhận định của Nikkei, sau nhiều tháng đóng cửa vì dịch COVID-19, nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu mất đà. Thị trường bất động sản vốn là một trong những động lực thúc đẩy nền kinh tế hiện gặp khó và đang trong giai đoạn điều chỉnh cơ cấu. Ti lệ tham gia lao động giảm ở quốc gia này cũng đang gây áp lực đối với tăng trưởng.

Trung Quốc cũng nhắm đến việc xây dựng chuỗi cung ứng cho ngành chất bán dẫn và một số ngành công nghiệp khác, nhưng việc tiếp cận các thiết bị và linh kiện cần thiết ngoài nước đang gặp nhiều trở ngại. Nếu tốc độ đổi mới trong công nghệ và năng suất chậm lại, tình trạng trì trệ kinh tế tại quốc gia này có thể kéo dài hơn dự kiến.

Mỹ cấm đầu tư vào công nghệ cao tại Trung Quốc: Bắc Kinh tuyên bố không sợMỹ cấm đầu tư vào công nghệ cao tại Trung Quốc: Bắc Kinh tuyên bố không sợ

Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh cấm đầu tư vào công nghệ cao tại Trung Quốc đã vấp phải phản ứng mạnh từ giới chức và truyền thông của đất nước tỉ dân. Bắc Kinh cho rằng Washington "nói một đằng làm một nẻo".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên