04/10/2019 19:58 GMT+7

ĐBSCL thiếu nước: Tìm lối đi nào cho nông dân?

BỬU ĐẤU - CHÍ QUỐC
BỬU ĐẤU - CHÍ QUỐC

TTO - Chiều 4-10, tại An Giang, Báo Tuổi Trẻ phối hợp Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) tổ chức tọa đàm 'ĐBSCL: Thiếu nước - thiếu tiền' với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và đại diện nông dân một số tỉnh ĐBSCL.

ĐBSCL thiếu nước: Tìm lối đi nào cho nông dân? - Ảnh 1.

Nhà báo Lê Thế Chữ - tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: CHÍ QUỐC

Mở đầu tọa đàm, nhà báo Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho rằng ĐBSCL có diện tích hơn 4 triệu ha, sản xuất 50% sản lượng lương thực, 75% sản lượng thủy sản và đóng góp 20% GDP cả nước. Báo Tuổi Trẻ nhận thức sâu sắc về các cơ hội và khó khăn thách thức của ĐBSCL.

"Hôm nay, chúng tôi cùng các chuyên gia, các nhà quản lý muốn đi sâu hơn để tìm những lối đi giúp nông dân chuyển đổi sinh kế bền vững trồng cây gì, nuôi con gì, chọn nguồn vốn từ đâu… Lũ về là có tiền nhưng nước về chưa hẳn là vui khi các con đập ở thượng nguồn ngăn dòng phù sa, đời sống người nông dân vẫn còn nhiều khó khăn trước biến đổi khí hậu", ông Chữ nói.

Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, dự báo năm 2020 sẽ bước vào hạn hán khốc liệt. Còn các đập thủy điện ở thượng nguồn không hề mất nước mà chỉ chặn đường cá đi. Tác động chính của thủy điện là làm giảm lượng phù sa và cát, gây sạt lở ĐBSCL.

ĐBSCL thiếu nước: Tìm lối đi nào cho nông dân? - Ảnh 2.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập về sinh thái, trình bày các vấn đề về nước trong thời gian tới - Ảnh: CHÍ QUỐC

"Tự thủy điện không lấy mất nước, nguyên nhân chính là do mực nước trên sông Mekong thấp và diễn biến bất thường. Mùa nước nổi vừa qua do mưa ở Nam Lào, nước về muộn và thấp, khả năng dẫn đến rủi ro hạn, mặn gay gắt vào tháng 3-2020 sắp tới", ông Thiện nói.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Lâm, nông dân xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú cho biết gia đình chuyên đặt dớn kiếm sống nhưng năm nay nước về trễ và lại rút nhanh quá nên không có thu nhập như nhiều năm trước. "Tui chỉ mong có một số vốn để mua máy trộn hồ để làm có thêm thu nhập. Bây giờ nước rút nhanh quá không biết làm nghề gì sống. Chẳng lẽ bỏ xứ ra đi", ông Lâm nói.

Còn ông Nguyễn Duy Bằng, nông dân Đồng Tháp, nói ông có 28 công đất, trước đây làm lúa nhưng liên tục thu hoạch không đạt và bất an.

"Sau đó, thấy chính quyền khuyến cáo, bà con lân cận trồng sen kết hợp làm du lịch hiệu quả nên chúng tôi 'làm theo' họ trồng sen. Nhờ vậy mà đến nay gia đình chúng tôi có cuộc sống ổn định hơn. Hiện tại chúng tôi đang dần dần chuyển sang trồng 1 vụ lúa, 1 vụ màu và 1 vụ sen cho thu nhập từ trồng sen đã gấp 3 lần so với lúa", ông Bằng chia sẻ.

Ông Lê Văn Nưng - phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết thông điệp "thiếu nước - thiếu tiền" rất mạnh mẽ gửi đến chính quyền các địa phương ĐBSCL.

"Tọa đàm đã làm 'nóng lên' tình hình thực hiện nghị quyết 120 của Chính phủ. Hiện tại An Giang có điểm mới là các ngân hàng liên kết với doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp nào không tiếp cận vốn được thì ngân hàng phải đối thoại với doanh nghiệp.

Chúng tôi làm mô hình này 3 mặt 1 lời rất thành công. Vì ông ngân hàng nào cũng nói dư vốn nhưng tại sao doanh nghiệp không tiếp cận được. Sắp tới mô hình này sẽ làm đối với nông dân", ông Nưng nói.

Ông Nguyễn Văn Giàu - chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, hoan nghênh sáng kiến của báo Tuổi Trẻ và Agribank trong việc tổ chức buổi tọa đàm ý nghĩa này. 

Ông cho rằng thực hiện nghị quyết 120 thì trong 5 năm tới ĐBSCL được đầu tư nhiều hơn về hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu và có đánh giá về nước và biến đổi khí hậu đối với dân ĐBSCL trong thời gian tới.

"Các địa phương ĐBSCL cần đề xuất các phương án theo tinh thần thích nghi với nghị quyết 120 trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Đối với Agribank nên xây dựng chương trình hỗ trợ nông dân trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay", ông Giàu nói.

ĐBSCL thiếu nước: Tìm lối đi nào cho nông dân? - Ảnh 3.

Các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng nếu không có những mô hình thích ứng với thiên nhiên khi lũ không về thì nông dân sẽ gặp khó. Trong ảnh là xả lũ đập tràn Trà Sư sáng ngày 4-10 - Ảnh: BỬU ĐẤU

Kết luận tại tọa đàm, nhà báo Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, nói nông dân ĐBSCL sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh biến đổi khí hậu xảy ra nên rất cần chính quyền các cấp vào cuộc. Vì các nhà khoa học đã cảnh báo và nói nhiều về "thiếu nguồn nước có lợi và thừa những nguồn nước có hại".

"Qua buổi tọa đàm, chúng tôi thấy tuy vẫn còn một số khó khăn nhưng cũng đã có nhiều mô hình, cách làm của bà con nông dân rất hay, phù hợp với từng địa phương. 

Sắp tới, Tuổi Trẻ sẽ tiếp tục thông tin về những mô hình mới, cách chuyển đổi sản xuất kinh doanh hiệu quả của doanh nghiệp và bà con nông dân để cùng với chính quyền các địa phương chuyển đổi mô hình kinh tế hiệu quả theo nghị quyết 120", ông Chữ khẳng định.

Sẵn sàng hỗ trợ bà con chuyển đổi mô hình sản xuất

“Thiếu nước – thiếu tiền” và hành động của chúng ta - Ảnh 4.

Ông Trần Ngọc Hải - trưởng đại diện Agribank Tây Nam Bộ, phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ông Trần Ngọc Hải - trưởng văn phòng đại diện khu vực Tây Nam bộ Agribank, cho rằng trước những khó khăn do biến đổi khí hậu và lũ về trễ, Agribank đã hỗ trợ, cho vay vốn hàng ngàn tỉ đồng giúp nông dân các tỉnh Hậu Giang, Cà Mau, Bến Tre, Kiên Giang... để chuyển đổi đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, rau màu, nuôi cua, tôm...

Đặc biệt ở An Giang, ngân hàng đã hỗ trợ thực hiện liên kết với nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi liên kết trồng bắp nuôi bò rất hiệu quả. "Là ngân hàng quốc doanh, chúng tôi cam kết luôn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp và bà con nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp, hiệu quả trước biến đổi khí hậu", ông Hải nói.

Ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, bày tỏ ông rất vui khi báo Tuổi Trẻ tổ chức buổi tọa đàm này. "Bây giờ câu nói 'trên cơm dưới cá' đã qua rồi. Tôi đọc báo thấy các nhà khoa học dự báo ĐBSCL sẽ chìm trong mấy chục năm tới thì bây giờ người nông dân phải 'nổi' trước khi ĐBSCL bị chìm.

Tại sao người ta làm lúa mà giàu, còn mình lại nghèo? Cái chính là do bà con ta còn hạn chế về kiến thức. Do vậy, tôi nghĩ ĐBSCL phải giải quyết vấn đề trí tuệ, tức là giáo dục, mới nâng cao nhận thức để thay đổi", ông Nhị nói.

ĐBSCL thiếu nước: Tìm lối đi nào cho nông dân? - Ảnh 7.

Ông Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại buổi tọa đàm - Ảnh: CHÍ QUỐC

ĐBSCL thiếu nước: Tìm lối đi nào cho nông dân? - Ảnh 8.

Nhà báo Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, tặng hoa cho các nông dân tham dự tọa đàm - Ảnh: CHÍ QUỐC

Xả lũ đập tràn Trà Sư đưa phù sa vào ruộng ĐBSCL Xả lũ đập tràn Trà Sư đưa phù sa vào ruộng ĐBSCL

TTO - Lượng nước lũ phía thượng lưu (bên ngoài thân đập) và vùng hạ lưu (bên trong đập) chênh lệch hơn 1,1m. Trong khi cùng kỳ năm trước nước lũ chênh lệch 1,5m. Năm nay đập tràn Trà Sư xả lũ trễ hơn và lượng nước lũ cũng ít hơn.

BỬU ĐẤU - CHÍ QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên